Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Hai 15:11 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi có 7 ý kiến nhỏ về dự án luật này. Trước hết, về tên luật tôi thành thật xin lỗi Quốc hội là đến bây giờ Quốc hội bàn luật này lần thứ hai có nói đến tên luật mà cũng không được hợp lý. Nhưng trong bản Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có đặt ra vấn đề này. Tôi xin phép được pháp biểu như sau:

Tôi thấy tên luật là Luật kiểm toán độc lập có lẽ không thích hợp lắm bởi vì đã là kiểm toán thì phải hoạt động theo nguyên tắc độc lập. Nếu mình đặt tên là Luật kiểm toán độc lập thì người ta có thể nghĩ là kiểm toán nhà nước, kiểm toán tư nhân thì không hoạt động độc lập.

Tên thứ hai dự kiến là Luật kiểm toán tư nhân tôi cho là không hợp lý bởi vì người ta có thể hiểu nhầm là chỉ kiểm toán các doanh nghiệp tư nhân thôi. Tôi thấy tên Luật dịch vụ kiểm toán là hợp lý hơn cả.

Vấn đề thứ hai là một vấn đề đáng lẽ phải bàn đầu tiên đó là vấn đề về phạm vi điều chỉnh của luật. Tôi thấy viết như thế này cũng sáng sủa nhưng còn thiếu nếu so với mẫu chung về phạm vi điều chỉnh của luật ở các luật khác mà Quốc hội đã thông qua. Ở đây thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán và thiếu quy định về quản lý nhà nước về kiểm toán. Tôi nghĩ ở đây phải bổ sung thêm 2 phần về điều chỉnh đó nữa.

Vấn đề thứ ba là về giải thích từ ngữ. Chúng tôi thấy có khá nhiều khoản trong Điều 5 và điều giải thích từ ngữ này hơi thừa. Tôi đề nghị cân nhắc lại để gọt bớt đi. Ví dụ thành viên tham gia cuộc kiểm toán, theo tôi không cần thiết phải quy định điều như thế, doanh nghiệp kiểm toán cũng không cần quy định, đơn vị được kiểm toán cũng không cần giải thích từ ngữ ở đây, hành nghề kiểm toán là gì cũng không cần, kiểm toán, báo cáo kiểm toán là gì cũng không cần, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cũng không cần. Cho nên, tôi cho có thể lược rất nhiều mục từ ở trong này cho luật gọn. Ngược lại có một số cụm từ đáng lẽ phải đưa vào đây thì lại để rải rác ở các quy phạm pháp luật, theo tôi nên tập hợp lại. Ví dụ như chuẩn mực kiểm toán là gì, chuẩn mực đạo đức kiểm toán là gì, kiểm toán bắt buộc là thế nào v.v... thì theo tôi nên đưa vào mục này hơn là rải ra ở các điều về quy phạm pháp luật.

Vấn đề thứ tư là về các khái niệm chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức kiểm toán. Trước hết, chúng tôi xin đề nghị xem lại vị trí pháp lý của những chuẩn mực này như thế nào, tính pháp lý đến đâu và nó cũng phải là những quy chuẩn kỹ thuật hay không? Hay tiêu chuẩn thì chỗ này theo tôi phải xem lại, nếu cần thiết thì phải đưa hẳn vào trong phần giải thích từ ngữ, ví dụ chuẩn mực kiểm toán là một quy chuẩn kỹ thuật của ngành quy định cái gì v.v...

Nhân đây tôi cũng xin nói chuẩn mực đạo đức của kiểm toán, theo tôi Bộ tài chính không nên ban hành mà cái đó nên để cho tổ chức nghề nghiệp người ta ban hành, cái này không có tính bắt buộc đến mức như những quy định pháp luật khác, nhưng đây để tổ chức hiệp hội người ta quy định.

Vấn đề thứ năm, chúng tôi góp ý là về quản lý Nhà nước, chúng tôi có một số ý kiến như sau. Giao cho Bộ tài chính phụ trách lĩnh vực thì đúng, nhưng chúng tôi lại cho rằng không nên giao cho Bộ tài chính chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức nghề nghiệp kiểm toán độc lập. Bởi vì việc đó là việc của Bộ Nội vụ quản lý tất cả các hội, hiệp hội thì cứ để Bộ Nội vụ làm, còn ngược lại chính là tổ chức nghề nghiệp của những người kiểm toán phải là một tổ chức dân sự giám sát lại hoạt động của cơ quan Nhà nước là Bộ tài chính để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp kiểm toán thì như thế nó mới đúng.

Cũng về quản lý Nhà nước, tôi có ý kiến thứ ba là số giấy phép mà Bộ tài chính và Bộ kế hoạch và đầu tư, Sở kế hoạch và đầu tư cấp nhiều quá lên đến 4, tức là muốn hoạt động được kiểm toán thì kiểm toán viên cũng như tổ chức doanh nghiệp kiểm toán ấy phải có tới 4 giấy phép, tên giấy phép như thế nào thì luật sư Nguyễn Đăng Trừng phát biểu trước tôi đã đọc kỹ rồi thì chúng tôi đề nghị nên thu gọn lại, như anh Đặng Văn Xướng ở Long An nói càng nhiều giấy phép thì các doanh nghiệp người ta càng khổ, mình nên bớt giấy phép đi.

Cũng về quản lý Nhà nước chúng tôi thấy điều qui định, khoản qui định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nó không được cụ thể, không được rõ ràng. Chúng tôi đề nghị phải qui định rất cụ thể, ở đây trong lĩnh vực kiểm toán độc lập này thì Ủy ban nhân dân tỉnh làm những việc gì để cho các ủy ban người ta còn căn cứ vào đấy để hoạt động.

Ý kiến thứ sáu, về kiểm toán viên hành nghề. Chúng tôi cũng nghĩ ra chuyện này các đồng chí là những nhà chuyên môn thì các đồng chí phân biệt kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề, nhưng mà có cần thiết phải phân biệt đến như thế không? hay người ta phân biệt bằng cấp, bằng bậc, hay là bằng những thuật ngữ khác, tôi thấy nó hơi lủng củng. Nhưng qui định là kiểm toán viên hành nghề phải có 36 tháng thực hành nghề kiểm toán tôi đồng ý. Còn riêng kiểm toán viên nước ngoài mà hoạt động ở Việt Nam thì có cần đến kinh nghiệm 36 tháng hoạt động ở doanh nghiệp hay không? tôi rất nhất trí với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cần, người ta có kinh nghiệm làm kiểm toán kể cả nước khác là được rồi, không cần thiết phải 36 tháng ở Việt Nam thì mới được hành nghề ở Việt Nam. Tôi nói xin lỗi là thế này, ông có 36 tháng hoạt động ở Việt Nam có khi ông hư đi, cho nên mình đưa ra qui định khéo lại không tốt, cho nên tôi đồng ý là bỏ.

Ý kiến cuối cùng, luật này có nhiều khoản quét quá, tôi đếm riêng Chương I có 6 lần qui định có những khoản quét mà quét nhiều như thế này thì có thể nói làm cho dân người ta không biết thi hành thế nào, cái gì được làm, cái gì không được làm. Ví dụ Điều 13, các hành vi bị nghiêm cấm thì sau khi đã nghiêm cấm đến "m" điểm rồi, sau lại còn điểm "n" nữa là các hành vi bị nghiêm cấm khác theo qui định của pháp luật, đó là một cái quét. Tiếp theo sau đó đến Khoản 2 cũng lại thêm Mục d quét là các hành vi bị nghiêm cấm khác theo qui định của pháp luật, đại khái như thế tôi đếm đến 6 lần quét ở riêng các điều Chương I như thế này thì nhiều quá. Chúng tôi đề nghị rà soát lại mình qui định cái gì cụ thể được thì qui định luôn đi, còn nếu không về sau này mình sẽ bổ sung, không nên quét nhiều quá như thế. Xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan