Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 15:11 28-03-2011

Thưa Quốc hội,

Trước hết tôi rất đồng tình với dự thảo giải trình và chỉnh sửa lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi nghĩ rằng với dự thảo như hiện nay đủ điều kiện để Quốc hội có thể thông qua trong kỳ họp này. Những vấn đề nêu ra cần thảo luận trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi thấy phản ánh đúng thực tế. Cách đây vài tuần đoàn Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi có xin ý kiến góp ý của các người làm nghề kiểm toán, hiệp hội kiểm toán, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, chính những người này ngồi với nhau cũng cãi nhau, không ai chịu ai, có nghĩa là nó khá phức tạp. Ví dụ chúng ta đưa hai phương án 1,2 là cũng đã tranh luận với nhau khá nhiều, với nhiều phương án khác. Một số vấn đề như vậy tôi nghĩ cần lấy ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là đúng, tuy nhiên để thông qua luật này, tôi còn rất tâm tư một số vấn đề sau.

Thứ nhất, tôi muốn nêu trở lại quan điểm của tôi xuyên suốt đó là nghề kiểm toán cũng như một số ngành nghề khác như thiết kế, kiến trúc, luật sư, những nghề mà chất lượng nghề nghiệp tùy thuộc vào trí và tâm của con người, không tùy thuộc vào tiền do đó nên theo những nước có truyền thống lớn về lĩnh vực này, tức là đây là một nghề tổ chức đối nhân chứ không đối vốn. Chúng ta hiện nay tổ chức theo kiểu có nhân có vốn tôi cho rằng không phù hợp, trước mắt có thể phù hợp nhưng tôi không hình dung trong tương lai như thế nào. Việc tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chấp nhận nhưng tôi xin nói rõ nếu luật này quy định kiểm toán chỉ là tổ chức hợp danh không mâu thuẫn với bất cứ luật nào. Luật doanh nghiệp quy định nhiều hình thức nhưng loại kinh doanh có điều kiện thì luật có điều kiện quy định không mâu thuẫn với luật chung.

Một vấn đề tôi xin đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ, đó là có cho doanh nghiệp góp vốn lập công ty kiểm toán hay không. Trên thực tế hiện nay rất nhiều tổng công ty, tập đoàn doanh nghiệp tham gia góp vốn lập công ty kiểm toán, chúng ta tưởng luật sẽ quy định chặt chẽ, thưa không, một tập đoàn góp vốn vào công ty kiểm toán, dưới nó các công ty con, công ty cháu và thực tế rất nhiều con cháu, sẽ kiểm toán cho con cháu vượt tất cả những quy định của pháp luật. Tôi đã đọc một số báo cáo kiểm toán và hiện nay người ta tận dụng điều đó cộng với nguyên tắc ngoại trừ để làm mù mờ tất cả các báo cáo kiểm toán và nhà đầu tư. Ví dụ tôi đọc một số báo cáo kiểm toán mà người ta nhờ tôi tư vấn, thông thường có 3 báo cáo chính, báo cáo về cân đối tài sản, báo cáo về kinh doanh lỗ lãi là báo cáo đặc biệt, trung chuyển dòng tiền và sau đó là bản thuyết minh. Rõ ràng trong 3 báo cáo đó mà đặt vấn đề thì phần sau thuyết minh là loại trừ hết, như vậy báo cáo không có ý nghĩa và chính chỗ này tôi cho rằng dường như có sự tiêu cực trong vấn đề kiểm toán. Đây là vấn đề một số kiểm toán đã trao đổi, chính vì vậy tôi thiết tha đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ, nếu được thì cho phép Quốc hội biểu quyết có nên cho các doanh nghiệp tham gia hay không. Tôi xin nói rõ hiện nay ngành kiểm toán chưa phát triển không phải vì thiếu tiền mà là vấn đề con người, phải tập trung phát triển con người cho ngành này phát triển. Không phải vì không có tiền, không có các tập đoàn, tổng công ty bỏ tiền mà kiểm toán không phát triển được, tôi xin nói rõ ý đó. Tôi kiến nghị nên để Quốc hội biểu quyết theo ý kiến đa số tức là nên có 2 phương án.

Tôi đồng tình với điều khoản quy định loại trừ là cần thiết, dĩ nhiên là có rồi nhưng để chặt chẽ hơn thì nên chăng Bộ tài chính sẽ dựa theo thông lệ quốc tế, theo số đông và phù hợp với hội nhập. Chỗ này tôi xin kiến nghị để nâng tầm quan trọng khi Chính phủ ban hành quy định về nguyên tắc loại trừ, nên chăng nên ban hành với hình thức Nghị định, Chính phủ quy định từng loại hình doanh nghiệp, từng chuẩn mực để áp dụng tương đối ổn định hơn chỉ là một quy định riêng rẽ của Bộ tài chính. Tôi muốn nâng địa vị pháp lý lên để quy định những loại trừ này chặt chẽ hơn dưới hình thức Nghị định của Chính phủ. Trước đây có 6 hãng kiểm toán hàng đầu của thế giới gọi là "Big six"bây giờ gọi là "Firm", từ khi xưa các hãng kiểm toán này đều gọi là hãng kiểm toán chứ không gọi là công ty, tiếng Anh là "Firm" không là "Company" không bao giờ là "Corporation" Đó không phải là từ ngữ mà là thể hiện tính chất, những hãng lớn có truyền thống đều tổ chức là những công ty đối nhân hết. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan