Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Hai 09:57 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi xin đóng góp về tên luật. Tên luật chúng ta ghi là Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng nội dung trong này thì chúng ta không chỉ bảo vệ quyền lợi, mà chúng ta còn bảo vệ cả sự an toàn, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ không bị quấy rối, không bị phân biệt đối xử v.v... Như vậy không phải chỉ bảo vệ quyền lợi không, cho nên tôi nghĩ chúng ta ghi là "bảo vệ người tiêu dùng" là hoàn toàn đúng đắn.

Thứ hai, về vai trò của luật và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì luật này quy định và Hội của chúng ta cũng vậy là sẽ bảo vệ tất cả mọi người dân Việt Nam từ lúc còn ở trong bụng mẹ cho đến lúc qua đời đều là người tiêu dùng. Nếu như vậy thì việc này là đương nhiên là Hội đã có một chức năng mà thuộc về Nhà nước, tức là chức năng bảo vệ công dân của mình và việc Nhà nước có chi cho Hội này là hoàn toàn thỏa đáng. Ở đây nhiều người nghĩ rằng Hội thì chỉ bảo vệ Hội viên của mình, Hội viên của mình phải đóng góp để Hội hoạt động, chứ Nhà nước không chi hoặc chỉ chi theo một số nhiệm vụ như dự thảo chúng ta đang làm hiện nay. Tuy nhiên, Hội viên của Hội chính là công dân và lại là tất cả công dân, kể cả người nước ngoài đang sinh sống hoặc đang đi du lịch ở nước ta họ cũng được luật bảo vệ. Và tất cả công dân đã đóng thuế thì thuế đó chi trả cho Hội bảo vệ người tiêu dùng là hoàn toàn thỏa đáng. Tôi nói ở đây không phải chủ quan, bởi vì vừa rồi học tập kinh nghiệm ở một số nước thì họ cũng nói rằng họ chi cho Hội này và tôi cũng rất ngạc nhiên, họ chi cả văn phòng, cả phương tiện làm việc và cả chi phí đi lấy mẫu nữa. Khi người tiêu dùng phàn nàn về mẫu sản phẩm thì điện với họ, họ sẽ đến họ lấy tại nhà, họ không cần mình phải đem đến chỗ họ nữa và họ sẽ tự đi lấy cái mẫu đó bằng kinh phí Nhà nước toàn bộ. Điều đó chúng ta cũng có thể làm được ở mức độ nào đó, cho nên đề nghị luật qui định rõ hơn. Bây giờ tôi nói ví dụ thành lập Hội bảo vệ người tiêu dùng thì trụ sở ở đâu có? đã khó khăn ngay. Tôi đề nghị ghi rõ hơn, theo tôi hội được Nhà nước tạo điều kiện cho hoạt động bằng những hình thức hỗ trợ cho mượn văn phòng v.v... có nhiều cách, có thể luật ghi rõ ràng hơn thì hội mới có thể hoạt động được và mới có thể bảo vệ hiệu quả cho người tiêu dùng và nói sâu xa là bảo vệ người tiêu dùng lại chính là bảo vệ người sản xuất. Tại vì chúng ta bảo vệ được những người sản xuất chân chính, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh của những người sản xuất cẩu thả, những người lừa đảo và những hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài tràn về. Cho nên chúng ta xứng đáng có thể chi được tiền hoặc nhiều tiền cho hoạt động này.

Về Điều 24, "miễn trách nhiệm" mà trong dự luật có ghi: "trong trường hợp trình độ khoa học kỹ thuật chưa xác định được khuyết tật của hàng hóa". Tôi đề nghị phải xem xét lại trình độ khoa học kỹ thuật của ai, của Việt Nam hay của thế giới, của châu Âu, hay của Mỹ. Chúng ta nhớ lại vụ kiện da cam thì nhà sản xuất nói rằng lúc đấy họ chưa có biết được chất da cam gây độc hại như thế, nhưng mà luật pháp quốc tế họ nói trong trường hợp này vẫn phải bồi thường, nó không độc hại đến mức đấy, nhưng nó là một chất độc hại và đã bị lạm dụng. Như vậy chúng ta phải xem lại "miễn trách nhiệm" này để tránh trường hợp bị lợi dụng, họ nói trình độ tôi chỉ đến thế thôi, cho nên xem xét lại vấn đề này.

Về hàng hóa nhập khẩu cần qui định rõ hơn về hàng hóa nhập khẩu. Hiện nay hàng hóa nhập khẩu vào nước ta rất nhiều thứ không có dán nhãn mác thông tin đầy đủ và điều này ở các nước họ không bao giờ cho lưu hành, mà họ sẽ thu hồi hết, phải ghi tất cả nhãn mác, tất cả thành phần các thứ bằng tiếng Việt, không có tiếng Anh, ở đây không có tiếng Pháp, tiếng gì tất cả và hướng dẫn sử dụng, cảnh báo, thậm chí địa chỉ nhà sản xuất tất cả phải bằng tiếng Việt, tức là phải gắn một cái nhãn phụ này lên và khi xảy ra sự cố thì người nào là người sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường trong hàng hóa nhập khẩu.

Ở các nước quy định nhà nhập khẩu là người đầu tiên, anh nhập khẩu anh phải đảm bảo hàng nhập khẩu của anh đảm bảo an toàn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn, khi người tiêu dùng có vấn đề thì họ sẽ bắt nhà nhập khẩu phải bồi thường trước, thậm chí một số hàng hóa họ còn bắt phải ký quỹ để đảm bảo khi xảy ra sự cố thì mới cho nhập khẩu. Nhà nhập khẩu muốn kiện nhà sản xuất nước ngoài đó là việc của họ, người tiêu dùng trong nước không thể kiện một anh bên Trung Quốc hay bên Thái Lan sản xuất hàng hóa kém chất lượng được, phải quy định thật rõ và cũng phải nói rõ theo dây chuyền sản phẩm. Ví dụ vừa rồi các bệnh nhân mổ mắt ở bệnh viện chúng ta dùng thuốc mà thuốc này gây nhiễm trùng, hỏng cả mắt. Bệnh viện nói rằng chỉ bồi thường bằng cách trả viện phí lại cho anh, việc đó không phải là bồi thường. Về nguyên tắc bệnh viện phải bồi thường toàn bộ, sau đó bệnh viện sẽ đòi các nhà cung cấp, nhà nhập khẩu loại thuốc này hoàn lại số tiền này, đến lượt nhà nhập khẩu sẽ kiện công ty cung cấp hàng hóa này. Người tiêu dùng không thể sang bên Mỹ để đòi công ty đó được, tôi chỉ biết tôi đóng tiền viện phí cho anh, bao gồm tất cả các dịch vụ như thuốc men, bác sỹ v.v...., điều này phải quy định rõ trong luật nếu không sẽ đi kiện vòng quanh và người tiêu dùng cũng không thể kiện được.

Về cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tôi đề nghị quy định một cách cụ thể hơn đầy đủ các nhiệm vụ, chức năng của họ, đặc biệt kể cả việc chúng ta cho rằng không giải quyết khiếu nại bằng con đường hành chính. Hành chính giải thích không rõ sẽ tưởng là đem ra Ủy ban nhân dân, thật ra ở các nước Trung tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cơ quan hành chính nhà nước và họ sẽ ra những phán quyết về việc tranh chấp này. Tất nhiên phán quyết của họ không có giá trị bắt buộc thi hành như tòa án, nhưng nếu như hai bên không thỏa thuận được, người tiêu dùng kiện ra tòa thì tòa sẽ căn cứ vào phán quyết của cơ quan hành chính bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phán quyết có lợi cho người dùng, lúc đó người kinh doanh sẽ chịu hậu quả hết, cho nên đa số họ sẽ thương lượng chứ không ra tòa.

Trường hợp thu hồi sản phẩm và trách nhiệm của nhà cung cấp, đôi khi nhà cung cấp không đủ năng lực để thu hồi, mà để sản phẩm ngoài thị trường thì rất nguy hiểm, vì ta xác định đây là chất độc hại rồi họ có biện pháp khẩn cấp, tức là các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ ra lệnh thu hồi và tổ chức thu hồi, sau đó buộc cơ quan cung cấp loại hàng hóa, dịch vụ này phải hoàn trả lại cho Nhà nước, chứ chúng ta không chờ họ được. Bởi vì nếu chúng ta chờ họ thì nhiều người tiếp tục mua, ăn phải, tiêu dùng phải sản phẩm đó sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Cho nên điều này phải có quy định là cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thu hồi để bảo về cho công dân của mình.

Cuối cùng tôi đề nghị ghi rõ những điều kiện cấm liên quan đến việc phân biệt đối xử với khách hàng. Tôi có thể bán cho người này mà không bán cho người kia hoặc là từ chối cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng phù hợp với pháp luật thì cũng không được. Phải cấm phân biệt đối xử.

Thứ hai là cấm che giấu khuyết tật. Tức là có những hãng họ biết họ có khuyết tật. Ở nước ngoài thu hồi rầm rộ, nhưng ở Việt Nam thì không thu hồi. Họ che giấu khuyết tật sản phẩm của họ. Trường hợp này cũng phải cấm và có thể xử lý theo hình sự, nếu như khuyết tật này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, tức là tội cố ý.

Thứ ba là cấm hành vi chậm thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vì nếu để chậm thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nên thêm các điều cấm này.

Để bàn rộng hơn thì tôi đề nghị ghi rõ là các loại dịch vụ nào thì quy định trong luật này. Nhiều người thắc mắc là dịch vụ y tế và giáo dục có thuộc lĩnh vực này hay không. Đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ quan điểm trên đây. Theo tôi thì dịch vụ y tế và giáo dục cũng là dịch vụ được quy định bởi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Gần đấy có rất nhiều khiếu kiện liên quan đến chất lượng y tế, chất lượng giáo dục. Các trường đại học thu học phí cao nhưng giáo viên và cơ sở vật chất không có, v.v. thì đều thuộc phạm vi trong luật của chúng ta.

Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan