Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Thái Bình

Thứ Hai 09:56 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi nhất trí với bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình trước Quốc hội. Tôi cũng nhất trí với bản dự thảo đã trình ra Quốc hội lần này, tuy nhiên tôi thấy trong dự thảo còn một số điểm chưa thật hợp lý, tôi đề nghị xem xét để điều chỉnh.

Vấn đề thứ nhất, về khái niệm người tiêu dùng, Khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật quy định: người tiêu dùng là tổ chức và cá nhân mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ không nhằm mục đích bán lại. Tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét chưa nên đưa các tổ chức vào đối tượng bảo vệ của luật này, vì những lý do sau đây.

Thứ nhất, từ kết quả nghiên cứu của chúng tôi, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở hầu hết các nước trên thế giới định nghĩa người tiêu dùng đều là cá nhân, ví dụ luật của Mỹ, của Canada, của Liên minh Châu Âu và các nước Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philipin, Indonexia, Malayxia, chỉ rất ít quốc gia như Ấn Độ hoặc vùng lãnh thổ Đài Loan có quy định người tiêu dùng là tổ chức.

Thứ hai, trong bản hướng dẫn của Liên hiệp quốc về bảo vệ người tiêu dùng ban hành năm 1985 đã được điều chỉnh năm 1999, tuy khái niệm không được giải thích rõ trong bản hướng dẫn này nhưng theo bản hướng dẫn người tiêu dùng hưởng 8 quyền, đối chiếu lại tôi thấy 8 quyền này chỉ có thể là quyền của các chủ thể cá nhân, không thể là quyền của các tổ chức, các quyền năng này không thể trao cho các tổ chức được. Điều này có nghĩa khái niệm về người tiêu dùng trong bản hướng dẫn của Liên hiệp quốc thực chất chỉ là cá nhân của người tiêu dùng. Như vậy có thể khẳng định xu hướng chung mang tính thông lệ trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có trình độ phát triển cao cũng như các quốc gia khu vực ASEAN, khái niệm người tiêu dùng chỉ giới hạn cá nhân mua sắm hàng hóa dịch vụ không nhằm mục đích kinh doanh thương mại. Việc quan niệm người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức không phù hợp với thông lệ chung đó của thế giới.

Thứ ba, việc quy định người tiêu dùng chỉ là cá nhân sẽ góp phần khu biệt hóa đối tượng cần được bảo vệ để có thêm điều kiện tập trung nguồn lực có hạn của Nhà nước cho việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế nhất, cần được bảo vệ nhất đó chính là cá nhân, người tiêu dùng. Ở nước ta, với gần 90 triệu cá nhân, người tiêu dùng đây là đối tượng trước hết cần được bảo vệ, Nhà nước khó có đủ nguồn lực để bảo vệ những người tiêu dùng là các tổ chức như cơ quan Nhà nước, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, hàng trăm ngàn các doanh nghiệp khác. Những tổ chức này với vị thế của mình họ có đủ điều kiện tự bảo vệ quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng có tổ chức, có điều kiện, có hiểu biết và có kinh nghiệm. Quy định theo hướng này góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ của các chủ thể khác có hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa khi tham gia vào quan hệ thị trường, đảm bảo tốt hơn nguyên tắc tự do hợp đồng. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hội nhập rất mạnh mẽ như hiện nay.

Vấn đề thứ hai là trách nhiệm và miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khuyết tật của hàng hóa gây ra ở Điều 23, Điều 24 và Điều 42. Khoản 1 của Điều 23 quy định: Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của luật này và Điều 24 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ quy định tại Điều 23 của luật này sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Quy định như vậy là rất hợp lý, tuy nhiên rất tiếc là quy định tại Điều 42 về nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án dân sự thì lại mâu thuẫn, không nhất quán với quy định rất đúng đắn tại Điều 23, Điều 24 của luật nêu trên. Cụ thể là Khoản 2, Điều 42 đã quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ muốn được miễn trách nhiệm bồi thường thì phải có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. Như vậy, ở đây rõ ràng không có sự thống nhất trong các quy định về xác định trách nhiệm bồi thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ khi gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Điều 23 quy định các chủ thể phải bồi thường kể cả trong trường hợp không có lỗi, trừ trường hợp chứng minh được khuyết tật là do trình độ khoa học, kỹ thuật.

Điều 42 thì lại mở rộng khả năng miễn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi chứng minh được là không có lỗi. Do đó để đảm bảo tính thống nhất, tính hợp lý của vấn đề này, chúng tôi đề nghị sửa Khoản 2, Điều 42 của dự thảo như sau: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường trong trường hợp chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.

Trên đây là hai ý kiến tôi muốn góp thêm vào dự thảo trình ra Quốc hội lần này. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan