Góp ý của ĐBQH Hoàng Văn Thượng – Cao Bằng đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:06 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia đóng góp vào Dự án Luật phòng, chống tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ tháng 6 năm 2006 đã tạo thành hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng nhất là các biện pháp triển khai phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được Luật phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Phòng chống tham nhũng cũng chưa đạt được yêu cầu mục tiêu đề ra là ngăn chặn từng bước đẩy lùi phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn phức tạp và nghiêm trọng có biểu hiện tinh vi phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, do đó việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là cần thiết.

Tôi xin tham gia vào Dự án luật phòng, chống tham nhũng với ý thứ nhất là: Với chất lượng và phạm vi những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án tại kỳ họp này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều là phù hợp. Bởi vì bây giờ điều kiện như thế tôi thấy ý này tôi cũng nhất trí là sửa đổi một số điều.

Về công khai minh bạch tài sản trong hoạt động của cơ quan tổ chức đơn vị từ Điều 11 đến Điều 37 thì nguồn gốc tài sản về trách nhiệm giải trình của các cơ quan đơn vị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp các cơ quan có thẩm quyền bước đầu kiểm soát biến động về tài sản, về tổ chức qua đó nhằm ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng hối lộ một cách có hiệu quả. Các điều ghi trong Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng nêu khá toàn diện, thủ tục, nấc bước, nội dung cần thông qua tổ chức, đơn vị nhằm công khai minh bạch tài sản. Nhưng trong một số điều luật trong dự thảo còn chưa khép kín, chưa rõ nhất là về cơ chế thực hiện quy định trách nhiệm của các bên, còn có kẽ hở để cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức khi triển khai thực hiện vẫn lách luật được để tiến tới tham ô, tham nhũng.

Việc cung cấp thông tin, làm rõ và các nội dung có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, công việc được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ trên từng lĩnh vực như Điều 14 là công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, hay Điều 22 công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục, Điều 34 công khai, minh bạch trong tổ chức cán bộ.

Các điều trên chúng ta thấy khung thì được nhưng khi thực hiện, thực thi các công việc mà người được nhận nhiệm vụ thực thi thì thực ra khi có điều kiện còn có nhiều kẽ hở để tham ô, tham nhũng, trong việc cụ thể hóa này cần phải rõ hơn, minh bạch hơn và giám sát chặt chẽ hơn. Cho nên tôi đề nghị bổ sung quy định về chế tài  khi thực hiện việc công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực, trong từng đơn vị cụ thể và có các biện pháp phòng, ngừa cho từng lĩnh vực, từng ngành, từng đơn vị.

Về minh bạch tài sản, thu nhập. Điều 49 tài sản, thu nhập phải kê khai. Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa đồng đều, chưa nhất quán, khai không hết, chưa đầy đủ nhưng kiểm tra, thanh tra thu nhập còn ít. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định về kê khai tài sản chưa đầy đủ, khó kiểm soát, có lúc mang tính hình thức, "đối phó", phân tán tài sản.

Để khắc phục hạn chế này, xin đề xuất một số nội dung trong đó bổ sung quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, đảm bảo việc giám sát, kiểm sát chặt chẽ kê khai tài sản, thu nhập tài sản, xác minh kết quả kê khai tài sản, thu nhập đối với người thuộc quyền quản lý từng cán bộ công chức cũng phải tự giác kê khai trung thực để kê khai đầy đủ, tránh tình trạng khi kê khai anh thường hay chế biến đi  Cho nên đòi hỏi cán bộ cũng phải tự giác kê khai và trung thực.

Về công khai bảng kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, theo tôi thì để nơi cán bộ công chức, viên chức thường xuyên làm việc là hợp lý. Bởi vì bây giờ nếu mà mình đi dán khắp mọi nơi các thứ nó cũng chưa phải hay lắm, mà trong tình hình hiện nay thì chúng tôi thấy để chỗ cơ quan, đơn vị là hợp lý.

Về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, theo tôi sửa đổi theo hướng mở rộng vì tình hình tham nhũng hiện nay rất nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành kê khai tài sản minh bạch, tài sản thông tin như là công cụ phòng, chống tham nhũng. Bởi vì chúng tôi thấy các đồng chí bảo kê khai ra nhiều anh nó không cần thiết nhưng như đơn vị thì bây giờ chẳng nhẽ kê khai các đồng chí chịu trách nhiệm chủ trì không? chứ còn nhiều anh nó bé nhưng lại có điều kiện tham ô, tham nhũng, lợi dụng chỗ đấy cho nên theo tôi thấy cũng phải mở rộng ra để cho nó có một tổ chức nhất quán trong cả nước. Đấy là một ý về diện kê khai như vậy.

Về cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, tôi xin đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng thuộc Quốc hội, Ủy ban phòng, chống tham nhũng thuộc Quốc hội để có đủ quyền lực giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vì nghiên cứu trên thế giới cũng như bây giờ trong tình hình hiện nay thì chúng tôi thấy nó vừa có đủ điều kiện, đủ quyền lực để cho cơ quan phòng, chống tham nhũng này hoạt động có hiệu quả, hiệu lực hơn và thực tế thấy rằng 6 tháng, 1 năm thì như họp Quốc hội cũng phải báo cáo kết quả. Cho nên kết quả triển khai như thế nào. Tôi thấy nếu Ủy ban phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội thì cũng thuận lợi. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan