Góp ý của ĐBQH Huỳnh Nghĩa – TP Đà Nẵng đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:17 19-12-2012

Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng

Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí với phần đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tôi tham gia bốn vấn đề sau đây.

Một, về phạm vi sửa đổi, tôi thống nhất phạm vi sửa đổi của luật cũng như ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước. Nhưng theo tôi cần sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai kết luận của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI. Vì sau hơn 6 năm thi hành luật, tình hình tham nhũng ở nước ta không hề thuyên giảm mà diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, tinh vi và phức tạp hơn, gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội. Trước đây tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, nay lại xảy ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành kể cả các ngành lâu nay ít quan tâm cũng bắt đầu trỗi dạy như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cho gia đình thương binh liệt sỹ, xóa đói giảm nghèo, thậm chí ăn chặn cả tiền cứu trợ của đồng bào lũ lụt vùng sâu, vùng xa v.v... Tham nhũng trở thành mối hiểm họa lớn của đất nước. Bác Hồ lúc sinh thời đã từng nói: Tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, thứ giặc ở trong lòng, đánh giặc này có nguy hiểm hơn, giặc ngoại xâm còn rõ hình thù có thể dùng súng đạn tiêu diệt.

Thời gian qua các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã tỏ rõ thái độ tích cực mạnh mẽ trên các diễn đàn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị không khoan nhượng của Đảng, Nhà nước ta đối với hành vi tham nhũng, được dư luận đồng tình ủng hộ. Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là vô cùng cấp thiết tạo bước ngoặt hoàn chỉnh về khuôn khổ pháp lý trong công tác này, nhằm triệt và xóa tận gốc tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách mà cử tri đang mong chờ ở Quốc hội.

Thứ hai, về kê khai minh bạch tài sản thu nhập. Đây không phải là vấn đề mới, việc kê khai tài sản thu nhập đã đặt ra từ nhiều năm nay nhưng thực tế chỉ dừng lại ở việc kê khai rồi để đó, chưa có tác dụng trong thực tế, chưa được công khai, chưa góp phần kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng được kê khai để tăng cường cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham nhũng. Dự thảo luật đã bắt được căn bệnh này và coi đây là một trong những nội dung quan trọng của phòng ngừa, kiểm soát tài sản thu nhập.

Tôi nhất trí với nhận định của Ủy ban Tư pháp xác định việc kê khai tài sản thu nhập của cá nhân là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả nhất. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu mang tính cốt lõi hiện nay là quy định của luật về vấn đề này chưa nghiêm, chưa có chế tài dẫn đến việc kê khai còn mang hình thức. Một số tài sản có giá trị còn chưa được kê khai theo đúng quy định, đó là cán bộ công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là những người làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến tham nhũng. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Quốc hội xem xét quy định thêm một chế tài đủ mạnh có tác dụng bắt buộc người kê khai phải kê khai trung thực đầy đủ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, cần thiết phải thiết kế một điều luật riêng, đặc biệt phải có chế tài tịch thu  những tài sản cố tình che dấu không kê khai. Đối với những trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai tài sản thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kê khai lại sau khi kê khai mà vẫn còn nghi ngờ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tiếp và làm rõ những vấn đề nghi vấn. Nếu qua xác minh phát hiện có tài sản chưa được kê khai, cố tình không kê khai thì tiến hành xử lý, có thể ra quyết định tịch thu xung công quỹ nhà nước.

Quy định chặt chẽ, mạnh mẽ như vậy thì mới khắc phục được tính hình thức về kê khai tài sản, góp phần kiểm soát tài sản thuộc quyền sở hữu của người kê khai, tránh việc che dấu, phân tán tài sản.

Vấn đề thứ ba, về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn là vấn đề mấu chốt, là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong việc phòng, chống tham nhũng. Nếu không có cơ sở kiểm soát tài sản thu nhập thì việc kê khai tài sản vẫn chỉ là hình thức và không thể xác định được. Hơn nữa việc kiểm soát tài sản thu nhập còn có vai trò quan trọng trong việc xác định thu nhập để đánh thuế thu nhập cá nhân. Ngay sau khi Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tiếc rằng nhiều năm nay đề án vẫn còn ở dạng nghiên cứu chưa được ban hành.

Do đó, muốn chống tham nhũng có hiệu quả tôi đề nghị cần phải xây dựng một số điều luật cụ thể quy định thật chặt chẽ về cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Đây là một nội dung rất cấp bách nhưng chưa được đề cập trong dự thảo, vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu quy định vấn đề này ngay trong luật, không nên giao cho Chính phủ. Trong đó cần quy định rõ đối với tài sản tăng lên bất thường mà người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý thì đều bị quy kết tài sản bất minh và phải được xử lý.

Vấn đề thứ tư, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tôi ủng hộ quan điểm không giao chức năng phòng, chống tham nhũng cho cơ quan hành pháp. Ở một nhà nước pháp quyền trách nhiệm phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan tư pháp hoặc thuộc một cơ quan độc lập do Quốc hội chỉ định hoặc bầu ra thì mới phù hợp. Tuy nhiên để thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI ở Trung ương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương và phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban.

Trong dự thảo luật này Ban Soạn thảo không đề cập về Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, nhưng để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân tôi đề nghị Ban Soạn thảo nên nghiên cứu thiết kế một điều luật riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, riêng về cơ cấu tổ chức ban này do Đảng quy định. Như vậy mới thể hiện công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và phải tuân theo pháp luật đảm bảo tính kế thừa liên tục trong công tác này.

Ngoài ra để Ban Chỉ đạo Trung ương đủ mạnh, có thực quyền làm đúng chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao cho tôi đề nghị thành lập một cơ quan điều tra độc lập, tinh nhuệ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện điều tra các vụ án tham nhũng thì mới đủ tầm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng này theo tôi nên điều chuyển Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng của Bộ Công an về làm nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời có cơ chế đặc thù riêng đặc biệt ưu tiên về chế độ chính sách, lựa chọn con người thực thi nhiệm vụ này phải có bản lĩnh, kiên trung và vững vàng về nghiệp vụ. Xin chân thành cảm ơn.

Các văn bản liên quan