Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Năm 14:15 28-10-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn.

Kính thưa Quốc hội.

Ở Việt Nam nói đến khoáng sản là nói đến sở hữu toàn dân với vai trò quản lý của Nhà nước, gần đây nói đến khoáng sản người ta thường nói đến tình trạng khai thác bừa bãi không theo quy hoạch, xuất khẩu khoáng sản thô không hiệu quả gây ô nhiễm môi trường, việc quản lý bị buông lỏng và mâu thuẫn chồng chéo giữa các cơ quan. Vì vậy cử tri rất kỳ vọng Luật khoáng sản được Quốc hội thông qua cần tiếp tục khẳng định củng cố vai trò quản lý của Nhà nước cũng như quyền của người dân và sớm chấm dứt tình trạng về khai thác khoáng sản lộn xộn trong thời gian qua. Để góp phần bảo đảm tính khả thi và hiệu lực của luật, tôi xin có một số đề nghị như sau:

Một, về giải thích từ ngữ, khoáng sản không thể tự nó xuất hiện và có giá trị đối với con người, thực tế khoáng sản chỉ có giá trị trong quá trình khai thác, chế biến, xuất khẩu. Để thực hiện chủ trương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hạn chế và tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô, khoáng sản qua sơ chế đối với những khoáng sản quý hiếm và sắp cạn kiệt, tôi đề nghị Điều 3 của dự thảo luật cần bổ sung làm rõ cụm từ "khai thác khoáng sản". Tức là theo luật này thì khai thác khoáng sản được hiểu là quy trình chế biến, sử dụng khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Đặc biệt ở điều này cần phân loại và giải thích rõ những khoáng sản nào cần được hạn chế và cấm xuất khẩu thô.

Thứ hai, về chính sách của nhà nước đối với khoáng sản. Khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân và nguồn thu từ hoạt động khai thác và xuất khẩu khoáng sản cần được quy định rõ trong luật theo hướng phân định rõ tỷ lệ phần trăm cho các chủ thể có liên quan đến khoáng sản, đó là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Người dân ở đây được hiểu là cả người dân ở nơi có khoáng sản và người dân ở các địa phương khác. Khái niệm người dân ở các địa phương khác cần được hiểu là thông qua vai trò sở hữu của nhà nước. Vì vậy tôi đề nghị chính sách của nhà nước đối với khoáng sản cần quy định doanh thu của doanh nghiệp cần được phân bổ theo tỷ lệ 40% cho nhà nước, gồm công tác quản lý, đầu tư cho hoạt động khoáng sản và đại diện cho nhân dân ở các địa phương khác; 30% cho doanh nghiệp và 30% cho nhân dân ở địa phương nơi có khoáng sản. Nếu quy định rõ chính sách đối với khoáng sản như trên, thì chúng ta sẽ đảm bảo được tính thống nhất của pháp luật là công khai, minh bạch và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về sở hữu toàn dân đối với khoáng sản từ trước đến nay. Đồng thời khắc phục tình trạng địa phương và người dân nơi có khoáng sản chỉ biết trông chờ vào sự từ thiện và hỗ trợ của doanh nghiệp là không thỏa đáng.

Vấn đề thứ ba, về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản ở Điều 6, tôi đề nghị đi sâu làm rõ quyền lợi của địa phương và người dân ở đây là những quyền gì, dự thảo luật chỉ quy định một khoản như vậy là chưa thỏa đáng và chưa thống nhất với pháp luật hiện hành. Căn cứ vào pháp luật hiện hành về tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, cũng như thực sự đảm bảo quyền lợi cho địa phương và người dân ở đây, tôi xin đề nghị bổ sung:

Thứ nhất, địa phương và người dân ở nơi có khoáng sản có các quyền được tham gia vào quá trình khai thác dịch vụ có liên quan.

Thứ hai, được bồi thường hỗ trợ, hưởng lợi từ khoáng sản theo quy định của Nhà nước, nếu quy định của Nhà nước là 30% tôi tin địa phương và người dân ở những nơi có khoáng sản sẽ trở lên giàu có hơn, được hưởng đặc thù hơn so với các địa phương khác, các điều này hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, được quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức thay mặt mình giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, tức là phát huy vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, điều này phù hợp với pháp luật hiện hành. Nhân đây tôi xin đề nghị tách Khoản 2 điều này quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản thành một điều riêng gắn với các hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản, khi đang nói về quyền lợi của địa phương và người dân, lại quy định nói về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối với doanh nghiệp tôi thấy không phù hợp.

Thứ tư, về các hành vi bị nghiêm cấm, tôi đọc hết trong quy định này còn những quy định hành vi rất chung chung, nếu thực thi lại rất khó xử lý. Theo tôi để khắc phục những hạn chế như vừa rồi chúng tôi đã nêu, đề nghị luật cần bổ sung những hành vi trái với quy định của pháp luật. Luật cần làm rõ ở khoản trên như chúng tôi đề nghị và cần phải quy định ở trong vấn đề nghiêm cấm. Bởi vì cho đến bây giờ có rất nhiều khoáng sản của chúng ta đang dần cạn kiệt, nếu chúng ta không nghiêm cấm hay hạn chế thì chúng ta sẽ không còn gì đối với những khoáng sản đấy nữa.

Ngoài ra, chúng tôi xin đề nghị bổ sung là những hành vi bị nghiêm cấm, tức là những hành vi không thực hiện các quy định từ Điều 24 đến Điều 28, ở đây là vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta không quy định những hành vi bị nghiêm cấm này thì những điều từ Điều 24 đến Điều 28 người ta làm hoặc không làm thì cũng không ảnh hưởng gì. Tôi thấy cần được bổ sung vào đây để đảm bảo tính thống nhất cũng như sau này khi chúng ta quy định những hành vi xử lý thì nó đảm bảo tính chặt chẽ hơn.

Vấn đề thứ năm, chúng tôi đề nghị quy định đối với quản lý Nhà nước về khoáng sản đề nghị phải tăng cường trách nhiệm, vai trò của Bộ Tài nguyên và môi trường. Bởi vì ngay tên gọi của Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cần phải được làm rõ, chứ không thể nói vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và môi trường nhưng lại là Bộ Công thương quản lý cấp phép. Tôi cho điều này không phù hợp. Đề nghị phải làm rõ vấn đề đó.

Ngoài ra, một số nội dung khác thuộc về kỹ thuật văn bản tôi sẽ gửi lại cho Đoàn thư ký kỳ họp. Xin hết.

Các văn bản liên quan