Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP Hà Nội

Thứ Hai 10:51 22-11-2010

Kính thưa đoàn Chủ toàn chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi cho rằng việc ban hành Luật kiểm toán độc lập là hết sức cần thiết, nhằm tạo khung pháp lý cao nhất cho ngành này và tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển, đáp ứng được sự phong phú, sự đa dạng của các hoạt động kinh tế, tài chính trong nền kinh tế thị trường cùng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Đóng góp cho dự thảo luật tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật, tôi thống nhất với tên gọi là Luật kiểm toán độc lập, với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Phạm vi điều chỉnh của luật nêu tại Điều 1, tôi đề nghị bổ sung nôi dung là luật này quy định về nguyên tắc, điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Đây là một nội dung rất quan trọng và trên thực tế đã được thể hiện rất rõ tại các Điều 20, Điều 21, Điều 22 cùng Chương III của dự thảo luật, tuy nhiên tại Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh còn thiếu nội dung này.

Thứ hai, về tổ chức nghề nghiệp kiểm toán, ở đây sau khi tôi rà soát lại Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, cũng như thiết kế của dự thảo luật, tôi thấy rằng tổ chức nghề nghiệp kiểm toán đã không được đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mà được thiết kế tại Điều 2 là đối tượng áp dụng. Tôi nghĩ thiết kế như thế này hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, về quản lý Nhà nước hoạt động kiểm toán độc lập, thứ nhất về thẩm quyền cấp phép, đình chỉ, thu hồi giấp phép thành lập hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán, chấp thuận thành lập chi nhánh hoặc công ty của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài nêu tại điểm đ, Khoản 2, Điều 10 và Điều 22. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp kiểm toán hiện đang thực hiện qua các Sở kế hoạch và đầu tư theo quy định của Luật doanh nghiệp. Số liệu trong các Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng sau khi có Luật doanh nghiệp năm 1999 thì số lượng các doanh nghiệp kiểm toán đã tăng nhanh và tăng đều qua các năm, cụ thể là năm 1999 chỉ có 2 công ty thì đến năm 2002 đã tăng thêm 10 công ty, đến 2006 đã tăng thêm 40 công ty, điều đó chứng tỏ việc cấp phép theo Luật doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề kiểm toán độc lập là một trong những mục tiêu mà luật này hướng tới.

Tôi cho rằng nếu hình thức cấp phép này đã được công nhận trên thực tế là tốt thì chúng ta nên tiếp tục phát huy. Từ trước đến nay kiểm toán luôn được xác định là ngành kinh doanh có điều kiện nên việc làm rõ điều kiện cần và đủ để được cấp phép là gì thì cũng cần được quy định cụ thể tại dự thảo luật để các doanh nghiệp hiểu rõ tự hoàn thiện mình, nếu đơn vị nào đáp ứng được các điều kiện cụ thể này thì sẽ được cấp phép. Về điểm này tôi thống nhất với ý kiến đề nghị của đại biểu Phạm Thị Loan, đại biểu Nhân và một số đại biểu khác đã phát biểu trước tôi.

Về việc tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên. Tôi đồng ý với dự thảo luật để Bộ Tài chính quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên để giảm tải công việc cho bộ, theo tôi về lâu dài cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn như quy định thi, nội dung cụ thể, chi tiết theo tiêu chuẩn chung quốc tế về kiểm toán và có một lộ trình thích hợp để có thể chuyển giao công việc này cho tổ chức nghề nghiệp thực hiện.

Về việc quy định không cho phép kiểm toán viên được hành nghề với tư cách là cá nhân mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán nêu tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15. Tại điểm này tôi rất chia sẻ ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch cũng như đại biểu Minh Hồng Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng về mặt nghiệp vụ thì kiểm toán viên độc lập khi đã được cấp chứng chỉ hoàn toàn có thể thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hay thực hiện dịch vụ tư vấn cho các đối tượng có nhu cầu.

Tuy nhiên, xét về một khía cạnh khác quy định như dự thảo luật vẫn là hợp lý vì nó đảm bảo ngăn ngừa các hành vi thông đồng giữa kiểm toán viên với đơn vị được kiểm toán, đồng thời giúp cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán được thuận lợi, tính trách nhiệm của cá nhân kiểm toán viên cũng được rõ ràng hơn. Mặt khác, ký hợp đồng kiểm toán với pháp nhân cũng giúp cho doanh nghiệp xác định được chi phí hợp lý theo đúng quy định hiện hành.

Về điều kiện đăng ký ngành nghề kiểm toán nêu tại Điểm d, Khoản 1, Điều 15 thì yêu cầu như sau: Kiểm toán viên phải có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp hoặc có chứng chỉ nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra là hiện nay theo cam kết WTO chúng ta cho phép các nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán của các nước thành viên khác được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới mà không cần phải có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam. Vậy qui định yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải biết tiếng Việt liệu có khả thi hay là không?

Tôi cũng đề nghị xem xét lại Khoản 1, Điều 35 của dự thảo luật vì qui định như điều này thì liệu chúng ta có loại trừ các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không có sự hiển diện thương mại tại Việt Nam ra khỏi danh sách các doanh nghiệp được thực hiện dịch vụ kiểm toán cho các đối tác tại Việt Nam hay không? qui định như vậy có tạo ra rào cản cho sự bắt đầu hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán khi các doanh nghiệp này phải đợi có danh sách được Bộ tài chính công bố hay không?

Bên cạnh đó tôi cũng chia sẻ ý kiến với đại biểu Trung Nhân và tôi cho rằng việc chúng ta cần đưa ra một yêu cầu các kiểm toán viên phải biết tối thiểu một ngoại ngữ thông dụng trong thương mại và giao dịch quốc tế, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga đối với các kiểm toán viên của chúng ta thì đây sẽ là một trong tiêu chuẩn để nâng cấp chất lượng của kiểm toán viên Việt Nam, thúc đẩy khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp kiểm toán trong nước ra quốc tế.

Về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, tôi xin đề nghị được xem xét và thiết kế lại hai điểm cụ thể như sau: Thứ nhất, việc qui định phải có số lượng kiểm toán viên tối thiểu là 5 người nêu tại Điểm b, Khoản 1, Điều 21. Tôi cho rằng qui định như vậy có thể hạn chế sự ra đời của các doanh nghiệp kiểm toán, sau 19 năm hoạt động đến nay chúng ta mới chỉ có 162 doanh nghiệp thực hiện dịch vụ kế toán, kiểm toán với số lượng 6700 người và mới chỉ có 1200 kiểm toán viên đủ điều kiện đăng ký hành nghề. Mặt khác dự thảo luật cũng qui định mỗi kiểm toán viên chỉ được làm việc tại một doanh nghiệp kiểm toán, nên việc nâng số lượng kiểm toán viên tối thiểu tới mức 3 người lên 5 người, mặc dù đến tận mùng 1 - 1 - 2012 mới áp dụng nhưng với số lượng sinh viên tài chính, kế toán, ngân hàng được đào tạo đại học hàng năm là không lớn thì đây sẽ là điều kiện khó khăn cho sự ra đời của doanh nghiệp kiểm toán. Hiện nay chúng ta đã có tới gần 500.000 doanh nghiệp trên toàn quốc và các doanh nghiệp này đều mong muốn được nâng cao kỹ năng quản trị của mình, đo đếm, định kỳ hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Do đó nhu cầu về kiểm toán hàng năm riêng từ phía các doanh nghiệp này là rất lớn. Vì vậy, cần xem xét lại quy định này để không tạo ra một nút thắt với nhu cầu chính đáng của xã hội.

Tôi đề nghị bỏ quy định về việc giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ nêu tại Khoản 3, Điều 22. Vì một mặt quy định này không phù hợp với pháp luật hiện hành, bởi tổng giám đốc, giám đốc là chức danh doanh nghiệp có thể thuê quản lý. Mặt khác, quy định như vậy sẽ hạn chế quyền được làm việc và cống hiến của đối tượng có chất xám, có kỹ năng, kinh nghiệm nhưng không có vốn hoặc không muốn tham gia góp vốn vào doanh nghiệp. Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi cho dự thảo luật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan