Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Quý – Tuyên Quang
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) tôi xin tham gia một số ý kiến:
Tôi thấy Luật khoáng sản (sửa đổi) cụ thể hóa rất nhiều nội dung so với Luật khoáng sản trước đây và cũng đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm quản lý hiệu quà hơn tài nguyên khoáng sản của đất nước như quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tôi xin có một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Luật khoáng sản năm 1996, khi đó chưa thành lập Bộ Tài nguyên và môi trường, do đó đầu mối giúp Chính phủ quản lý tài nguyên khoáng sản lúc đó giao cho Bộ Công nghiệp trước đây, nay là Bộ Công thương. Năm 2007 khi thành lập Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương đã chuyển chức năng cấp phép khai thác mỏ cho Bộ Tài nguyên và môi trường. Tại thời điểm sau đó thì cả Trung ương và các địa phương rất lúng túng trong việc cấp phép khai thác khoáng sản. Cụ thể là quá trình thực hiện bộc lộ nhiều điểm bất cập, tức là sau khi ngành tài nguyên môi trường cấp mỏ thì có chuyện là có doanh nghiệp được cấp mỏ nhưng không có khả năng khai thác. Vì không có khả năng khai thác nên dẫn đến việc doanh nghiệp xin được mỏ bán mỏ cho doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp có mỏ thì không chế biến được khoáng sản và doanh nghiệp chế biến đầu tư nhà máy theo đúng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương thì có chuyện là không có mỏ, không có nguyên liệu, đó là những bộc lộ bất cập và rất nhiều trường hợp sau khi doanh nghiệp đó cấp mỏ xong rồi thì lúc đó mới quay đến để xem xét vấn đề khả năng, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến có đảm bảo không. Như vậy nó tạo thành một lòng vòng. Lần này tôi đồng tình là chúng ta phải cải cách hành chính trong vấn đề này và thống nhất tập trung vào một đầu mối. Tôi thấy phạm vi điều chỉnh lần này chúng ta không điều chỉnh khâu chế biến. Tất nhiên có nhiều quan điểm, quan điểm đồng tình và quan điểm chưa đồng tình. Tuy vậy tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không điều chỉnh thì cần phải có quy định chặt chẽ để làm sao sau khi luật ban hành nó vẫn tiếp nhận việc cấp phép khai thác và chế biến khoáng sản, vẫn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để tránh việc phải chờ đợi các văn bản khác.
Chính vì ở đây phạm vi điều chỉnh không điều chỉnh khâu chế biến cho nên quy định trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan theo tôi là chưa đầy đủ, trong toàn bộ dự thảo không nói đến trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Xây dựng là hay bộ liên quan rất chặt chẽ đến việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Do vậy tôi đề nghị luật cần phải nghiên cứu vấn đề này. Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật thì tại Điều 6 có nhắc đến hai Bộ: Bộ công thương, Bộ xây dựng, nhưng cũng chỉ ở mức giúp Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản. Chính vì không điều chỉnh khâu chế biến nên qui định về nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại Điều 54 của dự thảo luật thì theo tôi để lại nhiều kẽ hở. Cụ thể việc cấp phép khai thác khoáng sản phải tuân thủ các nguyên tắc sau thì đối với Mục a, Khoản 1 chỉ cấp phép khai thác khoáng sản đối với khu vực không có tổ chức, cá nhân thăm dò khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời thì đúng rồi, nhưng mà chỉ cấp phép khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp mà có địa chỉ sử dụng khoán sản sau khai thác, theo tôi không chặt chẽ. Bởi vì chỗ này rất lỏng lẻo khi người ta muốn xin được khai thác người ta chỉ cần chỉ ra một địa chỉ sử dụng khoáng sản, sau khai thác thì địa chỉ đấy có thể chưa chắc sau này người ta đã sử dụng khoáng sản. Thứ hai nữa, mối liên quan chặt chẽ giữa việc khai thác và việc chế biến sau này tôi nghĩ rằng sẽ rất khó, có khi doanh nghiệp khai thác thừa ra đấy thì chưa chắc bán được, mà có khi doanh nghiệp chế biến người ta cần có thì doanh nghiệp khai thác lại chưa chắc đã khai thác kịp hoặc nó có chuyện vấn đề liên quan đến giá khoáng sản. Chính vì điều này nó dẫn tới tính khả thi của doanh nghiệp chế biến, mặc dù được đầu tư doanh nghiệp chế biến phù hợp với điều kiện qui hoạch phát triển kinh tế địa phương nhưng đôi khi lại gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh vì người được cấp mỏ và khai thác mỏ này là người khác, rồi việc này không khuyến khích chế biến sâu vì doanh nghiệp khai thác chỉ biết là bán quặng thôi, ở đây nó không thực hiện mục tiêu chúng ta hạn chế việc xuất khẩu.
Thứ hai, ở Mục a, Khoản 2, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản là tổ chức cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hoặc là tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện sau đây thì điều kiện có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt, phù hợp với quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản. Trong đó phải làm rõ phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp. Ở đây ai quy định vấn đề này và ai công nhận vấn đề này thì trong luật cũng chưa nêu rõ. Tôi đề nghị luật cũng phải nói rõ vấn đề này nếu không sau khi chúng ta ban hành luật thì lại chờ xem là ai quy định chỗ này, ai công nhận chỗ này.
Vấn đề thứ hai tôi xin được tham gia đó là ở chính sách của Nhà nước về khoáng sản. Ở tại Điều 4, tôi thấy có một việc là chính sách của Nhà nước về khoáng sản không hề có câu nào là "yêu cầu phải chế biến sâu". Ở Khoản 6 chỉ viết một câu là "khuyến khích các dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản để làm ra kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị", tôi nghĩ tính khuyến khích ở đây không có tính bắt buộc. Sau đó, Điều 7 đưa ra một ý tôi nghĩ cũng không nên, Điều 7 lại là Nhà nước có chính sách đối với việc xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp. Ở đây chúng ta đang muốn cố gắng làm sao hạn chế xuất khẩu, việc này chúng ta mở ra theo tôi cũng không nên.
Vấn đề thứ ba, theo tôi đó là quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác ở Điều 6. tại Luật Khoáng sản hiện hành cũng quy định tương tự như Dự thảo luật này. Tuy vậy thực tế vừa qua như các đại biểu Quốc hội đã biết đó là địa phương nơi có khoáng sản khai thác chịu ô nhiễm môi trường, hạ tầng, giao thông xuống cấp nhanh chóng, trật tự an toàn xã hội, tệ nạn xã hội gia tăng. Người dân nơi có khoáng sản không muốn cho khai thác khoáng sản. Nếu chúng ta giải quyết được chỗ này thì tôi thấy Điều 6 quy định về quyền lợi địa phương và người dân mới chỉ mang tính định hướng chưa có tính định lượng cụ thể.
Do đó, tôi đề nghị phải quy định cụ thể phần trăm khoản thu từ hoạt động khoáng sản được điều tiết cho địa phương và người dân. Tuy vậy, tôi vẫn lo lắng là dù có quy định như vậy thì khâu khai thác không gắn với chế biến nên rất dễ doanh nghiệp mà khai thác chuyển lợi nhuận của mình qua doanh nghiệp chế biến thông qua việc bán rẻ quặng sau khai thác cho một doanh nghiệp, đôi khi doanh nghiệp ấy lại không đóng ở trên địa bàn đó, như vậy cũng là một vấn đề. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn đề này. Nếu không tôi tin chắc địa phương sẽ chỉ đồng ý cho khai thác nếu đặt nhà máy chế biến tại địa phương. Tôi xin hết. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.