Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Hai 09:55 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý nhiều vấn đề tương đối cụ thể, rõ ràng, xác thực theo hướng tiếp cận phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển chung của thế giới nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời qua đó cũng góp phần bảo vệ kinh doanh chân chính, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên cũng còn một vài nội dung chưa rõ thể hiện ở các điều, khoản như sau:

Ở Khoản 8, Điều 10 tôi đề nghị thêm cụm từ "dịch vụ" sau cụm từ "kinh doanh" và cụm từ "tài sản" trước cụm từ "sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng". Bởi vì thực tế có những tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình cung cấp không đầy đủ như thông báo với khách hàng, như tình trạng điện lúc có lúc không thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất. Thí dụ như một cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nếu điện chỉ cần cắt đột ngột khoảng 30 giây thôi thì đã thiệt hại 5-6 triệu đồng. Như vậy nơi cung cấp điện đã vi phạm vào Khoản 8, Điều 10 là gây thiệt hại đến tài sản của người tiêu dùng và phải bồi thường thiệt hại cho cơ sở sản xuất theo quy định ở Khoản 1, Điều 1 của luật này.

Tại Khoản 2, Điều 19 của dự thảo luật quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có quyền tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa bỏ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện quy định trong hợp đồng điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tại Khoản 3, Điều 19 dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Quy định như dự thảo sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân nhưng trên thực tế sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn, vì nhiều hợp đồng theo mẫu ở các lĩnh vực còn mang tính độc quyền cao như điện, nước. Mặc khác có trường hợp người tiêu dùng không hiểu, không có khả năng đàm phán, thương lượng sẽ không còn cách nào khác là phải chấp hành hợp đồng mặc dù khoản hợp đồng đó gây bất lợi cho mình.

Ở Điều 16 dự thảo luật có quy định một số điều, khoản vô hiệu, giả sử nếu một hợp đồng có những điều, khoản gây bất lợi đáng kể cho người tiêu dùng nhưng lại nằm ngoài những điều, khoản quy định tại Điều 16 thì giải quyết như thế nào. Do đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu quy định rõ hơn để người tiêu dùng là đối tượng yếu thế trong xã hội được bảo vệ tốt hơn.

Khoản 1, Điều 12 quy định: nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay sự nhập nhằng trong việc quảng cáo ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với công bố thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Tôi lấy ví dụ chỉ mặt hàng sữa thôi, nào là sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng, chất lượng sữa tươi so với chất lượng công bố theo tiêu chuẩn quy định thì còn rất nan giải, người tiêu dùng không ai hiểu hết để mà lựa chọn. Theo số liệu của Cục cạnh tranh năm 2009 thì sản lượng sữa tươi Việt Nam là 270 triệu lít nhưng tổng số lượng sữa nước của các doanh nghiệp gần 453 triệu lít, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất hầu như là chỉ nhập khẩu sữa bột. Như vậy sẽ có ít nhất 40% sữa tươi tiệt trùng trên thị trường hiện nay không phải 100% sữa tươi nguyên chất, điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã gian lận hoặc quảng cáo sai sự thật. Do đó tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng cường hơn nữa trong việc thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm tra và công bố kết quả kiểm tra để người tiêu dùng biết. Đồng thời nên có hình thức xử phạt thật nghiêm đối với các doanh nghiệp này, vì đây là mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà đặc biệt là đối với sức khỏe của trẻ em. Tại Điều 46 của dự thảo luật có nêu: việc phân chia tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được thực hiện theo bản án quyết định của tòa án. Tôi thấy quy định này khó thực hiện, vì tòa án giải quyết trong trường hợp này chỉ có một nguyên đơn và giả sử việc buộc bên gây thiệt hại bồi thường chỉ bồi thường một số tiền nhất định, nhưng khi thanh toán cho người bị thiệt hại, thanh toán như thế nào cho hợp lý thì trong dự thảo luật chưa nêu rõ.

Tại Điều 8 và Điều 12 của dự thảo luật nên quy định người tiêu dùng có quyền được biết nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Trong dự thảo luật cũng mới chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đề nghị cần quy định rõ thêm trách nhiệm của các bộ có liên quan trong khâu quản lý, thẩm định và quảng cáo sản phẩm.

Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan