Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm 14:22 11-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Những ý kiến chúng tôi thảo luận ở tổ đã được ghi vào biên bản. Tôi muốn nói thêm một vài ý liên quan đến gợi ý của Phó chủ tịch Quốc hội.

Tôi đồng tình và ủng hộ lần này phải sửa một số điều của Luật chứng khoán mặc dù luật mới được 4 năm. Những lý do phải sửa trong tờ trình đã nêu, vừa rồi đồng chí Cao Sĩ Kiêm đã bổ sung thêm. Tôi muốn nói thêm một ý nữa là thực tế qua quản lý, đối chiếu giữa Luật chứng khoán và Luật doanh nghiệp. Thực tế tình hình chúng ta còn có nhu cầu bức xúc để tăng cường tính minh bạch, tính công bằng và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Với cơn sốt chứng khoán một cách điên đảo năm 2006 đầu năm 2007 đẩy giá chỉ số Vn-Index lên hơn 1170 điểm, hệ quả đến nay chưa hết. Chúng ta nhất thiết không thể quản lý thị trường để xảy ra những tình trạng như vậy, vấn đề là tăng cường quản lý vào cơ sở, để làm sao chúng ta đi từng bước. Tôi xin thưa là phát triển thị trường chứng khoán nếu như để xảy ra những sự cố làm mất niềm tin sẽ ảnh hưởng, làm sụp đổ cả một thị trường tài chính.

Một lý do nữa, thị trường chứng khoán là một trong ba bộ phận cấu thành thị trường tài chính nước ta, trong đó về thị trường tiền tệ, Quốc hội đã thông qua 2 đạo luật để củng cố, phát triển thị trường tiền tệ. Thứ hai, về thị trường bảo hiểm, chúng ta chuẩn bị sửa Luật kinh doanh bảo hiểm. Như vậy còn lại thị trường chứng khoán, qua thực tế nếu lần này Quốc hội sửa theo Tờ trình của Chính phủ thì tôi nghĩ rằng chúng ta đi một bước rất căn bản, hoàn thiện 3 bộ phận cấu thành thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ tạo điều kiện phát triển bền vững. Với những lý do đó tôi ủng hộ hoàn toàn.

Về những vấn đề cụ thể:

Thứ nhất tôi đồng tình lần này chúng ta đưa điều kiện chặt chẽ trong vấn đề phát triển quá ồ ạt các công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ, không phù hợp với quy mô thị trường, tôi xin không giải thích. Hiện nay phải nói rằng Việt Nam là một trong những nước với quy mô thị trường, chúng ta không tính bao nhiêu phần trăm GDP, mà với quy mô tuyệt đối thì các công ty chứng khoán và quản lý quỹ quá lớn, cần phải chặt chẽ trong vấn đề nay, tôi ủng hộ điều này.

Thứ hai, tôi cũng ủng hộ việc chúng ta quy định chặt chẽ hơn chào bán riêng lẻ, hiện nay tình trạng lợi dụng chào bán riêng lẻ, các công ty cổ phần thực chất muốn cổ phần nhưng phần nắm, chi phối của một vài ông chủ, còn tất cả cổ đông nhỏ, cổ đông riêng lẻ đều là những người thiệt hại, nếu như chỉ áp dụng theo Luật doanh nghiệp. Đây là thực tế qua khảo sát chúng tôi thấy như vậy, chúng ta phải bảo vệ cả cổ đông nhỏ, nên quy định theo điều kiện hiện nay của Ủy ban chứng khoán đưa ra, tôi cho là phù hợp với yêu cầu thực tế.

Tôi đề nghị làm rõ thêm 2 vấn đề lớn:

Thứ nhất, tôi đề nghị trong luật này có đưa ra vấn đề rất mới, rất quan trọng đó là không hạn chế các công ty chứng khoán, công ty kinh doanh quỹ đầu tư chứng khoán, hạn chế 10% để đầu tư vào quỹ là Quỹ đầu tư bất động sản. Hiện nay luật pháp Việt Nam chưa có chế định thế nào là Quỹ đầu tư bất động sản, đây là loại hình cực kỳ quan trọng tôi gọi là định chế để khai thông giữa thị trường vốn và thị trường bất động sản. Tình trạng người dân riêng lẻ đi kinh doanh bất động sản tạo ra một thị trường mất trật tự và thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, tôi đề nghị bây giờ chúng ta chưa có luật, nhưng trong này quy định có nói về Quỹ đầu tư bất động sản, nhưng luật pháp không có.

Tôi kiến nghị là trong luật này đưa một điều là định nghĩa Quỹ đầu tư bất động sản là cái gì, những nguyên tắc tổ chức và giao cho Chính Phủ ban hành nghị định để tổ chức họat động Quỹ đầu tư bất động sản, đặc biệt là các quỹ đầu tư gọi là đầu tư tín thác về bất động sản để chúng ta hướng các nhà đầu tư riêng lẻ thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Lúc đó, chúng ta khai thông bằng định chế giữa thị trường vốn và thị trường bất động sản. Như vậy, một công cụ chúng ta làm cho ổn định, lành mạnh cả hai thị trường mà hiện nay phát triển không tốt, đó là thị trường bất động sản, đó là điều tôi đề nghị như vậy. Nhiều lần tôi kiến nghị nhưng trong luật chưa ghi, chúng ta không thể chờ Chính phủ.

Thứ hai, tôi đề nghị tình trạng thị trường chứng khoáng hiện nay là tình trạng nội gián hay gọi là tình trạng làm giá của một số nhà đầu tư. Tôi đi khảo sát với Ủy ban kinh tế của Quốc hội một số công ty chứng khoán, tình trạng Việt Nam hiện nay không có một nhà phân tích chứng khoán nào dù học hết sách đi nữa cũng không phân tích được. Bởi vì thị trường đầu cơ, không theo một lý thuyết nào cả. Cổ phiếu nào dự kiến lên giá theo đúng bản chất của nó thì nó sẽ xuống, còn cái nào mà lôm côm nó tự lên giá. Bởi vì 2, 3 người có thể người ta làm giá ngay. Nhưng tình trạng này Ủy ban chứng khoán không làm gì được. Do đó tôi đề nghị luật này phải đưa quyền tương đối độc lập và thẩm quyền tìm chứng cứ, chúng ta không dùng từ "điều tra", nhưng được tìm chứng cứ. Ví dụ, đi xác minh tài khoản ngân hàng để tìm chứng cứ chứng minh rằng đó là những người thông đồng làm giá, để đủ cơ sở có thể xử lý nặng thì chúng ta thiết lập được. Anh Cao Sỹ Kiêm nói đúng, thị trường chứng khoán nếu như mất niềm tin thì sụp đổ. Đó là vấn đề niềm tin. Nếu lần này Quốc hội sửa chỉ ghi chung chung, tôi cho là không đạt yêu cầu. Tôi kiến nghị luật này phải đưa ra một số thẩm quyền và quy trách nhiệm rõ Ủy ban chứng khoán có quyền và có trách nhiệm để làm việc đó nếu như tình trạng làm giá, đầu cơ lũng đoạn trên thị trường xảy ra. Tôi xin kiến nghị 2 vấn đề lớn với Quốc hội như vậy. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan