Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Việt – Hậu Giang

Thứ Năm 14:03 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tôi nhất trí. Nhưng ở đây tôi thấy có mấy vấn đề cần đặt ra làm rõ hơn.

Thứ nhất, đối với chính sách của Nhà nước về khoáng sản.

Thứ hai là việc thăm dò khai thác khoáng sản.

Về chính sách ở Điều 4, Khoản 5 có quy định Nhà nước đầu tư thăm dò khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong nội dung này chúng tôi đề nghị cần làm rõ nội hàm của nó. Theo Điều 36 và Điều 52 của dự luật quy định thăm dò khai thác khoáng sản là hoạt động kinh doanh. Vậy Nhà nước dùng ngân sách để đầu tư khai thác khoáng sản thì loại doanh nghiệp nào được thụ hưởng nguồn tài chính đó. Còn nếu khi dành độc quyền cho doanh nghiệp Nhà nước khai thác, thăm dò như vậy có vi phạm Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp hay không? Có bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế hay không?

Cần làm rõ khái niệm thế nào là khoáng sản quan trọng. Ngay cả tôi xem trong dự thảo nghị định cũng không có một giải thích về nội hàm của khoáng sản quan trọng. Nó thuộc về khoáng chất rắn, lỏng, thể khí hay loại khoáng sản nào mới được đưa vào danh mục khoáng sản quan trọng.

Về chính sách khoáng sản với thực trạng nguồn khoáng sản quý thuộc tài nguyên không tái tạo ngày càng cạn kiệt không những trong nước mà trên thế giới. Vì vậy, cho nên tôi đề nghị đưa vào luật danh mục một số khoáng sản không được xuất khẩu thô, trước hết có thể là than đá hoặc sắt, titan v.v... Quy định như Khoản 7, Điều 4 này tôi thấy chưa rõ ràng, chưa minh bạch.

Về thăm dò, khai thác. Ở Khoản 1, Điều 8 xác định nhà đầu tư thăm dò khoáng sản được tiến hành bằng hình thức lựa chọn. Bởi vì trong Điều 36 của luật đã ghi rõ đây là loại hình hoạt động kinh doanh, cho nên theo tôi phải ưu tiên để tổ chức đấu thầu, khi nào tổ chức đấu thầu không được thì mới chỉ định nhà đầu tư. Vì nếu có nhiều nhà đầu tư thỏa các điều kiện quy định trong luật về thăm dò, vậy chúng ta chọn ai? Bây giờ chúng ta chọn người quen? Chọn người thân? Chỉ có cách đấu thầu là sòng phẳng, là minh bạch nhất. Còn lĩnh vực kinh doanh tất nhiên phải chấp nhận rủi ro, cho nên giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng tôi đề nghị cần làm rõ.

Điều 42 nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, ở Tiết a, Khoản 2 tôi thấy cũng mâu thuẫn. Ở Tiết a dự luật nêu điều kiện được cấp phép thăm dò khoáng sản có đủ điều kiện tại Khoản 1, Điều 37. Quy định tại khoản này là điều kiện bắt buộc, nhưng dự luật lại nêu thêm nếu không đáp ứng được quy định này, điều kiện bắt buộc này thì phải cam kết sau khi được cấp giấy phép thăm dò sẽ hợp đồng với một tổ chức hành nghề có đủ điều kiện ở tại Khoản 1, Điều 37 nó rất là mơ hồ. Đây là sơ hở rất là nguy hiểm, tạo thuận lợi cho cơ chế xin cho, tiêu cực, tham nhũng xảy ra. Theo tôi điều kiện cấp phép khi nào tổ chức, cá nhân thỏa mãn được Khoản 1, Điều 37 và tiến hành đấu thầu, khi trúng thầu sẽ được cấp phép thăm dò.

Điều 54, nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản, theo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì khai thác khoán sản phải đấu giá theo Mục 2, Chương IX để hạn chế tiêu cực, cơ chế xin - cho. Nhưng Khoản 2, Điều 34 lại nêu: tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản là tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đáp ứng các điều kiện ở tiết a, b, c v.v... quy định này rất mâu thuẩn, sơ hở. Vậy tổ chức, cá nhân không trúng đấu giá hoặc không tham gia đấu giá vẫn có quyền khai thác khoáng sản hay sao, nếu theo dự thảo luật là như vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội quan tâm. Xin hết.

Các văn bản liên quan