Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà – Gia Lai

Thứ Hai 09:55 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đóng góp một số ý kiến vào dự thảo dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau. Một, về quyền của người tiêu dùng qui định ở Điều 8, dự thảo luật qui định còn trùng lặp, chưa rõ ràng đầy đủ quyền của người tiêu dùng. Cụ thể tại Khoản 6, Điều 8 qui định: "quyền được cung cấp thông tin hướng đẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa dịch vụ". Theo tôi quyền dược cung cấp thông tin được qui định tại Khoản 2 điều này. Vì vậy, đề nghị gộp nội dung này vào Khoản 2 để tiện trong theo dõi và thi hành.

Thứ hai, về quyền được hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa dịch vụ. Qui định như vậy là chưa rõ ràng, ở đây lẽ ra phải qui định "quyền được giáo dục về kiến thức kỹ năng, nghĩa vụ và vai trò của người tiêu dùng". Để giúp họ trở thành người tiêu dùng khôn ngoan, thông thái, tự tin trong giao dịch với nhà sản xuất kinh doanh, biết tự bảo vệ mình trong mọi tình huống. Đồng thời khắc phục thực trạng người tiêu dùng thường xuyên bị xâm hại do không có thông tin đầy đủ chính xác, không đủ tiềm lực về kinh tế và thiếu khả năng tranh tụng tại tòa so với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ như trong thời gian vừa qua.

Mặt khác, trong thực tế việc tiếp thị hàng hóa và dịch vụ được thực hiện bởi nhiều đơn vị có tổ chức và bởi các nhà kinh doanh đã được huấn luyện. Còn người tiêu dùng thì không được giáo dục, đào tạo, cung cấp thông tin đầy đủ chính xác sẽ trở thành không bình đẳng về ví trị với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ là phía đang cố thuyết phục họ mua hàng hóa dịch vụ với các điều khoản và điều kiện giao dịch có lợi hơn cho nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa. Vì vậy, tôi đề nghị Khoản 6 quy định quyền được giáo dục về kiến thức, kỹ năng tiêu dùng.

Hai, về nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, xã hội quy định ở Điều 28. Trong thực tế người tiêu dùng không những thường xuyên bị xâm hại về chất lượng, số lượng mà còn bị xâm hại về giá cả hàng hóa dịch vụ. Hiện nay ngoài Bộ Công thương quản lý Nhà nước về giá thì chưa có tổ chức xã hội nào được quy định giúp người tiêu dùng xác định giá trị thực đối với hàng hóa, dịch vụ và sử dụng quyền của mình khi bị xâm hại nghiêm trọng, đó là quyền tẩy chay sản phẩm. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung 2 khoản vào điều này quy định về nội dung, khảo sát nghiên cứu thông báo giá của hàng hóa dịch vụ và hướng dẫn người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm xâm hại nghiêm trọng đến quyền của người tiêu dùng.

Ba, về trách nhiệm quản lý Nhà nước, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Chương V, mặc dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có những tiếp thu, chỉnh lý, giải thích về nội dung này. Nhưng với tôi, tôi bày tỏ sự nhất trí cao về việc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, để tránh việc phân công, phân cấp trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sơ hở trong quản lý. Kết quả là người tiêu dùng không biết tìm đến cơ quan nào, không biết ai có trách nhiệm để giải quyết vụ việc của mình. Vì vậy, đề nghị luật quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, của Ủy ban nhân dân các cấp trong họat động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bốn, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử quy định tại Khoản 3, Điều 14 và Khoản 2, Điều 20 của dự án luật. Giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử là giao kết đặc thù, có trình tự và điều kiện khác biệt so với giao kết truyền thống. Trong các trường hợp này người tiêu dùng thường trở nên yếu thế vì không được tham gia thỏa thuận, thương lượng, không trực tiếp được kiểm tra hàng hóa dịch vụ v.v...

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiện đã có nhiều quy định về vấn đề này, giải pháp trong Nghị định 57 năm 2006 của Chính Phủ; Luật Công nghệ thông tin năm 2006; đặc biệt là Thông tư 09 năm 2008 của Bộ Công thương.

Nội dung quy định đã khá đầy đủ và phần lớn đã tiếp cận với xu hướng điều chỉnh pháp luật của thế giới. Tuy nhiên, trong các văn bản giải pháp đó chưa có quy định nào cho phép người tiêu dùng có quyền rút khỏi hợp đồng, trả lại hàng hóa đã mua và không phải bồi thường khi giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử trong một thời gian nhất định như pháp luật của một số nước trên thế giới.

Để hoàn thiện Dự án luật, đề nghị Ban soạn thảo pháp điển hóa đầy đủ, chi tiết các nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử từ các văn bản dưới luật và bổ sung quy định về việc người tiêu dùng được quyền rút khỏi hợp đồng, trả lại hàng hóa đã mua mà không phải bồi thường trong một thời gian nhất định khi giao kết hợp đồng qua phương tiện điện tử.

Cân nhắc tính khả thi của nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 14 trong trường hợp giao kết hợp đồng qua điện thoại. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan