Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung – Thái Bình

Thứ Năm 14:02 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi rất nhất trí nhiều nội dung trong dự án luật sửa đổi, bổ sung về Luật khoáng sản kỳ này và nhiều nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi thấy dự thảo luật lần này chúng ta đang tiến đến những tiến bộ để đổi mới cơ chế quản lý về nhà nước cũng như lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên chúng tôi còn băn khoăn 3 vấn đề trong dự thảo cũng như trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề thứ nhất, ở Khoản 2, Điều 31 về thẩm quyền lập, trình, phê duyệt quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản. Trong khoản này có ghi: Chính phủ chỉ đạo và phân công các bộ, ngành để lập, trình và phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản cấp quốc gia. Về vấn đề này Ủy ban Kinh tế kỳ trước đã có thẩm tra và phát hiện ra rằng Tờ trình của Chính phủ vẫn đề nghị lập và trình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giao cho Bộ Công thương. Ủy ban kinh tế đề nghị tách ra loại quy hoạch khoáng sản thăm dò khai thác thì giao cho bộ chuyên ngành. Dự thảo nghị định của Chính phủ kỳ này vẫn là giao cho Bộ Công thương làm thẩm quyền này.

Chúng tôi đặt vấn đề ai, bộ, ngành nào là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản để chúng ta giao hệ thống công cụ này cho cơ quan chức năng đó, ở đây chắc chắn Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, còn Bộ Công thương không có chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Bộ Công thương chỉ có chức năng về sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng hệ thống công cụ để quản lý nhà nước về khoáng sản hiện nay đang được xác lập để giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường bao gồm điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản là một chiến lược về khoáng sản; Khu vực hóa các khu vực về khoáng sản; cấp phép về khoáng sản; thanh tra về khoáng sản.

Trong lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản có những nội dung khoanh vùng dự trữ về khoáng sản, những khu vực hoạt động về khoáng sản, những khu vực cấm về khoáng sản, những khu vực tạm thời cấm về khoáng sản; những khu vực nhỏ lẻ để phân cấp cho các địa phương về khoáng sản đều do Bộ Tài nguyên và môi trường làm đó là đúng chức năng. Nhưng riêng về quy hoạch, lập và phê duyệt, thăm dò khai thác khoáng sản Chính phủ vẫn giao cho Bộ Công thương. Chúng tôi cho hệ thống công cụ phải thống nhất và lôgic với nhau, đảm bảo chất lượng. Nếu Bộ Tài nguyên và môi trường không lập quy hoạch, Bộ Công thương lập quy hoạch làm sao Bộ Công thương có hệ thống điều tra, có bản đồ, có thông tin để làm quy hoạch cho tốt. Việc giao lại quy hoạch cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường để cấp phép, để khu vực hóa khoáng sản, việc phân công như thế sẽ không đúng với quy tắc chức năng quản lý Nhà nước, không phục vụ cho hành chính Nhà nước một cách thuận tiện.

Do đó, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bàn và thảo luận thêm để Thường vụ Quốc hội tiếp thu thiết kế lại Khoản 2, Điều 31 vẫn giao thẩm quyền lập và trình phê duyệt thăm dò khai thác khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và môi trường vì chức năng này rất đúng với Bộ Tài nguyên và môi trường. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nghiên cứu vấn đề này để đảm bảo cải cách hành chính cho đúng, không chồng chéo giữa bộ này, bộ kia.

Vấn đề thứ hai, về đấu giá trong Mục 2, Chương IX có nói về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thiết kế kỳ trước có hai loại hình đấu giá, nhưng kỳ này lại bỏ đi một loại hình là đấu giá thăm dò và khai thác khoáng sản, chỉ để lại loại hình là đấu giá và khai thác khoáng sản. Vấn đề này chúng tôi xin làm rõ như sau: Thực chất về đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản hay đấu giá khai thác khoáng sản đều là đấu giá khai thác khoáng sản nhưng vì dự thảo ghi: "Đấu giá thăm dò khai thác" nên có sự hiểu chưa đúng. Vì thăm dò khoáng sản không phải mang lại lợi nhuận, chỉ là đầu tư chi phí, còn khai thác khoáng sản mới mang lại mục đích lợi nhuận, do đó mới có thể đấu giá. Trên thực tế, có hai loại hình đấu giá khai thác khoáng sản mà chúng ta có thể áp dụng: Một là đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực chưa thăm dò khoáng sản như dầu khí, hình thức này sẽ phân chia sản phẩm, cái đó rất lợi để xã hội thăm dò và cải cách hành chính không bị công kềnh;

Loại hình thứ hai là đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tất nhiên dễ dàng, đã thăm dò thì khai thác dễ nhưng chúng ta đang khuyến khích đấu giá khu vực chưa thăm dò mà đấu giá để khai thác khoáng sản được, đấy là một bước cải cách rất tốt. Nếu được hình thức này, chúng ta sẽ bớt cồng kềnh và chúng ta bỏ được Điều 38 về lựa chọn nhà đầu tư thăm dò khai thác khoáng sản. Chúng ta bớt đi được rất nhiều thủ tục hành chính cồng kềnh. Như vậy chúng ta đấu giá loại hình này thì lập tức các nhà doanh nghiệp sẽ chủ động đầu tư thăm dò. Cơ quan chức năng sẽ thẩm định để đánh giá trữ lượng và tạo các nguồn thu từ đây. Cho nên chúng tôi thấy nếu tiếp tục để được hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò thì chúng ta sẽ xã hội hóa được việc thăm dò rất tốt, cải cách được hành chính rất tốt và công khai minh bạch rất tốt, xóa bỏ được cơ chế xin cho. Như vậy chúng tôi đề nghị là Mục 2, Chương IX sẽ để Điều 78a là đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực đã thăm dò khoáng sản. Hai là đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực chưa thăm dò khoáng sản để trên cơ sở đó chúng ta sẽ bỏ được Điều 38 là lựa chọn nhà đầu tư thăm dò khoáng sản và chúng ta sẽ có lợi rất tốt về vấn đề này.

Các văn bản liên quan