Góp ý của ĐBQH Ngô Văn Minh – Quảng Nam đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:18 19-12-2012

Ngô Văn Minh - Quảng Nam

Kính thưa Quốc hội,

Về Luật phòng, chống tham nhũng, tôi xin phát biểu một số vấn đề như sau:

Tôi thấy trong thời gian ngắn nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Ban soạn thảo đã nỗ lực rất lớn để đưa ra nội dung phạm vi sửa đổi tương đối hợp lý. Trong sự cần thiết, các đồng chí đã chỉ ra 5 hạn chế bất cập cần phải tập trung xử lý trong lần này. Tuy nhiên tôi thấy các đồng chí chưa làm rõ nguyên nhân tại sao chúng ta phải sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng. Nguyên nhân lớn nhất hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta quan tâm việc xử lý tội tham nhũng chưa nghiêm, chưa đáp ứng được tâm tư nguyện vọng và mong muốn trong quyết tâm chính trị của toàn Đảng chúng ta trong việc xử lý tham nhũng.

Toàn dân chúng ta hiện nay có một yêu cầu rất chính đáng đó là không phải phòng, chống nữa mà phải tiêu diệt tham nhũng, phải xem tham nhũng như một tội phạm hình sự nặng nhất, đó là tội phản quốc và tội chống lại chế độ chính quyền nhân dân. Từ quyết tâm đó chúng ta mới đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác này. Tôi thấy trong nhiều năm qua chúng ta nói đạt được kết quả chưa như mong muốn, nhưng chúng ta đã làm được một số việc mà nếu cơ quan phòng, chống tham nhũng không làm thì làm sao chúng ta biết được những vụ việc tham nhũng lớn đã được phanh phui và xử lý. Từ những vụ việc đó chúng ta có thể chấp nhận được, nhưng việc xử lý chưa được như mong muốn. Chính vì vấn đề đó tôi xin bổ sung để làm rõ thêm một số quy định trong luật này như sau:

Ví dụ hành vi tham nhũng các đồng chí đưa ra 12 hành vi tôi đồng ý, nhưng phải đưa thêm ít nhất một hành vi nữa đó là ra quyết định sai, ra chủ trương, chính sách ban hành sai, cố ý hoặc vô ý nói chung do trình độ năng lực kém, hạn chế thì phải quy ra ai bố trí cán bộ đó. Chúng ta phải làm rõ như thế, hay là vì lợi ích nhóm, hay vì vấn đề gì ở đây. Ở đây chúng ta nói là thất thoát, chúng ta chuyển đổi tội danh tham nhũng thì qua là cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng, hay chúng ta dùng thuật ngữ thất thoát. Như đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo cách đây mấy hôm tại hội trường này. Chúng ta nói là thất thoát hoặc chưa trả nợ lại được hoặc chưa xử lý nợ tốt, v.v., thì đó là cái gì.

Vấn đề này chúng ta phải đưa vào xem đó là hành vi tham nhũng. Tôi đề nghị như vậy.

Ở Điều 14 quy định là phải công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư. Tôi đồng ý bổ sung này nhưng đề nghị bổ sung thêm là báo cáo quyết toán của công trình, dự án đầu tư đó phải đưa ra công khai, minh bạch để cho nhân dân giám sát việc này thì như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Vấn đề cụ thể thứ hai, về nghĩa vụ kê khai. Tôi đồng ý bổ sung lần này, nhưng tôi đề nghị lưu ý khi hướng dẫn thực hiện chúng ta thêm đảng viên có nghĩa vụ kê khai là đúng rồi, nhưng tôi đề nghị bỏ các đồng chí hưu trí ra. Các đồng chí cán bộ hưu trí về tham gia công tác tại địa phương là cựu chiến binh, là mặt trận, là đoàn thể nhưng bây giờ cũng bắt các đồng chí này kê khai theo tôi nghĩ chúng ta mở rộng như thế là hình thức và không nên, nên gom lại nhất là những người giữ chức vụ, quyền hạn.

Về nghĩa vụ kê khai ở Khoản 2, tôi đề nghị thống nhất với các góp ý phát biểu trước là không chỉ con chưa thành niên mà cả con đã thành niên của cán bộ, công chức có chức, có quyền cũng phải kê khai. Anh phải tự kê khai và công khai với tổ chức của mình thì lấy bản kê khai tài sản của con mình nếu là cán bộ, công chức nhà nước thì nộp luôn cho cơ quan của bố mẹ đang công tác, như thế sẽ phù hợp hơn. Nếu làm bên ngoài thì lấy bản kê khai của chính quyền địa phương anh tự kê khai vào để chúng ta quản lý trong vấn đề này thì hiệu quả đấu tranh nó sẽ tốt hơn.

Về tài sản kê khai thu nhập, tôi đề nghị bổ sung việc con cái cán bộ của chúng ta đi học nước ngoài là từ nguồn ngân sách nào? từ nguồn nào và lý do như thế nào? Để đảm bảo có sự kê khai minh bạch. Về vấn đề này hiện nay trong nhân dân chúng ta cũng có ý kiến rất nhiều.

Tôi đề nghị bảng kê khai tài sản thu nhập này hiện nay chúng ta có bổ sung hàng năm nhưng phải báo cáo với tổ chức, cơ quan, đơn vị mình nơi công tác, nơi làm việc, hàng năm phải báo cáo tài sản thu nhập tăng thêm từ 100 triệu đồng trở lên phải báo cáo là cái đó nó ở đâu mà có để cho như thế thì mọi điều nó sẽ minh bạch hơn, tốt hơn.

Cuối cùng về Ban chỉ đạo, tôi nghĩ hiện nay Trung ương 5 đã thành lập Ban chỉ đạo do Tổng Bí thư đứng đầu, điều này là phù  hợp với nguyện vọng của cán bộ Đảng viên, của nhân dân. Bởi vì nếu như trong dự luật lần này không ghi vào, không quy định trong luật, tôi nghĩ cũng chưa hợp lý. Bởi vì hiện nay trong Hiến pháp của chúng ta đang dự thảo sửa đổi và đang hiện hành vẫn có câu là: các tổ chức Đảng và Đảng viên thì phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Dự thảo lần này của Hiến pháp chúng ta còn thêm một câu là các tổ chức Đảng và Đảng viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước nhân dân. Chúng ta không việc gì mà không ghi vào đây Luật Phòng, chống tham nhũng là: Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng là theo quy định cu của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Như thế là rõ ràng, minh bạch, công khai, điều này nhiều luật chúng ta đã làm như thế. Mới đây Luật Công đoàn chúng ta cũng ghi: "Công đoàn là tổ chức v.v... đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam". Điều này không có gì phải né tránh, phải không ghi vào đây và bảo là không phù hợp, không hợp lý.

Bên cạnh đó tôi đề nghị phải thành lập Ủy ban quốc gia độc lập phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội bao gồm các cơ quan chức năng và những người đủ mạnh, đủ tâm, đủ tài để thực hiện có kết quả, hiệu quả đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan