Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh – Bắc Kạn

Thứ Năm 14:10 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi cơ bản đồng tình, tôi xin được tham gia một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có hoạt động khoáng sản. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định: tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, duy tu hạ tầng kỹ thuật trong vận chuyển khoáng sản. Vì trong thực tế việc khai thác các loại quặng, vật liệu xây dựng là thường phải vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi sử dụng, chế biến, làm giàu hàm lượng quặng, trong quá trình vận chuyển làm hư hỏng tuyến đường giao thông rất nghiêm trọng. Khai thác ở tỉnh này nhưng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất ở tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh ráp ranh, mà nguồn thu từ hoạt động khoáng sản trong chính sách hiện hành của chúng ta là rất thấp, trong khi đó địa phương không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Do vậy đề nghị tổ chức, cá nhân không chỉ có trách nhiệm hỗ trợ nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khai thác khoáng sản, mà cả trong hoạt động vận chuyển khoáng sản. Đồng thời cần quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản có trách nhiệm trích tỷ lệ phần trăm nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ cải tạo, sửa chữa hạ tầng trong hoạt động khai thác khoáng sản, vận chuyển khoáng sản. Vì nếu quy định như trong dự thảo luật thì địa phương có hoạt động khoáng sản không biết được tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sẽ trích, hỗ trợ như thế nào, tỷ lệ hỗ trợ bao nhiêu. Và điều này sẽ gây khó khăn cho địa phương trong việc lập, thực hiện dự án duy tu, cải tạo hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng hoặc bị thiệt hại trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Nôi dung thứ hai, về giấy phép thăm dò khoáng sản, trong dự thảo luật có quy định thời hạn tối đa cho giấy phép thăm dò khoáng sản là không quá 48 tháng và có thể gia hạn, nhưng tổng số thời gian gia hạn không quá 48 tháng cho tất cả các loại khoáng sản và quy mô khác nhau là chưa phù hợp. Vì hiện nay trong thực tế việc thăm dò là vừa thăm dò, vừa lợi dụng khai thác đối với khoáng sản là vàng, là đá quý diễn ra khá phổ biến. Thường các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thăm dò đề nghị gia hạn giấy phép thăm dò và cử tri cho rằng việc hoàn thành thăm dò khoáng sản xong, có thể khoáng sản là vàng cũng bị khai thác gần hết, mà địa lý ở khu vực thăm dò chủ yếu là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, chính quyền địa phương không thể quản lý được. Do vậy tôi đề nghị cần căn cứ vào kết quả điều tra, quy mô của từng loại khoáng sản, có thể quy định thời gian thăm dò từng loại cho phù hợp.

Về nội dung thứ ba, về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tôi đồng ý khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản phải có thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đây là cơ chế mới trong quản lý nguồn thu từ hoạt động khoáng sản và phần nào khắc phục được những hạn chế trong luật hiện hành. Tuy nhiên tôi đề nghị, cần qui định đối với nhóm khoáng sản nào, qui mô nào, thì việc thu tiền, cấp quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá và loại nào thì không nhất thiết qua hình thức đấu giá, nội dung này chưa được đề cập cụ thể trong dự thảo luật và cũng như trong dự thảo nghị định của Chính phủ.

Về nội dung thứ tư, về thẩm quyền cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, tôi đồng tình với dư thảo luật về phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản tại các khu vực phân tán nhỏ lẻ đã được Bộ tài nguyên và môi trường khoanh định và công bố. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lãnh thổ, đại diện quyền sở hữu tài nguyên của nhân dân trong tỉnh, nên việc giao thẩm quyền đối với việc sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn là phù hợp. Tuy nhiên để hạn chế tình trạng cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản tràn lan cả ở địa phương và cả ở Trung ương, tôi đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền phân cấp đối với các hoạt động khoáng sản. Đồng thời đề nghị dự thảo luật cần có qui định định kỳ Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản của đất nước. Đối với tiêu chí qui định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ kèm theo dự thảo Nghị định của Chính phủ với qui mô trữ lượng trong dự thảo là chưa phù hợp và đề nghị cần tăng qui mô về tài nguyên trữ lượng khoáng sản cao hơn. Vì nếu qui định như trong dự thảo thì trên danh nghĩa là phân cấp cho địa phương nhưng thực tế là xiết chặt việc phân cấp cho địa phương trong việc cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản và sẽ bị lợi dụng chia nhỏ khu vực khoáng sản để cấp phép. Trên đây là ý kiến tham gia của tôi, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan