Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hảo – Hải Dương

Thứ Năm 14:23 11-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình sự cần thiết sửa đổi Luật chứng khoán như Tờ trình của Chính phủ, cơ bản nhất trí với bản Báo cáo giám sát của Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Luật chứng khoán ra đời năm 2006 tạo được hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, phát huy vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, Luật chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, luật hiện hành chưa có cơ sở thực sự để bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thiểu số, một số nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư chưa được cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi cần phải sửa luật để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, giảm thiểu những hành vi vi phạm, nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó giúp thị trường chứng khoán phát triển theo hướng tích cực và bền vững. Để góp ý với dự thảo Luật, tôi xin nêu 3 vấn đề:

Một, về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ, Luật chứng khoán hiện hành chưa điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, trong khi Luật doanh nghiệp cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, việc quản lý hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ trong thời gian qua rất khó thực hiện, nếu như không muốn nói gần như bỏ ngỏ. Thực tế đó khiến nhà đầu tư mua bán cổ phiếu chứng khoán riêng lẻ có thể sẽ gặp nhiều rủi ro hơn là mua cổ phiếu của các công ty chào bán ra công chúng. Vì vậy, xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tôi đồng ý với sự mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ như Dự thảo.

Tôi cũng thống nhất quan điểm quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán chứng khoán riêng lẻ tối thiểu là 1 năm. Hạn chế chuyển nhượng cổ phần nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành số lượng hạn chế, rồi chào bán tiếp ra công chúng, tránh sự kiểm soát và quản lý của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến thị trường. Tuy nhiên thời gian 1 năm là quá dài và có thể xuất hiện nhiều rủi ro, nên thay vì tham gia cổ phần phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường tập trung vừa tránh được rủi ro thanh khoản, vừa không bị hạn chế về thời gian chuyển nhượng. Xét trong diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay qui định như vậy là quá khắt khe, không tạo ra sự hấp dẫn để thu hút được nhà đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chưa có điều kiện niêm yết trên thị trường tập trung.

Với qui định như dự thảo luật khi muốn tăng vốn doanh nghiệp ít có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chia cổ tức bằng cổ phiếu vừa phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp rất khó khăn cho huy động vốn cần thiết để phát triển trong bối cảnh ngân hàng chưa thực sự tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp như hiện nay, kế hoạch tăng vốn của các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy Chính phủ cần sớm có qui định pháp lý để tháo gỡ tình trạng này.

Vấn đề thứ hai, về công bố thông tin. Việc mở rộng công bố thông tin như dự thảo luật là rất cần thiết đối với thị trường chứng khoán, ngoài những tổ chức tham gia thị trường chứng khoán qui định tại luật hiện hành, tôi đồng ý việc đưa thêm trung tâm lưu ký chứng khoán người có liên quan và công ty đại chúng có quy mô lớn phải có nghĩa vụ công bố thông tin. Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác và kịp thời, điều đó vô cùng quan trọng. Vì một trong những đặc điểm quan trọng của thị trường chứng khoán là tính minh bạch được thể hiện qua việc công khai hóa thông tin. Với đặc thù của thị trường chứng khoán, cốt lõi của việc công khai hóa thông tin vẫn là mức độ tin cậy của những thông tin đó. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động thực tế cho thấy nếu chỉ qui định về những công bố thông tin của các chủ thể như dự thảo luật thì cũng khó kiểm soát, giám sát một cách thực chất của các hoạt động này. Việc đánh giá mức độ tin cậy của thông tin đó rất khó chuẩn xác. Do vậy, cần bổ sung về việc công bố thông tin trong giao dịch chứng khoán, vấn đề thông tin sai lệch và thiếu trung thực. Trên cơ sở đó các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán nâng cao tính trách nhiệm, công khai hóa thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và là nền tảng cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững.

Vấn đề thứ ba là về quy định chào bán chứng khoán ra công chúng. Dự thảo bổ sung điều kiện có kế hoạch và cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời gian là 6 tháng với giải thích là việc bổ sung này nhằm thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức và để phù hợp với điều kiện năng lực quản lý đối với giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên điều còn băn khoăn của các doanh nghiệp hiện nay là quy định này có phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật doanh nghiệp hay không là doanh nghiệp được quyền tự chủ quyết định các công việc kinh doanh hay không. Việc một công ty đại chúng có tham gia thị trường tập trung hay không là phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của doanh nghiệp đó. Theo tôi quy định như dự thảo luật là thiếu tính thống nhất với Luật doanh nghiệp.

Ngoài ra dự thảo luật còn chưa bao quát hết những thực tế đang xảy ra như chưa quy định việc giao dịch ký quỹ trong khi đó Bộ Tài chính đã có dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch chứng khoán ký quỹ. Đây là một vấn đề mới nhưng cần thiết trong thị trường chứng khoán, vì vậy luật nên quy định về vấn đề này.

Trên đây là ý kiến của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan