Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền – Khánh Hoà

Thứ Năm 14:09 28-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khoáng sản (sửa đổi). Sau đây, tôi xin góp ý thêm một số ý kiến đối với dự án luật này:

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật tại Điều 1, theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động chế biến khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, vấn đề này cũng đã đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nêu, tôi nhất trí với ý kiến này. Tuy nhiên, hoạt động chế biến khoáng sản theo định nghĩa tại Khoản 7, Điều 3 chưa tách cụ thể công đoạn nào thuộc hoạt động chế biến, công đoạn nào là phân loại làm giàu trong khai thác. Nếu không tách được cụ thể hoạt động này thì việc quy hoạch sẽ bị chồng chéo giữa quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản với quy hoạch ngành. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 3 dự thảo luật, việc chế biến đá khai thác tại mỏ thành các loại đá răm làm đường, đá răm cho xây dựng, đá khối chế biến thành đá ốp lát vì đây cũng là quá trình làm biến đổi hình dạng của khoáng sản sau khi khai thác, nhưng quá trình này gắn liền với quá trình khai thác. Như thế quá trình nêu trên là hoạt động chế biến hay là quá trình phân loại làm giàu.

Hai, về giải thích từ ngữ tại Điều 3, tôi đề nghị bổ sung thêm một số từ ngữ cần được giải thích để nội dung dự thảo được hiểu và vận dụng một cách thống nhất trong quá trình triển khai thi hành như là quy hoạch, thăm dò, khai thác và tập hợp một số từ ngữ được giải thích phân bổ rời rạc thành các nội dung khác của dự thảo. Để bổ sung một cách tập trung cho nội dung của Điều 3 như hoạt động khoáng sản tại Khoản 1, Điều 5, khu vực hoạt động khoáng sản tại Khoản 1, Điều 20. Khai thác, tận thu khoáng sản tại Điều 67 và tôi có một đề nghị đưa bùn khoáng vào nhóm khai khoáng sản cụ thể hoặc thêm vào Điều 3 để giải thích về hình khoáng.

Ba, về nguyên tắc hoạt động khoáng sản tại Điều 5, theo tôi nội dung đảm bảo khai thác triệt để khoáng sản tại Khoản 4 điều này chưa phù hợp, thậm chí mâu thuẫn với chính sách bảo vệ khai thác, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Khoản 2, Điều 4 của dự thảo, qui định như vậy có thể được hiểu là khai thác cạn kiệt khoáng sản. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp cả Điều 5 và Điều 11 về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của tổ chức, cá nhân.

Bốn, về khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ tại Điều 21. Theo qui định tại Điều 21 của dự thảo luật thì khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ là khu vực có khoáng sản chưa khai thác, chỉ phù hợp với hình thức khai thác nhỏ. Như vậy một số khu vực có khoáng sản nhỏ lẻ đang khai thác, khai thác theo qui định của pháp luật hiện hành có thuộc khu vực này không và có được phân định để khai thác không. Đồng thời khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ chỉ phù hợp với hình thức khai thác nhỏ theo tiêu chí của Chính phủ qui định. Nhưng việc thăm dò khai thác cũng phải tuân theo các qui định của luật này. Điều này có mâu thuẫn với chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ không? Vì hình thức khai thác nhỏ đồng thời khu vực khai thác khoáng sản này chắc chắn có trữ lượng ít. Do đó thời gian khai thác tuổi thọ của mỏ ngắn nên việc thăm dò khai thác phải tuân theo qui định của luật thì thời gian để hoàn thành các thủ tục là rất lâu.

Do vậy, tôi đề nghị đối với khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ không thuộc quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của cả nước nên giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh. Đồng thời Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ qui định cụ thể trình tự thủ tục phù hợp với thực tế tại địa phương để tiến hành cấp giấy phép thăm dò, cấp giấy phép khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Đề nghị này cũng phù hợp với qui định tại Khoản 2, Điều 31, qui định Chính phủ sẽ phân cấp và hướng dẫn việc lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi vì tôi nghĩ rằng Bộ Tài nguyên và môi trường khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên cả nước sẽ kéo dài thời gian, không đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Tập trung vào một bộ để khoanh định có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên 63 tỉnh, thành chắc chắn sẽ lâu hơn mỗi tỉnh, thành tự tiến hành khảo sát, điều tra, thu thập tài liệu để khoanh định đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh. Việc khoanh định đưa vào quy hoạch các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ của các tỉnh, thành phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài nguyên và môi trường trước khi phê duyệt.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 42 của dự thảo luật về nguyên tắc và điều kiện để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản là phải có đề án thăm dò phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Và quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 48 của dự thảo luật thì trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải có đề án thăm dò khoáng sản phù hợp với quy hoạch thăm dò khoáng sản để được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và môi trường khoanh định và công bố, không thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của cả nước và cũng không thuộc quy hoạch của địa phương.

Ngoài ra tại Điểm a, Khoản 2, Điều 54 dự thảo luật về nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng quy định có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt, trữ lượng phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản. Như vậy nếu căn cứ theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản thì các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ không thuộc đối tượng được cấp các loại giấy phép nêu trên, điều này sẽ rất khó khăn đối với cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thứ năm, về giám đốc điều hành mỏ. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 63 của dự thảo luật trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác tận thu, hộ kinh doanh khai thác khoáng sản không bắt buộc phải có giám đốc điều hành mỏ. Quy định như vậy là chưa công bằng, vì hộ kinh doanh và tổ chức có thể cùng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cùng loại khoáng sản, cùng quy mô về diện tích, công suất khai thác, nhưng hộ kinh doanh thì không bắt buộc phải có giám đốc điều hành mỏ nhưng tổ chức phải có giám đốc điều hành mỏ. Tiêu chuẩn đối với giám đốc điều hành mỏ có những quy định rất cụ thể, tuy nhiên hiện nay những người có trình độ chuyên môn như tiêu chuẩn quy định là không thể đáp ứng được. Đồng thời các khu vực khai thác cát, sỏi xây dựng được cấp giấy phép theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Chỉ thị 29 ngày 2/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi, dòng sông hoặc khai thác đá granit, sản xuất đá xẻ, san đất công trình cũng bắt buộc phải có giám đốc điều hành mỏ là chưa phù hợp.

Sáu, sử dụng đất khoáng sản tại Điều 25, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem lại nội dung đoạn: trường hợp khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt hoặc không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không phải thuê đất.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan