Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Năm 14:08 28-10-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Với ý kiến của cử tri cũng như đại biểu Quốc hội trong thời gian qua, chúng tôi kỳ vọng rằng sửa đổi luật này sẽ chấn chỉnh được tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, thất thoát tài nguyên thiên nhiên, thất thoát ngân sách quốc gia cũng như ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên qua xem xét tất cả 86 điều luật này tôi cảm thấy rằng điều này sẽ không đạt được, tức là sau khi luật này được thông qua không cải thiện được tình hình hiện nay. Một phần vì chúng ta chưa bám sát một nội dung quan trọng, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lợi nhuận này, tức là chúng ta phải xác lập được và duy trì được quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước đại diện tức là sở hữu Nhà nước đối với các tài nguyên khoáng sản của đất nước chúng ta, thể hiện ở những chỗ:

Thứ nhất nếu nó là tài nguyên khoáng sản sở hữu Nhà nước thì quyền điều tra, thăm dò là quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, chúng ta phải biết chúng ta có cái gì, chúng ta sẽ chi tiền để chúng ta biết được điều đó. Chúng ta sẽ thuê các công ty, thuê các tổ chức, các nhà khoa học kể cả trong nước, ngoài nước để xác định được chúng ta có cái gì. Sau khi biết được chính xác chúng ta có cái gì rồi, ở đâu rồi, thì chúng ta phải lọc được quy hoạch khai thác mà quy hoạch khai thác này bao gồm cả không gian và thời gian. Không phải có mỏ là khai thác mà chúng ta biết là chúng ta có bao nhiêu triệu tấn. Một kim loại nhất định như titan chẳng hạn thì chúng ta sẽ khai thác trong bao nhiêu năm, 30 năm, 50 năm, 100 năm, 200 năm, đó là chiến lược của chúng ta và chúng ta sẽ điều tiết từng năm khai thác như thế nào, khai thác ở đâu trước, ở đâu sau.

Chúng ta phải có được một biện pháp quản lý phù hợp. Quản lý phù hợp ở đây là ta phải giao được cho các cơ quan chức năng của Nhà nước với những công cụ, biện pháp, kinh phí, con người phù hợp để bảo vệ sở hữu của chúng ta. Như vậy sẽ không còn xảy ra việc các loại "tặc" họat động như hiện nay. Tôi nói bây giờ là chính quyền, lực lượng vũ trang của chúng ta sức mạnh rất lớn, lực lượng rất đông, đánh bại được cả thực dân đế quốc mà không đánh bại được mấy loại "tặc" đơn giản ấy. Nào là "vàng tặc", "sa tặc" tôi thấy quá đơn giản nhưng do chúng ta không quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương xem xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Và chúng ta không xem việc khai thác trộm tài nguyên đấy là trộm cắp cũng là một vấn đề. Bây giờ cái gì không phải của mình, mình chiếm lấy, sở hữu của mình đem bán đi thì phải xem đó là trộm cắp hoặc là tham ô. Mà trộm cắp, tham ô thì phải xử theo tội của trộm cắp, tội rất nặng. Nhưng chúng ta xử rất nhẹ, phạt hành chính một vài triệu rồi thôi. Cho nên tôi nghĩ việc này không đúng. Người quản lý không khéo để xảy ra thất thoát tài nguyên đấy là tội thiếu trách nhiệm, như vậy phải quy định vào những điều cấm và xử lý thật nghiêm hành vi này. Tôi tin rằng nếu chúng ta quy ra trách nhiệm được cho các chính quyền địa phương thì không có một đối tượng nào có thể manh động và không hẳn có chuyện là hai tỉnh ở chung một dòng sông sang khai thác cát bên này và lực lượng đuổi chạy qua bên kia dòng sông, thế là thôi, chỗ đó của tỉnh khác, hay là xã này đuổi chạy sang xã khác thì bảo thôi, tôi hết việc. Đó là thái độ vô trách nhiệm mà tôi cho rằng việc này phải được quy định trong luật pháp của chúng ta bằng cách nào đó chúng ta đưa vào.

Ví dụ nghiêm cấm chẳng hạn. Trong nghiêm cấm đưa thêm một khoản nghiêm cấm chính quyền các cấp, cơ quan chức năng quản lý lơ lỏng để xảy ra tình trạng này và sau đó dưới luật chúng ta sẽ quy định điều khoản cụ thể để xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Nếu nó đã là tài sản của quốc gia thì chúng ta phải được chủ động trong vấn đề bán và đấu thầu. Bán và đấu thầu có nhiều hình thức, ở đây chúng ta không nói rõ thì người ta không hiểu được.

Ví dụ đại biểu Dung nói rằng mình lại đấu thầu cái chúng ta chưa thăm dò thì chúng ta đấu thầu thế nào? không biết nó là bao nhiêu thì chúng ta làm sao đấu thầu được, nhưng người ta vẫn đấu thầu được vì ví dụ như dầu mỏ người ta đã thỏa thuận với nhau rằng bây giờ khai thác dầu lên thì chi phí là bao nhiêu, phần lợi nhuận được phân chia thế nào, sau đó tôi mới đấu thầu quyền khai thác đó, người trúng thầu đó họ mới thăm dò, thăm dò được thì họ khai thác, khai thác được thì họ mới tính toán phân chia theo kiểu dầu khí, đó cũng là một cách. Nhưng phần lớn thì ta phải thăm dò trước, thuê người thăm dò, biết được nó có bao nhiêu, loại gì, trữ lượng, chất lượng như thế nào và chúng ta đấu giá. Đấu giá thì có nhiều loại, cũng có thể bán là bán theo năm, bán theo tấn và cũng có thể bán trọn gói nếu có mỏ nhỏ. Bán trọn gói có thể chia làm 3 năm, 5 năm rồi trả 3, 4, 5 lần, nhưng ta được quyền bán trọn gói thì ta phải quy định cho rõ ràng ở đây, chứ nếu đấu thầu chung chung thì rất khó. Tôi cũng không đồng ý là chúng ta đấu thầu quyền thăm dò, thăm dò ở đây là một nghĩa vụ, thăm dò là phải chi phí bỏ ra, Nhà nước phải tổ chức làm đề án đấu thầu ai thăm dò, với giá thành rẻ nhất thì may ra chúng ta có thể cho người đó thăm dò. Nhưng có một điều chúng ta lưu ý rằng pháp luật của một số nước kể cả Trung Quốc họ nói rằng: cơ quan tổ chức thăm dò phải cam kết với Nhà nước hoặc pháp luật rằng, kết quả thăm dò của tôi là chuẩn xác, nếu như tổ chức khác họ vào đấu giá mỏ này mà khi khai thác lên lại không đúng như thăm dò, đấy là lỗi của cơ quan thăm dò thì cơ quan thăm dò bồi thường toàn bộ chi phí này. Điều đấy chắc là lâu. Còn nếu chúng ta quy định rằng người thăm dò sẽ được ưu tiên khai thác thì thật ra chúng ta sẽ không bán được gì hết. Tại vì người thăm dò sẽ cố ý nói giảm chất lượng mỏ và trữ lượng mỏ đi để mình được vào khai thác và Nhà nước sẽ không thu được thông tin chính xác. Thậm chí chúng ta phải cấm người thăm dò là người đi khai thác giống như ta cấm trong việc thiết kế, thi công và giám sát, ba người này phải khác nhau, không được liên quan tới nhau. Xây dựng một tòa nhà thì ba anh này phải khác biệt, tức là không cho anh vừa thiết kế lại vừa thi công lại vừa giám sát. Ở đây cũng như thế. Chúng ta không cho anh thăm dò được khai thác. Hai tổ chức này phải khác nhau. Tài liệu thăm dò thuộc về Nhà nước.

Chúng ta phải có một chiến lược về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chiến lược. Những việc xảy ra với Trung Quốc, Nhật và châu Âu trong vấn đề khai thác đất hiếm vừa qua là một bài học và không phải riêng đất hiếm. Ví dụ như hiện nay họ có rất nhiều dầu mỏ nhưng họ không khai thác hoặc là rất hạn chế và chủ yếu để mua của nước ngoài và họ tuyên bố thẳng thừng với thế giới là "giọt dầu mỏ cuối cùng là giọt dầu mỏ nằm trên đất Mĩ". Vậy thì các nước khác cũng phải học theo đó mà làm. Những cái gì mà tài nguyên thế giới cạn kiệt hoặc là hạn chế thì chúng ta phải có chiến lược ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ trong nước trước. Đặc biệt tôi nói có loại rất vô lý như than hiện nay chỉ còn vài năm nữa là hết hoặc không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, nhưng bây giờ vẫn xuất khẩu tràn lan ra nước ngoài.

Tôi đề nghị phải xem xét lại xây dựng chiến lược và có một chiến lược xuất khẩu cho rõ ràng để sau này chúng ta còn có thể sử dụng được.

Thứ hai là Điều 6 quy định quyền lợi của địa phương nhưng trong đó Khoản 2 lại ghi trách nhiệm của người khai thác là không đúng. Quyền lợi của địa phương là quyền lợi của địa phương. Đặc biệt trong vấn đề trách nhiệm bỏ đi những từ mà mang tính chất không bắt buộc như "hỗ trợ". Không có. Ở đây người khai thác là phải nâng cấp, bảo quản, duy tu cơ sở hạ tầng, sau đó đóng một số tiền nhất định theo đề án hoặc theo đấu giá và chính quyền địa phương dùng tiền đó để lo cho người dân của mình, lo cho người dân về cơ sở hạ tầng và các chế độ khác. Chứ ở đây chúng ta bảo là hỗ trợ thì 1 đồng cũng là hỗ trợ, 10 đồng cũng là hỗ trợ.

Cuối cùng, trong bảo vệ môi trường tài nguyên khoáng sản tôi đề nghị xem lại Điều 22 nếu khu vực đã cấm và tạm cấm khai thác sẽ không được khai thác trừ khi nó được thay đổi chứ không phải trình Chính phủ xong rồi mới khai thác. Như giải thích của Thường vụ Quốc hội có những khai thác không ảnh hưởng thì phải chứng minh điều đó và phải có điều kiện vào trong Điều 22. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan