Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Hai 10:02 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Khi Quốc hội chuẩn bị ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì rất nhiều cử tri cũng muốn nhắn gửi chúng tôi đề nghị Quốc hội khi ban hành luật này, ngoài việc quan tâm đến chất lượng. Tức là trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các cơ quan cung cấp hàng hóa dịch vụ, quan tâm cho một vấn đề nữa tức là vấn đề giá cả. Bởi vì bây giờ người tiêu dùng cảm thấy đang bị móc túi ghê quá và đấy cũng là thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù đây là một vấn đề khó và được quy định trong Pháp lệnh về giá và cũng là vấn đề khó. Bởi vì kinh tế thị trường ở trong luật lại quy định là thuận mua, vừa bán v.v... Nhưng người tiêu dùng ở nước ta luôn cảm thấy là bị móc túi một cách quá đáng trong giá thuốc, giá sữa, giá hàng tiêu dùng thường xuyên, kể cả giá dịch vụ, tức là giá trên chợ và đấy là thiệt hại rất nghiêm trọng đối với người tiêu dùng. Nhưng bằng cách nào đây, chúng tôi cũng thấy khó, nhưng đây là ý nguyện của cử tri cũng muốn phản ánh Quốc hội để bằng cách nào đấy trong luật này, hay trong các luật khác nào đấy, để qui định điều chỉnh giá cả trên trời như hiện nay. Đấy là ý kiến thứ nhất.

Ý kiến thứ hai, cũng liên quan đến luật này tôi muốn phát biểu về Điều 7, tức là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân, hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Mặc dù điều luật này như đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đã nêu rất là khó, nhưng đây là vấn đề bức xúc hiện nay, tình trạng hiện nay, người tiêu dùng bị thiệt hại rất lớn trong loại giao dịch này. Tức là giao dịch đối với những cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Giao dịch này ở nước ta đặc biệt phổ biến và người tiêu dùng bị thiệt hại rất nhiều, nhưng trong luật trước đây chúng ta qui định một điều mà có một số nguyên tắc khá rõ và nhiều đại biểu Quốc hội còn đề xuất phải qui định thành một chương, phải qui định rõ hơn trách nhiệm của những người này, những người hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không đăng ký kinh doanh.

Nhưng trong sửa đổi lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một vấn đề cần giao cho Chính phủ. Chúng tôi chưa hình dung được Chính phủ sẽ qui định vấn đề này như thế nào trên nguyên tắc này và có đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng hay cử tri cả nước hay không. Trong này lại giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã và ban quản lý các chợ, khu thương mại căn cứ vào qui định của Chính phủ, thì ở đây đang đặt ra trách nhiệm rất lớn, sau này những cơ quan này có phải là cơ quan liên đới chịu trách nhiệm hay không? Nếu như tình trạng hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không đăng ký kinh doanh này là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Cho nên chúng tôi đề nghị nếu không qui định thành một chương thì trong Điều 7 phải đưa ra số nguyên tắc nhất định để trên cơ sở đó Chính phủ qui định cụ thể.

Vấn đề nữa, về phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, chúng ta đọc tập hợp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thấy nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị có phương thức giải quyết, xử lý về mặt hành chính, nhưng trong này bỏ phương thức xử lý hành chính. Mặc dù trong luật rất nhiều điều quy định cách thức xử lý này như Điều 7, Điều 11, Điều 25 nếu như có yêu cầu của người tiêu dùng hoặc người đại diện người tiêu dùng, các cơ quan quản lý Nhà nước có quyền xem xét, có quyền xử lý vi phạm hành chính. Theo chúng tôi đó là phương thức rất hữu hiệu, đó là phương thức xử lý vi phạm hành chính. Trong này chỗ này chỉ có phương thức hòa giải, thương lượng, trọng tài và Tòa án, đưa hành chính ra ngoài. Tôi hình dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập luận đây là tranh chấp hợp đồng giải quyết bằng phương thức tòa án hòa giải, nhưng không tranh chấp hợp đồng vì thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ thông qua những hợp đồng cụ thể. Khi một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân tung ra mặt hàng vô hình chung họ đã ký một hợp đồng với toàn xã hội là tôi cung cấp dịch vụ này, tôi sẽ cung cấp hàng hóa hóa với giá cả như thế này, khi vi phạm cũng nên giao cho các cơ quan hành chính Nhà nước xử lý, nếu xử lý sai có thể kiện ra Tòa án hành chính. Chúng tôi thấy nhiều khi biện pháp xử lý hành chính nhanh, gọn, người tiêu dùng thấy rất phù hợp, còn đưa ra tòa, thương lượng này nọ, Tòa tư pháp rất bảo đảm công bằng nhưng thời gian hơi lâu, còn hành chính quyết liệt, nhanh. Người tiêu dùng cũng muốn thông qua những biện pháp này, thông qua những trình tự này. Cho nên tôi đề nghị phải cân nhắc. Nếu giải quyết tranh chấp hợp đồng thì bằng các hình thức này, còn giải quyết những tranh chấp hoặc quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm thì ngoài hình thức này còn có hình thức hành chính. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan