Góp ý của Đại biểu Quốc hội Tống Văn Thoóng – Lai Châu

Thứ Năm 14:05 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí cao Báo cáo tiếp thu và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) lần này. Chúng ta đã tập trung vào những vấn đề còn chồng chéo, bất cập xảy ra trong những năm qua. Về nội dung điều, khoản cụ thể tôi xin phát biểu một số nội dung như sau.

Về Điều 6, quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Tại Điểm c, Khoản 2 quy định: phối hợp với cơ quan địa phương đảm bảo chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân đang sinh sống ở nơi có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản. Điều này chúng ta viết như vậy, đây là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi nghề nghiệp và sản xuất đối với người dân, kể cả lĩnh vực khác, không riêng gì khai thác khoáng sản. Nếu để doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương thôi thì tôi cho rằng sẽ không có hiệu quả, phải thiết kế như thế nào đó buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với địa phương chuyển đổi sản xuất, bồi thường cho nhân dân bị ảnh hưởng trong quá trình khai thác khoáng sản. Tôi đề nghị thiết kế lại gộp vào Khoản 3 của điều này là bồi thường, di dân tái định cư, chuyển đổi sản xuất, môi trường và ảnh hưởng nước sinh hoạt đối với người dân trong khu vực. Không phải riêng nhân dân trong vùng bị thu hồi đất mà nhất là miền núi, nước sinh hoạt, sản xuất nếu doanh nghiệp nào đó khai thác khoáng sản tuy không bị thu hồi đất nhưng các vùng lân cận bị ảnh hưởng rất lớn về nguồn nước sản xuất và sinh hoạt. Cho nên về vấn đề này cần thiết kế lại cho phù hợp hơn.

Điều 23 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được thể hiện tại hai Điểm a và b, tôi cho rằng chưa đủ tầm cỡ để chúng ta xác định những khoáng sản nào phải được dự trữ cho quốc gia. Nên chăng thiết kế thêm khoáng sản có trữ lượng lớn liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế bền vững của đất nước; Khoáng sản quý hiếm của đất nước cũng cần phải được đưa vào danh mục dự trữ quốc gia. Đã là khoáng sản dự trữ của quốc gia thì phải tính đến thẩm quyền khi cho phép bắt đầu khai thác hay vẫn để Bộ Tài nguyên và môi trường hay cấp nào cao hơn, Chính phủ, Quốc hội cũng phải bàn đến những khu vực nào dự trữ cho quốc gia thì thẩm quyền của cấp nào được phép bắt đầu cho khai thác.

Điều 54, "về nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản", ở đây được thể hiện trong 2 khoản, nhưng tôi thấy chưa đủ yếu tố chặt chẽ. Đã là nguyên tắc phải chặt chẽ chứ không phải như mấy năm qua chúng ta cấp lỏng lẻo, hơi thoáng và dễ dàng. Tôi đề xuất vẫn 2 khoản nhưng 2 lĩnh vực khác nhau:

Khoản 1, là khu vực khai thác khoáng sản không ảnh hưởng đến các luật khác đã được ghi, đã được công bố, nhưng phải có ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan. Việc này trong các năm qua lúc thì xin ý kiến, lúc không xin ý kiến cho nên nó chưa được chặt chẽ, đặc biệt Bộ quốc phòng và Bộ Công an phải được xin ý kiến bằng văn bản dù ở bất cứ biên giới hay nội địa hay khu vực nào cũng phải xin ý kiến.

Khoản 2, chúng ta thiết kế lại là điều kiện cá nhân và tổ chức trúng đấu giá, anh trúng đấu giá rồi thì anh phải có điều kiện như thế nào về bộ máy, nhân lực, cán bộ chuyên ngành, khả năng tài chính như thế nào, đó là điều kiện của cá nhân và tổ chức tham gia trúng đấu giá. Chúng ta thể hiện như thế thì sẽ đảm bảo tính nguyên tắc chặt chẽ hơn.

Điều 51, "trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của Ủy ban nhân dân các cấp". Tôi thấy Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã là nặng gánh nhất trong vấn đề bảo vệ khoáng sản chưa được khai thác. Lực lượng tại chỗ cũng ở đây, trách nhiệm tại chỗ cũng ở đây nhưng thực chất trong thời gian vừa qua thẩm quyền không có chế tài nào cả, cho nên huy động lực lượng này khó, giải quyết nguồn tài chính cho việc bảo vệ cũng rất hạn hẹp. Cho nên chúng ta nên bổ sung điều này, thêm quyền hạn và chế tài riêng về vấn đề bảo vệ khoáng sản mà chưa được khai thác và phần ngân sách cũng nên ưu tiên dành cho cấp cơ sở huyện, xã này để người ta trang trải cho công tác bảo vệ được tốt hơn. Theo tôi như vậy vừa là công bằng, vừa là trách nhiệm. Xin hết.

Các văn bản liên quan