Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung – Điện Biên
Kính thưa Quốc hội,
Tôi thấy Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, song còn một số nội dung tôi xin được phép tham gia vào từng điều của dự thảo dự án luật như sau:
Nội dung thứ nhất, về Điều 1 "phạm vi điều chỉnh" của dự án luật. Trong dự thảo dự án luật thiết kế thành một đoạn, nhưng thực tế điều này quy định hai đối tượng. Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Tôi đề nghị thiết kế thành hai khoản cho khoa học. Khoản thứ nhất quy định về nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Khoản hai là nhóm đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, tại nhóm hai này thì nhóm đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì tôi thấy dự thảo luật có quy định: "khoáng sản là dầu khí và các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật khác". Quy định như vậy thiếu tính dứt khoát, hơn nữa không chỉ ra được pháp luật khác là pháp luật nào và cũng không cần thiết. Ở đây cần phải quy định loại trừ dứt khoát không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Vì vậy viết lại như sau Khoản 2: "khoáng sản là dầu khí và các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này".
Nội dung thứ hai, tại Điều 3 "về giải thích từ ngữ". Trong phần này tại Khoản 1, Điều 3 có quy định: "khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất được tích tụ tự nhiên ở thế rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ". Tôi đề nghị bỏ đoạn "bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ" vì đoạn này trùng lặp. Bởi vì bãi thải của mỏ cũng nằm chính trong lòng đất hoặc là trên mặt đất.
Tại Khoản 2, 3, Điều 3 giải thích về nước khoáng, nước nóng là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất. Nên viết lại đoạn "dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất", bỏ ba từ "có nơi lộ" và sử dụng thuật ngữ chính xác là "trong lòng đất, trên mặt đất", bởi vì "có nơi lộ trên mặt đất" chính là trên mặt đất.
Khoản 5, Điều 3 về thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản, các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản, giải thích thăm dò khoáng sản chính là nhằm mục đích khai thác khoáng sản là không đầy đủ. Bởi vì hoạt động thăm dò khoáng sản không chỉ nhằm mục đích là khai thác khoáng sản, mà còn nhằm mục đích là xác định tài sản quốc gia, có những khoáng sản đã xác định nhưng không khai thác mà là dự trữ quốc gia. Vì vậy nên bỏ đoạn "phục vụ khai thác", viết lại là "thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản, các thông tin khác về khoáng sản", như vậy là đầy đủ.
Tại Khoản 6, Điều 3 có ghi: "khai thác khoáng sản", có sử dụng thuật ngữ "khai đào" tôi thấy thật khó hiểu. Khai đào là gì? Trong từ điển Tiếng Việt không thấy có một thuật ngữ nào nói về vấn đề này. Nếu hiểu "khai đào" là việc đào bới để khai thác thì cũng không đúng với khái niệm khai thác khoáng sản. Vì có loại khoáng sản không thể khai thác bằng việc đào bới được. Ví dụ, khoáng sản đó ở thể lỏng, thể khí chẳng hạn. Hơn nữa, việc xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu là phương thức, cách thức khai thác. Tôi thấy rằng tất cả các hoạt động với mọi hình thức nhằm thu hồi khoáng sản đều là khai thác khoáng sản. Vì vậy khái niệm này nên sửa lại, có thể viết như sau: "khai thác khoáng sản là các hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản", như vậy là đầy đủ.
Khoản 7, Điều 3 "về chế biến khoáng sản", tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Thuyết. Cũng tại Điều 3 tôi đề nghị bổ sung thuật ngữ "hoạt động khoáng sản. Trong dự án luật có đến 8 điều sử dụng thuật ngữ "hoạt động khoáng sản", vì vậy nên bổ sung vào Khoản 7 thuật ngữ "hoạt động khoáng sản".
Nội dung thứ ba tôi tham gia đó là Điều 21 quy định về khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, có cần thiết phải quy định điều này không, vì đó cũng là khu vực khoáng sản và cũng áp dụng các quy định của luật này mà không có một chế độ pháp lý riêng cho khu vực khoáng sản nhỏ lẻ này, vì vậy tôi đề nghị phần này bỏ.
Nội dung thứ tư về Điều 23, khu vực dự trữ khoáng sản ở quốc gia. Tại Điểm b, Khoản 1 quy định: khu vực có khoáng sản nhưng chưa đủ điều kiện khai thác nên chưa khai thác, như vậy thì không phải là khu vực dự trữ quốc gia, vì vậy đưa vào Điều 23 là không phù hợp.
Trên đây là ý kiến tham gia vào dự thảo luật, tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.