Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải – Điện Biên

Thứ Năm 14:13 28-10-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Tôi xin góp một số ý kiến đối với dự án Luật khoáng sản như sau:

Tôi đánh giá cao và thấy rằng dự thảo luật lần này đã được tiếp thu một cách nghiêm túc và giải trình khá toàn diện. Tôi xin góp một số ý kiến như sau:

Trước tiên tôi thấy bố cục của luật có một số điều chưa hợp lý, ví dụ Chương I là quy định chung sang đến Chương II đã đến bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Chương III là điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, chen vào giữa điều tra thăm dò là chương quy hoạch và chiến lược. Tôi nghĩ đầu tiên phải là chương quy định chung, quy hoạch và chiến lược là Chương II, sau đó đến chương điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, tiếp theo là thăm dò khoáng sản, tiếp theo nữa là khai thác khoáng sản, rồi đến bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường sử dụng đất, sử dụng nước, cơ sở hạ tầng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản, quy định cụ thể về giấy phép, cuối cùng là quản lý nhà nước và điều khoản thi hành.

Về một số nội dung đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý: thứ nhất, về vấn đề cấp phép, đây là một vấn đề trong Tờ trình của Chính phủ cũng nêu là một trong những tồn tại của luật hiện hành, đó là vấn đề quy định thẩm quyền chưa rõ ràng cho nên dẫn đến cơ chế xin cho, dẫn đến đầu cơ khoáng sản và dẫn đến nhiều tiêu cực trong hoạt động khoáng sản. Vì vậy, tôi thấy vấn đề cấp phép cần phải có những quy định về tiêu chí rất cụ thể, phân cấp rõ ràng, ví dụ Điều 42, Khoản 2 nêu: đáp ứng yêu cầu của Khoản 1, Điều 37 nhưng nếu không đáp ứng thì phải cam kết sau khi được cấp phép sẽ hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện như Khoản 1, Điều 37, như vậy là không hợp lý. Tôi cho rằng không đi đâu mà vội vàng, nếu đủ điều kiện thì cấp phép còn nếu không đủ điều kiện thì phải đợi cho đủ, không thể cấp phép trước rồi sau đấy cam kết sẽ thực hiện, điều này sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả.

Trong vấn đề cấp phép, Điều 38, Điều 39 có đưa ra một thuật ngữ "lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản", khái niệm này khá mở, thế nào là lựa chọn, tiêu chí lựa chọn như thế nào? Ta có chuyện đấu giá rồi, cấp phép rồi, bây giờ lựa chọn căn cứ nào để lựa chọn, đấy là một vấn đề.

Sang nội dung về quy hoạch, đây là một vấn đề cần phải nghiên cứu thêm. Tôi thấy rằng trong dự thảo cũ thì quy hoạch có phân ra làm 2 cách phân loại quy hoạch. Thứ nhất là quy hoạch theo vùng, lãnh thổ. Tức là đối tượng quy hoạch một ở vùng, lãnh thổ hay phạm vi cả nước. Thứ hai là nhóm khoáng sản hay một loại khoáng sản nhất định. Còn phân loại quy hoạch theo các bước hoạt động khoáng sản thì có phân cấp quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, sau đó quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Hiện nay bỏ vấn đề nhóm và vùng, lại chủ yếu phân theo tiến độ hoạt động khoáng sản, tôi thấy như vậy chưa hợp lý. Tôi cho rằng phải có 3 loại quy hoạch khoáng sản:

Một là quy hoạch điều tra cơ bản và thăm dò. Ở dự thảo này tách thăm dò ra khỏi điều tra cơ bản về địa chất, nhưng thật ra điều tra cơ bản địa chất và thăm dò là một quá trình liên tục. Cho nên quy hoạch thứ nhất là điều tra cơ bản về địa chất và thăm dò khoáng sản.

Quy hoạch thứ hai là khai thác, chế biến và sử dụng.

Quy hoạch thứ ba là quy hoạch tổng hợp. Tổng hợp có nghĩa là đối với một loại khoáng sản có thể quy hoạch từ điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng. Ví dụ, quy hoạch bôxít theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 là quy hoạch phân vùng, điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng bôxít. Như vậy là hợp lý, tôi đánh giá như vậy là hợp lý. Đối với một loại khoáng sản thì phải quy hoạch có tính chất liên tục.

Trong vấn đề quy hoạch tôi thấy hiện nay có chuyện là không những có quy hoạch khoáng sản mà có nhiều quy hoạch khác, nó xung đột về quy hoạch. Như vậy quyền và lợi ích của các tổ chức, nhất là doanh nghiệp là gặp khó khăn. Bây giờ xảy ra xung đột giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch đất đai, quy hoạch rừng, quy hoạch du lịch v.v.... thì tiêu chí nào để chúng ta giải quyết xung đột cũng chưa có.

Bây giờ quy định cơ quan nào phê duyệt thì có quyền điều chỉnh. Đây là một vấn đề không những trong dự thảo này mà trong nhiều dự thảo gây phức tạp. Ví dụ Quốc hội xây dựng luật, ban hành luật nhưng Quốc hội cũng sửa đổi, nhưng sửa đổi phải có sự cần thiết, những nguyên tắc và đánh giá tác động xã hội của nó thì ta mới có thể sửa đổi, chứ vì một câu như thế này tôi thấy có thể gây hậu quả không tốt.

Về vấn đề đấu giá, dự thảo cũ quy định đấu giá tương đối rõ nét, nhất là vấn đề định giá, nhưng dự thảo này bỏ hết về vấn đề định giá. Đấu giá mà không định giá thì tôi không hiểu như thế nào, tất nhiên có quy định giao cho Chính phủ. Tôi nghĩ đây là tài sản quốc gia, tài sản của toàn dân, nhà nước đại diện quyền sở hữu và Quốc hội là đại biểu của nhân dân, cho nên tôi nghĩ vấn đề đấu giá, định giá trong luật này phải quy định những điều cần thiết tối thiểu, trên cơ sở đó để Chính phủ cụ thể vào.

Vấn đề đánh giá và phê duyệt trữ lượng tại Điều 50, Điều 51. Tôi thấy quy định Hội đồng đánh giá trữ lượng có quyền đánh giá trữ lượng, nhưng sản phẩm cuối cùng của quá trình điều tra thăm dò là trữ lượng, nhưng không quy định một chút nào về trách nhiệm và quy trình đánh giá trữ lượng như thế nào và yêu cầu, trách nhiệm của Hội đồng đó. Vấn đề đặt ra là bản thân người thăm dò người ta đã có thể gian lận rồi, đến lúc đánh giá trữ lượng là lúc chốt để đi đến đấu giá, phân cấp và đi đến thu tiền thì không quy định trách nhiệm. Tôi cho rằng đây là một kẽ hở, phải quy định rất rõ về Hội đồng trữ lượng phải có trách nhiệm trong việc này, nếu không sẽ không ổn.

Về vấn đề bảo vệ môi trường, trong Luật bảo vệ môi trường cũng có một Điều 44 quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Trong dự thảo này quy định không khá hơn, tôi nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng, phải quy định bảo vệ môi trường trong các công đoạn của hoạt động khoáng sản. Xin hết.

Các văn bản liên quan