Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thời – Thái Nguyên

Thứ Năm 14:22 11-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia vào Luật chứng khoán, Luật chứng khoán là luật rất chuyên ngành, rất sâu, mục tiêu của Luật chứng khoán tạo ra thị trường để tại đó mua và bán cổ phiếu diễn ra sôi động nhất, tính thanh quản cao nhất, đồng thời phải tuân theo luật pháp của Việt Nam và thông lệ quốc tế, thị trường này có cả sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cho nên phải phù hợp với thông lệ. Luật chứng khoán của ta ra đời muộn so với việc nước ta hội nhập. Tuy muộn nhưng trong thời gian 3 năm qua Luật chứng khoán đã đạt được rất nhiều thành công như Báo cáo của Chính phủ đã đề cập rõ, tôi xin nêu mấy số liệu như sau:

Thứ nhất, đến cuối năm 2009 thì Luật chứng khoán của ta đã thu hút được 37,6% vốn hóa trên GDP. Theo định hướng chiến lược của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đến năm 2015 phải huy động vốn hóa thị trường phải đạt được 65-75% GDP, đến năm 2020 đạt được 90%-100% GDP. Đây là một mục tiêu rất lớn, nếu đạt được điều này thì Luật chứng khoán đã mang lại một hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn.

Cũng như ý kiến của đại biểu Cao Sĩ Kiêm trong thời gian qua xuất hiện một số phát sinh mới và có những vướng mắc, bất cập cho nên chúng ta cũng phải sửa. Lần này Ban soạn thảo mới đề cập sửa 7 nội dung ở 20 điều, trong đó bỏ đi 1 điều trong số 136 điều. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với việc sửa đổi này, nhưng theo tôi Luật chứng khoán mới ra đời mà chúng ta đã sửa đổi, thực ra mỗi một lần sửa luật không phải là dễ. Để Luật chứng khoán phát huy được cao hơn nữa, đóng góp được đúng như chiến lược của Ủy ban chứng khoán Nhà nước thì thu hút vốn hóa đạt được từ 90-100% GDP, tôi đề nghị lần này Quốc hội nên sửa tổng thể. Tuy là luật mới nhưng đây cũng là một thị trường rất mới, một thị trường cao cấp, xuất hiện rất nhiều những hành vi mới, những tội phạm mới cho nên tôi đề nghị sửa tổng thể.

Ngoài 20 điều do Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, tôi đề nghị sửa thêm một số điều như sau.

Thứ nhất là Điểm a, Khoản 1, Điều 12 ta quy định 3 điều kiện để niêm yết, trong đó điều kiện thứ nhất về vốn, điều kiện thứ hai về hiệu quả và điều kiện thứ ba là sử dụng vốn.

Điều thứ nhất về vốn, hiện nay trong chứng khoán của ta quy định anh phải có vốn điều lệ tại thời điểm đó là 10 tỷ. Tôi đề nghị xuống là 5 tỷ. Tại sao 5 tỷ? Bởi vì nếu như 10 tỷ, tôi cho là một điều kiện 10 tỷ cho nên hiện tại bây giờ chúng ta mới có được 574 doanh nghiệp và 5 chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn chứng khoán trong số hàng vạn doanh nghiệp hiện nay. Tỷ lệ này rất thấp. Đồng thời chiến lược phát triển doanh nghiệp của Chính phủ từ nay đến năm 2015 ta đạt được 500 ngàn doanh nghiệp. Trong Báo cáo của Chính phủ vốn bình quân của các doanh nghiệp mới thành lập chỉ có 6 tỷ thôi. Nếu như ta để 10 tỷ thì thị trường chứng khoán chỉ là sân chơi của những doanh nghiệp lớn, đương nhiên ta loại khỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra. Mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một tỷ lệ đa số trong doanh nghiệp hiện nay. Cho nên tôi đề nghị ta hạ thấp điều kiện thứ nhất là về vốn xuống là 5 tỷ mới tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ. Bởi các doanh nghiệp nhỏ mới có bình quân 6 tỷ, nếu như vay ngân hàng thì rất khó, bởi vì ngân hàng hiện nay vay theo điều kiện, theo tỷ lệ. Nếu doanh nghiệp nhóm A thì mới đạt được 30-70. Anh có 30 vốn chủ sở hữu thì ngân hàng mới cho vay 70, mà người ta đều muốn đầu tư mở rộng sản xuất. Cho nên ta hạn chế như thế này thì người ta không có cơ hội. Mà ngay bây giờ ta lại điều chỉnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào phạm vi điều chỉnh của luật nữa. Cho nên loại người ta ra khỏi cơ hội đó, chính vì lý do như thế cho nên tôi đề nghị ta hạ xuống 5 tỷ.

Đề nghị Ban soạn thảo, Khoản 2 là điều kiện về vốn, tức là anh đã niêm yết thì điều kiện niêm yết là năm liền kề anh không bị lỗ, thứ hai là anh không bị lỗ lũy kế, thì đây ta lại đưa ra sửa điều kiện là đối với tổ chức tín dụng, riêng tổ chức tín dụng lỗ cũng được phát hành, đưa điều này thì tôi không đồng ý bởi vì tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp. Bây giờ nếu anh vì mục tiêu 3.000 tỷ mà anh lỗ anh không giữ được 3.000 tỷ này thì đương nhiên anh lại tạo cho nhà đầu tư một rủi ro, hơn nữa đã là doanh nghiệp thì trong bất kỳ doanh nghiệp nào chúng ta cũng đòi hỏi một tính công bằng nhau. Theo tôi về luật thì không nên có loại trừ, tôi không đồng ý. Thường có những đồng chí đưa ra là tổ chức tín dụng có những đặc thù, ngay kể cả công bố thông tin đó và nếu lỡ công bố thông tin lên thì ảnh hưởng, theo tôi như vậy cũng không nên, như vậy cách công bố thông tin của anh như thế nào thôi. Nếu anh sợ thế nọ, sợ thế kia anh không công bố thông tin mà trong luật của ta yêu cầu công bố thông tin một cách minh bạch, chính xác thì tôi đề nghị đã là doanh nghiệp niêm yết trên sàn thì đều như nhau hết, tất cả mọi điều kiện luật như nhau hết chứ không nên có tính loại trừ.

Điều thứ hai, tôi cần đề nghị sửa là Khoản 1, Điều 20 về hiệu lực đăng ký chào bán chứng khoán. Hiện nay đang quy định là khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhận hồ sơ niêm yết thì thẩm định trong thời gian 30 ngày, theo tôi 30 ngày là dài quá, tôi đề nghị xuống 15 ngày. Vì 30 ngày vừa qua nên hiện nay thị trường chứng khoán có rất nhiều doanh nghiệp đều muốn thu hút vốn để đầu tư, không phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, bởi vì nếu vay ngân hàng thì những doanh nghiệp nhỏ dù điều kiện có loại A chăng nữa thì cũng 30 - 70. Hiện nay có 574 doanh nghiệp niêm yết thì số niêm yết đến bây giờ vì sao niêm yết như thế? Lý do thứ nhất là về vốn, bởi vì ta khống chế 10 tỷ, cho nên hiện nay các doanh nghiệp ta do vốn ít, thủ tục hành chính ở đây chính là 30 ngày, đồng thời trong bản cáo bạch cũng rất kỹ, rất chi tiết. Theo tôi cái cáo bạch, cái kiểm toán thì tôi đồng ý đã lên thông tin thì phải chi tiết, thật kỹ. Chính vì một số doanh nghiệp ngại và tôi cũng đã theo Luật doanh nghiệp và cũng đã hỏi một số bạn bè, một số doanh nghiệp là tại sao đề cập như vậy mà anh không lên sàn, vì điều kiện như vậy nên người ta cũng không muốn.

 

Các văn bản liên quan