Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Hai 10:03 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi. Tuy nhiên, để luật được hoàn thiện hơn và có tính khả thi hơn, tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:

Trước hết, về nguyên tắc hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đề nghị chỉ cần quy định ở Khoản 1 là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Dự thảo luật không nên quy định Nhà nước có vai trò chủ đạo, bởi vì cụm từ "vai trò chủ đạo" này chúng ta cũng đã được sử dụng ở nhiều nơi nhưng thực tế nó cũng chưa thật sự hiệu quả và bản thân các điều khoản quy định khác trong luật cũng có quy định tạo điều kiện, khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân khác tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho nên nếu chúng ta quy định như thế mà lại chốt lại là "vai trò chủ đạo" của Nhà nước ở đây thì tôi thấy không phù hợp.

Thứ hai, về chính sách của Nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng. Tôi đề nghị cần bổ sung quy định rõ trong luật là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với những hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây tác hại đối với người tiêu dùng. Thực tế đây là những hoạt động mà nhiều nước và khu vực trên thế giới đã và đang làm rất tốt, không chỉ tốt cho người tiêu dùng của họ, mà còn giúp cho người sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình. Chúng ta thấy ở Châu Âu, ở Mỹ hoặc Nhật Bản người ta có hệ thống cảnh báo sớm cho nên một số sản phẩm hải sản, giầy da hoặc một số sản phẩm nông sản của Việt Nam sang, người ta có cảnh báo, đây là một thực tế ở các nước đã và đang làm rất nhiều. Nếu trong luật chúng ta không quy định rõ vấn đề này thì chính sách sẽ khó có sự tập trung.

Vấn đề thứ ba, về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, qua nghiên cứu chúng tôi thấy Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đều quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, đặc biệt là cấp phường, Ủy ban nhân dân phường trong việc quản lý, sắp xếp, kiểm tra, xử lý các vấn đề vi phạm sản xuất kinh doanh của các hộ nhỏ, lẻ, vấn đề sử dụng lòng đường, vỉa hè trong kinh doanh. Việc này luật pháp của ta hoàn toàn đã có quy định rất rõ trong luật rồi, nhưng trong thời gian qua Ủy ban nhân dân cấp xã, đặc biệt là cấp phường đã không làm tốt trách nhiệm này. Cho nên theo tôi để đảm bảo cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật trước đây đã quy định rồi, nhưng chưa được thực hiện, thì lần này trong luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, đặc biệt là cấp phường. Bởi vì hiện tượng buôn bán gây mất trật tự, lộn xộn, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các đô thị là rất phổ biến.

Vấn đề cuối cùng là các hành vi bị cấm, theo tôi một số quy định trong này ý tưởng thì có, nhưng diễn đạt thì cần phải thay đổi, nếu không sẽ gây hiểu lầm. Ví dụ Khoản 2: "Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh gây rối người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một số hành vi như sau:". Theo tôi Khoản 2 này chúng ta chỉ cần quy định là: "Cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh có các hình thức tiếp thị hàng hóa dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng". Theo tôi chỉ cần quy định gắn gọn như thế đã hiểu, không nên quy định "phải tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên". Thực ra việc đó chỉ quy định như thế là đủ, chỉ quy định ngắn như thế là người ta hiểu ngay, sau này có cơ sở để ta xử lý hành chính. Nếu chúng ta quy định lằng nhằng theo kiểu như thế này thì sau này quy định để xử lý hành chính thì rất khó.

Khoản 3 là: "Cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện các hành vi dùng vũ lực đe dọa". Theo tôi đoạn này nên bỏ vì nó liên quan đến các hành vi như vi phạm hình sự, những hành vi như thế này sẽ có pháp luật hình sự xử lý. Điểm b là: "Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn người tiêu dùng, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch". Theo tôi vấn đề này cũng chỉ là cách diễn đạt.

Tóm lại, Khoản 3 chỉ cần quy định: "Cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tự ý nâng giá để ép buộc người tiêu dùng". Theo tôi trong hoàn cảnh thực tế lũ lụt của chúng ta nhiều nơi đã xảy ra tình trạng khan hiếm, người dân khó tiếp cận với lương thực, thực phẩm, một số người nhân chuyện này để nâng giá, ép giá bắt người ta phải mua. Trong trường hợp này tôi cho là pháp luật của ta cần phải nghiêm minh và phải có biện pháp xử lý. Muốn làm như thế được thì luật của chúng ta phải quy định để sau này Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ rất khó. Trên đây là một số ý kiến chúng tôi muốn bổ sung thêm. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan