Góp ý của ĐBQH Lê Thị Nguyệt – Vĩnh Phúc đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:19 19-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu các văn bản liên quan đến dự án Luật phòng, chống tham nhũng theo gợi ý của chủ tọa đoàn và gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin tham gia một số vấn đề tôi quan tâm như sau:

Thứ nhất, các quy định về tài sản tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng ở Khoản 1, Điều 2 của dự thảo luật đã giải thích tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng, quy định này không thay đổi so với Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005. Theo tôi đây là quy định quá cao so với khả năng đáp ứng của thực tiễn hiện nay. Đề mục đích thực tiễn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng là thu hồi tài sản nhà nước, tài sản bị đánh cắp trả cho chủ sở hữu hoặc chủ quản lý hợp pháp của tài sản đó, việc thu hồi các loại tài sản trực tiếp có được từ hành vi tham nhũng đã là bài toán vô cùng khó khăn cho công tác phong tỏa, tạm giữ, tịch thu và thi hành án. Trong khi đó việc dự luật quy định tài sản tham nhũng bao gồm cả các tài sản gián tiếp có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng là hoa lợi, lợi tức từ tài sản tham nhũng gốc. Ví dụ một công chức tham nhũng 1 tỷ đồng cách đây 5 năm, anh ta mang số tiền bất chính này đầu tư vào bất động sản, nhà hàng, thậm chí sản xuất kinh doanh theo luật hiện hành lợi nhuận mà anh ta thu được cũng bị coi là tài sản tham nhũng.

Vậy, với điều kiện hiện nay để chúng ta có khả năng thu hồi được tài sản bao gồm cả gốc lẫn lợi tức đó không, cơ sở pháp luật nào cho việc này, cơ chế nào có thể xác định được tổng lượng tài sản tham nhũng đã bị chuyển hóa, lực lượng bảo đảm cho việc phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, quản lý và thực hiện xử lý đối với loại tài sản này sẽ phải được tổ chức và đầu tư ra sao.

Tôi đề nghị Chính phủ giải trình về vấn đề này, tôi không thỏa mãn khi Điều 84 của dự thảo luật này chỉ dừng lại ở nguyên tắc xử lý tài sản tham nhũng, những tuyên bố chính trị rất chung luôn đúng nhưng không thể đi vào thực tiễn. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài đang là một vấn đề rất thời sự, rất bức xúc trên các diễn đàn phòng, chống tham nhũng. Việc công dân, công chức nước ngoài hay công chức Việt Nam gửi tiền tham nhũng ra ngân hàng nước ngoài hoặc rửa tiền ở nước ngoài đang là hiện tượng phổ biến mà Chính phủ cần phải có thống kê, dự báo và phối hợp liên ngành thanh tra, ngân hàng Nhà nước và công an, tài chính để đấu tranh.

Điều 85 của dự luật quy định việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Vấn đề này tôi đề nghị cần bổ sung thêm một nguyên tắc, coi đó là nguyên tắc có đi, có lại trong quan hệ quốc tế là cơ sở thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Bởi quy định như vậy sẽ đáp ứng một thực tiễn hiện nay Việt Nam chưa ký bất cứ một hiệp định song phương và đa phương nào về thu hồi tài sản tham nhũng. Trong khi pháp luật Việt Nam về thu hồi tài sản tham nhũng nói chung và pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài đang còn ở giai đoạn manh nha thì việc hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài cần được áp dụng nguyên tắc có đi, có lại như chúng ta vẫn đang áp dụng từ trước đến nay.

Khoản 2, Điều 85 của dự luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền và trình tự thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, tôi hoàn toàn không nhất trí quy định này. Vì bản chất việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam là việc nhà nước Việt Nam cho phép thi hành bản án, phán quyết của tòa án nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc này hết sức hệ trọng và nó đụng chạm đến nguyên tắc cơ bản của Việt Nam khi thi hành bản án, phán quyết của tòa án nước ngoài. Do đó, vấn đề này phải được điều chỉnh bởi luật do Quốc hội ban hành và tốt nhất là được điều chỉnh trong Luật Phòng, chống tham nhũng mà không thể giao cho Chính phủ quy định bằng các văn bản pháp quy.

Thứ hai, Chương VI của dự luật quy định về vai trò và trách nhiệm của xã hội về phòng, chống tham nhũng. Chương này về cơ bản không có gì mới so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, ngoại trừ việc nhắc lại một quy định của Luật Báo chí mang tính ràng buộc các cơ quan báo chí trong phát hiện và phản ánh hành vi tham nhũng. Linh hồn của chương này vẫn là việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng.

Các quy định về vai trò của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp còn rất mờ nhạt, mang tính thống kê các nhiệm vụ đối với các đối tượng này mà không nêu được cơ chế và điều kiện đảm bảo phát huy vai trò của các đối tượng này.

Trong toàn bộ dự luật, giới nghiên cứu và đông đảo cử tri đều cho rằng, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ phía xã hội vẫn chưa được cổ vũ, và chưa được đối xử công bằng trong luật so với phía Nhà nước. Tham nhũng chủ yếu phát sinh từ khu vực công, khu vực Nhà nước, vì vậy, chống tham nhũng thường bị gắn với cụm từ nhạy cảm vì nó đụng chạm đến một khu vực dễ bị tổn thương cho nên để đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả hầu hết các nước đều huy động đồng thời cả hai khu vực xã hội và Nhà nước. Trong đó khu vực xã hội phải được ưu tiên hơn. Vì khu vực xã hội nói chung là khách quan và vô tư hơn, có nhiều thuận lợi hơn vì chẳng hạn một người dân thường hay báo chí dễ dàng hơn trong việc phản ánh tố cáo các hành vi tham nhũng của quan chức hơn là các cán bộ dưới quyền hay đồng nghiệp của quan chức này. Không phải không có rủi ro khi dân thường, báo chí phanh phui vụ việc tham nhũng nhưng chắc chắn họ thấy không khó ăn, khó  nói như công chức trong bộ máy quản lý nhà nước. Vì họ mang tư thế của người dân bị thiệt hại vì tham nhũng, vì họ ủy thác quyền lực của mình cho ông ta, vì họ đóng thuế nuôi ông ta và vì công chức nhà nước là công bộc của họ. Cho nên tôi cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng lần này cần phải quy định đậm nét hơn nữa, dài hơn, chi tiết hơn, nhất là có cơ chế phát huy vai trò, đảm bảo vai trò xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Đây không phải là vấn đề mới mẻ nhưng chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập nhờ dân thì trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cần phải ghi nhớ bài học này.

Việc quy định theo hướng tăng cường các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng là cần thiết, nhưng các cơ quan đó cũng chỉ là các cơ quan của nhà nước thuộc khu vực công. Cho nên tôi cho rằng việc các cơ quan nhà nước chống tham nhũng có thể được ví von như "một người tự tắm cho mình", điều này không có gì đặc biệt đối với mọi quốc gia và nó đương nhiên là việc bình thường., thậm chí không cần phải cổ vũ vì không có bất kỳ Chính phủ nào trên thế giới lại không muốn xây dựng một bộ máy liêm chính. Tuy nhiên nếu công chức và bộ máy của anh ta không chịu tắm, không muốn tắm và sợ tắm thì người dân, xã hội, tất cả với tư cách đương nhiên của mình sẽ phải tắm cho họ và bắt buộc họ chữa các căn bệnh nan y phát sinh ra họ không chịu tắm rửa.

Thứ ba, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về pháp luật Luật phòng, chống tham nhũng nhiều năm vừa qua chưa thực sự hiệu quả, báo cáo về phòng, chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ đã nhận định về điều này, nhưng chưa phân tích rõ nguyên nhân. Tôi cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là chúng ta chưa quan tâm đến công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng. Rất tiếc trong hệ thống các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định ở tại Chương II của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và trong dự luật sửa đổi lần này cũng không quy định giáo dục liêm chính là biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo tôi trong hoàn cảnh của Việt Nam, giáo dục liêm chính với các đối tượng mới là chìa khóa giải quyết tận gốc vấn đề nạn tham nhũng mà giáo dục liêm chính phải được tiến hành cho con người từ trẻ thơ, không chỉ tập trung với người trưởng thành, vì người trưởng thành đã định hình nhân cách, nhân sinh, quan niệm về giá trị liêm chính. Nếu một người đã tốt nghiệp đại học mà họ cho rằng việc gian lận, quay cóp trong thi cử, việc biếu quà quan chức, hối lộ cảnh sát giao thông hay lối lộ bác sĩ là việc bình thường và họ cũng quan niệm việc nhận hối lộ là việc bình thường, cần thiết để cải thiện cuộc sống của họ thì các hành vi tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng của chúng ta chỉ là phần ngọn, chỉ làm cho xong việc mà thôi.

Biện pháp phòng ngừa, phòng, chống tham nhũng trong Chương II tôi đề nghị bổ sung thêm một nhóm phòng, ngừa tham nhũng là khi xây dựng cơ chế thẩm định về khía cạnh phòng, chống tham nhũng mà khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần có khía cạnh về công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan