Góp ý của ĐBQH Dương Ngọc Ngưu – Điện Biên đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:07 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội. Về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo gợi ý của Chủ tọa phiên họp, tôi xin góp một số ý kiến như sau:

Về phạm vi sửa đổi của dự án luật. Qua nghiên cứu báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng qua khảo sát giám sát xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm chúng ta thấy sau 6 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ nhiều bất cập, có nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật cần sửa đổi, bổ sung. Về quan điểm, tôi tán thành việc cần sửa đổi toàn diện đạo luật này. Tuy nhiên về thời điểm sửa đổi cần cân nhắc kỹ bởi lẽ ngoài nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi. Ví dụ việc nội luật hóa một số quy định của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên theo Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ việc xử lý 12 hành vi tham nhũng quy định trong Điều 3 của luật hiện hành xem việc xử lý như thế nào, bao nhiêu hành vi xử lý bằng hình thức kỷ luật, bao nhiêu hành vi, xử lý theo 7 tội danh của Bộ luật hình sự và có những hình vi áp dụng điều luật tương tự của Bộ luật hình sự để sửa đổi, trên cơ sở đó cần bổ sung hành vi tham nhũng và bổ sung các điều luật để xử lý những hành vi này.

Thứ tư, để tăng cường sự tham gia của công chúng, báo chí, của Mặt trận Tổ quốc và những thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ năm là nâng cao tính độc lập trong hoạt động và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng để khắc phục hạn chế trong việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, phát hiện thì ít, xử thì nhẹ, xử lý kéo dài, như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Thứ sáu là nghiên cứu thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập, có thẩm quyền điều tra đặc biệt, vấn đề này rất lớn cần phải có thời gian để nghiên cứu.

Thứ bảy, vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.

Thứ tám là việc sửa đổi toàn diện luật này có liên quan đến việc sửa đổi toàn diện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và một số những đạo luật tổ chức bộ máy mà các đạo luật này chỉ được sửa đổi, sau khi sửa đổi Hiến pháp. Vấn đề lớn nhất là một đạo luật quan trọng, phức tạp và sửa đổi toàn diện thông qua tại một kỳ họp, nhưng chưa được tổng kết một cách toàn diện sâu sắc về 6 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng để phát hiện xem có những bất cập của pháp luật, có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để có biện pháp sửa đổi một cách toàn diện dự thảo luật này.

Do còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, luật chưa tổng kết thời gian chuẩn bị gấp, nhiều nội dung sửa đổi chất lượng rất thấp như đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã phát biểu, thời gian, vật chất cho Quốc hội xem xét thông qua cũng còn rất ngắn, chi còn 10 ngày. Trong khi đó Quốc hội còn phải xử lý rất nhiều những chương trình nghị sự, do vậy chúng tôi đề nghị trong lần sửa đổi này, đề nghị Quốc hội cho sửa một số điều cho sự cấp bách có liên quan đến các quy định được nêu trong kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Về nội dung, tôi có thể đề xuất là sửa Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công khai minh bạch trên một số lĩnh vực. Thứ ba là trách nhiệm của người đứng đầu. Thứ tư là nâng cao trách nhiệm cũng như sự tham gia của công chúng, báo chí, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phòng, chống tham nhũng.

Vấn đề thứ hai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tôi hoàn toàn tán thành với dự thảo là không quy định trong luật việc không quy định Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong luật không phải là bỏ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà theo tiền lệ xây dựng luật, pháp lệnh thì việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm trưởng ban là để đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng là phù hợp.

Vấn đề thứ ba, về phạm vi, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Có thể nói rằng một nguyên nhất lớn nhất và vấn đề lớn nhất hiện nay là trong điều kiện Nhà nước ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên.

Do vậy, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không những người có trách nhiệm kê khai tài sản mà bố mẹ, anh chị em ruột, con thành niên cũng phải kê khai tài sản. Tôi thấy quy định như thế là không phù hợp. Bởi lẽ đối với người còn phụ thuộc vào quyền tài sản của người ta và họ có quyền từ chối không cung cấp đầy đủ thông tin và có thể cung cấp không chính xác hoặc từ chối không cung cấp. Trong những trường hợp đó chúng ta xử lý như thế nào? Xử lý đối với cán bộ công chức hay xử lý đối với người từ chối cung cấp thông tin hay cung cấp thông tin không đầy đủ.

Vì việc chưa quản lý được thu nhập và tài sản của mọi đối tượng cho nên dẫn đến kê khai minh bạch tài sản, thu nhập, xác minh đối với cán bộ công chức, viên chức còn rất khó khăn, còn mang tính hình thức.

Để có kết quả khả quan trong việc kê khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải có cơ chế vận hành cụ thể quy định rõ đối tượng phải kê khai, điều kiện để kiểm soát việc kê khai, nội dung kê khai, cơ quan thẩm quyền xác minh, ra kết luận xác minh, cơ chế giải trình mối quan hệ trong xác minh, phạm vi sử dụng kết quả xác minh, trình tự thủ tục, thời gian xác minh thì mới có hiệu quả. Việc kê khai tràn lan nhưng không kiểm soát được thì cũng không thoát khỏi việc kê khai tài sản mang tính chất hình thức.

Qua đi khảo sát, giám sát một số địa phương và xem xét Báo cáo của Chính phủ và thấy rằng việc kê khai vẫn còn tính hình thức trên thực tế và nhiều địa phương đề nghị cần phải thu hẹp lại đối tượng kê khai tài sản để có điều kiện kiểm tra xác minh đối với những người có chức vụ quyền hạn cao và dễ có khả năng xảy ra tham nhũng. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan