Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Năm 14:11 28-10-2010

 Kính thưa Quốc hội.

Có thể nói rằng khoáng sản là một lĩnh vực hoạt động có liên quan rất mật thiết đến các ngành sản xuất, kinh doanh trong phát triển nền kinh tế của đất nước và cung ứng nhiều nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất khác và thu hút một lực lượng lao động rất đáng kể. Chính vì vậy, qua phát biểu chiều hôm nay, ngoài việc chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu cũng như xem Báo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ thì có thể nói rằng trong thời đại hiện nay khi Việt Nam gia nhập với các nước trên thế giới thì việc phát triển công nghiệp khoáng sản như thế nào đó để đảm bảo phát triển bền vững là hết sức quan trọng và một đòi hỏi cấp bách đặt ra đối với các nhà quản lý, các cơ quan chức năng, đồng thời đối với toàn xã hội trước thực tế này. Vì vậy, lâu nay có thể nói rằng qua tiếp xúc cử tri cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng qua các phóng sự, chúng ta thấy nổi cộm lên vấn đề người dân ở khu vực có các loại tài nguyên khoáng sản. Có thể nói rằng, làm thế nào để hài hòa được lợi ích giữa các bên liên quan mà cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý được thì dự án luật lần này sửa đổi cũng sẽ góp phần điều chỉnh vấn đề này.

Tuy nhiên, qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Điều 6 về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoảng sản được khai thác, tôi rất mừng là hầu như các vị đại biểu Quốc hội chiều hôm nay đều quan tâm đến vấn đề này. Bởi vì vấn đề này đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm. Có thể nói rằng tại Khoản 1, Điều 6 khi quy định địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, theo quy định của Pháp luật về ngân sách Nhà nước. Theo tôi khoản này cần phải được làm rõ, giống như một số các vị đại biểu đã phát biểu, tức là chúng ta phải quy định rõ ràng nguồn thu này được trích bao nhiêu phần trăm cho địa phương. Nếu mà chúng ta quy định như thế này thì vẫn có thể trích 10% hoặc 90%, hai khoản này rất là xa lệch nhau cho nên tôi đề nghị cần có quy định cụ thể hơn vấn đề này.

Về Khoản 2, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm gồm 4 khoản a, b, c, d, tôi nghĩ phần này cần đưa về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, nhưng phải quy định lại thật rõ ràng, chúng ta viết như thế này không dễ gì thực hiện được. Ví dụ kết hợp khai thác với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường, ưu tiên sử dụng lao động địa phương, phối hợp với chính quyền địa phương để chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ nâng cấp. Tôi nghĩ rằng cũng phải quy định sau khi triển khai bao nhiêu thời gian phải phục hồi hay hoàn thành xong phải phục hồi, bởi vì nếu chúng ta không quy định thì có thể sau khi dỡ bỏ xong rồi khoảng ba năm sau chưa duy tu, bảo dưỡng, chỉnh sửa. Trong khi sắp tới đây trong phần phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội các địa biểu cũng sẽ nói về vấn đề quan tâm đến hạ tầng cũng như đường xá của các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Ngân sách Nhà nước phải quan tâm đến vấn đề này trong khi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này chưa quy định rõ, thì rất khó.

Vấn đề thứ hai, ở Điều 56, quyền và nghĩa vụ tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản. Khoản 1, tôi thống nhất lần này có một điều mới sửa đổi, đó là chúng ta cho đấu giá nhưng tôi không đồng ý chuyển nhượng. Bởi vì vấn đề khoáng sản hết sức nhạy cảm, hiện nay chúng ta thấy thực tế có rất nhiều dự án sau khi cấp phép xong thì chuyển qua, chuyển lại cả chục lần, nếu mà cũng áp dụng với tài nguyên khoáng sản như vậy thì sẽ có việc đầu cơ xảy ra ở đây. Cho nên để minh bạch trong vấn đề này thì cần quy định rõ đối với các tổ chức, cá nhân sau khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản được trúng đấu giá rồi, nếu không đủ khả năng khai thác thì phải làm thủ tục trả lại cho cơ quan có chức năng và bồi hoàn kinh phí tổ chức đấu giá để đấu giá lại, bởi vì nếu vẫn chuyển nhượng thì vẫn lặp lại quy mô cũ và có mâu thuẫn cũng như tiêu cực xảy ra ở đây.

Vấn đề thứ ba, khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Điều 21, Khoản 2 quy định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường tự mình hay đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp khoanh định và công bố khu vực. Tôi nghĩ khoản này nên sửa lại, cũng trách nhiệm như vậy nhưng văn bản luật cho hoàn chỉnh hơn, tức là trên cơ sở kết quả điều tra địa chất về khoáng sản hoặc theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm khoanh định và phân bố khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí quy định tại Khoản 1 điều này.

Vấn đề thứ tư, Điều 5 về nguyên tắc hoạt động khoáng sản, Khoản 3 điều này quy định thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò. Nhưng trên thực tế làm được điều này rất khó, bởi vì trong đề án thăm dò như thăm dò vàng chẳng hạn, chúng ta bắt người ta phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng của đất sét, đá vôi v.v... tôi thấy như vậy là khó có thể thực thi được.

Vấn đề thứ năm, Điều 42 "nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản" và Điều 54 "nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản". Quy định tại Khoản 2, Điều 42 về xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu bằng đầu tư là 50% đối với thăm dò; Điểm c, Khoản 2, Điều 54 là 30% đối với khai thác được xem là một điều kiện để được cấp phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác.

Theo tôi các quy định này không có ý nghĩa thiết thực đối với công tác quản lý nhà nước, vì bằng cách nào để nhà đầu tư có thể chứng minh về khoản vốn, làm thế nào bảo đảm rằng số vốn chủ sở hữu đó chỉ được dùng cho việc đầu tư thăm dò hay đầu tư khai thác. Cho nên quy định như vậy có thể gây phiền hà cho nhà đầu tư trong việc làm thủ tục xin cấp phép, nhưng trên thực tế không thực hiện được và sẽ dẫn đến cơ chế xin - cho ở đây, nếu đơn vị nào xin tốt thì sẽ được cho.

Hơn nữa, tại các quy định về hồ sơ xin cấp phép thăm dò ở Khoản 1 Điều 48 hoặc khai thác ở Khoản 1 Điều 60 đều không đề cập đến việc chứng minh điều kiện về vốn, như vậy điều này rất khó, cho nên xuyên suốt trong toàn bộ Dự án luật. Theo tôi nên sửa Điểm c, Khoản 2, Điều 42 như sau: "Đơn vị có đủ năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện thăm dò khai thác" Tương tự, sửa đổi Điểm c, Khoản, Điều 54 là: "Có đủ năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện các dự án đầu tư khoáng sản"

Vấn đề cuối cùng, Điều 54 "nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản", Điểm a, Khoản 1, Điều 54 chỉ cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực, không có tổ chức, cá nhân thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Quy định như vậy tôi thấy không rõ nghĩa, cần xem xét lại, nếu tổ chức, cá nhân đang thăm dò hợp pháp trong khu vực đó xin giấy phép khai thác thì họ có được cấp giấy phép hay không? Trong quá trình thăm dò, kết quả thăm dò có thể đưa một phần diện tích giấy phép vào khai thác, có thể được phép báo cáo, lập hồ sơ xin giấy phép khai thác trong khi vẫn tiếp tục thăm dò các diện tích còn lại hay không? Để giải quyết được vấn đề ở Điều 54 này, tôi đề nghị cần tách bạch giữa đơn vị thăm dò và đơn vị khai thác. Nếu thăm dò được đặc quyền về khai thác sẽ gặp khó khăn trong xử lý này. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan