Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang

Thứ Hai 09:53 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin phép tham gia đóng góp một vài ý kiến tôi quan tâm đối với Dự án luật này.

Thứ nhất, về bố cục, tôi nhận thấy chưa có điều khoản nào quy định về quảng cáo, trong khi đó Pháp lệnh có quy định. Thực tế vấn đề quảng cáo sai sự thật, rất bức xúc trong nhân dân, nhiều người dân tin vào quảng cáo của báo đài, các cơ quan thông tin và các hình thức quảng cáo khác, cuối cùng tiền mất tật mang cho người dân, như vậy, ai bảo vệ quyền lợi cho họ. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào luật một số điều khoản quy định về vấn đề này để các tổ chức, cá nhân tham gia vào vấn đề quảng cáo có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Về Chương III, tên của Chương III dự thảo có ghi: "Trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"", tôi nhận thấy ghi như thế chưa đủ. Vì khi người dân bị ảnh hưởng về quyền lợi thì các tổ chức xã hội, ví dụ như tổ chức làm vườn, tổ chức Hội cây kiểng không thể nào giải quyết được những vấn đề này. Các tổ chức ví dụ như nông dân, phụ nữ, thanh niên v.v..., những tổ chức chính trị - xã hội là những tổ chức gần dân, người dân có những vấn đề gì thì họ hay đến những tổ chức này để yêu cầu giúp đỡ để giải quyết. Vì vậy tôi đề nghị Chương III nên quy định thêm vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại Điều 7, Khoản 2 có ghi: "Ủy ban nhân dân xã, phường, Ban quản lý các chợ thương mại theo hướng dẫn của chính quyền cấp trên và tự mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Song các tổ chức này không có chức năng thực hiện, mà chỉ có chức năng kiểm tra. Tôi đề nghị thêm từ "kiểm tra" trước từ "thực hiện" trong khoản này.

Tại Điều 11, Khoản 3 về xử lý vi phạm quyền lợi người tiêu dùng dự thảo luật có ghi: "Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng thì các cá nhân liên quan tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định". Tôi nhận thấy quy định như thế chưa chặt chẽ. Thế nào là "vi phạm nghiêm trọng" và "có thể" nghĩa là có hoặc không có.

Hai cụm từ trên nội dung còn chung chung, làm cho điều luật không đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm. Tôi đề nghị quy định cụ thể mức độ vi phạm, mức độ xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tại Điều 31, về nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội tôi thấy quy định như thế thiếu nội dung giám sát của các tổ chức này đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi đề nghị thêm nội dung thứ tám là giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng trong điều luật này tại nội dung 1, 2 3, 4, tôi rất băn khoăn vì tổ chức Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khó thực hiện được nội dung vì kinh phí chỉ được trả khi Nhà nước giao nhiệm vụ đó. Còn những nội dung khác mà không được thu thêm phí thì họ sẽ tổ chức thực hiện như thế nào. Vì vậy, tôi đề nghị nên làm rõ vấn đề này trong luật.

Ở Điều 39, Khoản 2 ghi biên bản hòa giải có chữ ký của bên tham gia hòa giải và chữ ký của tổ chức, cá nhân tham gia hòa giải qui định như vậy thì đối với những người không biết chữ không ký chữ ký mà họ điểm chỉ như vậy thì qui định sẽ thực hiện như thế nào, tôi đề nghị qui định cụ thể hơn. Trên đây là một vài ý kiến đóng góp của tôi, tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan