Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Năm 14:14 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Nhân dân cả nước rất quan tâm đến Luật khoáng sản, tôi nghĩ sau Luật đất đai là Luật khoáng sản và muốn luật này khi ban hành sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay trong lĩnh vực khoáng sản. Chúng ta đang khai thác khoáng sản một cách tràn lan, kém hiệu quả, phân chia lợi ích không công bằng, khai thác khoáng sản kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, về an sinh xã hội v.v... Tuy nhiên tôi chia sẻ với ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng luật này ra đời sẽ không đáp ứng được yêu cầu đó. Vì trong luật này, vấn đề mấu chốt đã đặt ra và hy vọng đó là điểm chốt để giải quyết tình hình hiện nay, hoặc là quy định không rõ ràng, quy định không đến nơi đến chốn. Vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản, như đại biểu Nghiêm Vũ Khải vừa nói, chúng ta cứ nghĩ xưa nay cấp phép rất tràn lan, cho nên hạn chế làm thế nào đó chủ yếu là đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đó là một tài sản, anh nào muốn khai thác phải thông qua gì đấy, không bán trực tiếp thì phải đấu giá, nếu ai không tham gia đấu giá thì khi ấy chúng ta nghĩ đến chuyện cấp phép, lẽ ra phải thế nhưng chúng ta chủ yếu là cấp phép như xưa nay, còn đấu giá phải khoanh định khu vực. Tôi nghĩ trong vòng 1, 2, 3 năm tới chắc Bộ Tài nguyên và môi trường và chính quyền địa phương chưa khoanh định được nơi nào có thể đấu giá, tình trạng như hiện nay vẫn kéo dài tài sản quốc gia quý báu rất hạn hẹp này, vẫn tiếp tục diễn ra, tức là vẫn cấp phép và cấp phép thì cấp phép tràn lan, thậm chí cấp phép có tiêu cực, rồi phân chia lợi ích thì không công bằng, v.v. Đấy là vấn đề về đấu giá.

Tôi thấy vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, đặc biệt là những nơi có mỏ thì tôi thấy trong này chỉ một điều giải quyết về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác. Tôi đồng ý với nhiều đại biểu Quốc hội và không muốn nói thêm về vấn đề này. Bởi vì đây là một vấn đê lớn mà nhân dân quan tâm như thế mà bây giờ chỉ còn có một điều. Một điều lại rất chung chung, mang tính khuyến nghị, không có định lượng thì giải quyết cái gì. Chẳng hạn địa phương nơi có khoáng sản thì Nhà nước sẽ điều tiết từ khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đó. Một câu chung chung như thế. Nhà nước ở đây là ai, ai điều tiết, điều tiết bao nhiêu, khi nào. Chẳng có thông tin gì, chỉ như một khuyến nghị, khuyến nghị một hứa hẹn thế thôi. Trong lúc đó ngay cả cái địa phương ở đây thì là địa phương nào, cũng chưa rõ ràng trong pháp luật. Bởi vì chúng tôi đọc một số tài liệu thì người ta quy định địa phương rất rõ ràng, chẳng hạn như địa phương nào. Trong lĩnh vực khai thác thì địa phương nào, mỏ nằm trong địa phương đó. Chẳng hạn như địa phương đó phải là cấp xã nếu như toàn bộ cái mỏ ấy nằm trong một xã. Địa phương ấy là cấp huyện nếu như cái mỏ ấy là liên xã. Địa phương ấy là cấp tỉnh nếu như mỏ ấy là liên huyện. Phải quy định như thế thì sau này Nhà nước có cho một ít khoản thu nào đó từ hoạt động khai thác khoáng sản thì anh xã nào được hay là tất cả các xã, anh huyện nào được hay là tất cả các huyện trong tỉnh. Bây giờ có tình trạng như thế, tức là ném cho tỉnh một khoản và tỉnh khi ấy chia rất lung tung, xã có mỏ thì không được hoặc được rất ít, hoặc là cũng được một phần, nhưng còn những xã xa xôi cũng có khoản tiền ấy để bù đắp, có phải vậy không. Ngay cả thế nào là địa phương nơi có khoáng sản khai thác, được khai thác, được chế biến, rồi người dân ở nơi có khoáng sản được khai thác, được chế biến, tôi đề nghị cũng phải nói rõ trong luật này để người dân biết là địa phương nào, là người nào.

Thứ hai là về điều tiết, tôi cũng thấy bây giờ điều tiết khoản thu từ hoạt động khoáng sản, khoản thu bây giờ là khoản thu nào, từ hoạt động khoáng sản có nhiều khoản thu, nào là thuế tài nguyên khoáng sản, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí bảo vệ môi trường, quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Bây giờ có thêm một khoản nữa mà tôi đồng ý với khoản này, đó là phí cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhưng khoản này có khoản thì điều tiết về ngân sách địa phương, có khoản điều tiết vào ngân sách Trung ương, bây giờ điều tiết lại cho nơi có khoáng sản được khai thác theo quy cách nào.

Tôi đề nghị nên chăng Quốc hội phải mạnh dạn, có thể quy định thẳng vào trong luật, tức là điều tiết cho địa phương nơi có khoáng sản khai thác tất cả nguồn thu từ khoáng sản ít nhất khoảng 50%, quy định thẳng trong luật như vậy để cấp Trung ương, cũng như cấp địa phương thấy huyện này có cái mỏ đang bị tàn phá thì phải điều tiết cho huyện đó ít nhất là 50% nguồn thu từ các khoản khai thác, như thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường, quỹ cải tạo môi trường, phí cấp phép khai thác v.v.... Tất nhiên nơi nhiều nhất là 100%, nơi ít nhất cũng phải 50%, sau này địa phương còn biết vậy mà làm, còn Quốc hội đưa ra một công bố, tuyên bố như thế này thì địa phương rất khó làm. Những qui định ở trong này, tôi thấy như các đại biểu nói là qui định quyền lợi của người, của cộng đồng địa phương thì trong này toàn ghi nào là phối hợp, nào là bổ trợ, nào là giúp đỡ, thì như các đại biểu nói cái đó là khuyến nghị, giúp ba đồng cũng gọi là giúp, hỗ trợ mười ngàn cũng là hỗ trợ, bây giờ là thế nào? Đây là một khuyến nghị, cho nên tôi nghĩ nếu qui định như thế này thì không qui định còn hơn. Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan