Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng – Nghệ An

Thứ Hai 10:50 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành việc cần có Luật Kiểm toán này, đây là yếu tố để chúng ta phát triển thị trường vốn, một trong những thành phần của kinh tế thị trường đầy đủ, cũng là cơ sở pháp lý để làm sao để phát triển ngành dịch vụ cao cấp này mà hiện nay còn đang rất mới mẻ, rất non trẻ. Khi chúng ta phát triển ngành dịch vụ cao cấp này cũng là góp phần để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường thành phần kinh tế, mang lại giá trị gia tăng cao. Chúng tôi nghĩ việc sử dụng và phát triển trí tuệ, chất xám vốn là thế mạnh con người Việt Nam ta.

Thứ hai, luật này tôi cho rằng chúng ta nêu vấn đề hành nghề kiểm toán, chính vì vậy chúng ta không nêu trong Điều 1 đơn vị nào, loại hình nào, doanh nghiệp nào được kiểm toán, ta sẽ dành cho Luật Doanh nghiệp, cho Luật Chứng khoán và các luật về đầu tư v.v...

Tiếp theo ý kiến của Trần Du Lịch, chúng tôi cũng đồng ý dịch vụ kiểm toán này hoạt động dựa chủ yếu vào khả năng trí tuệ chất xám của con người, gắn với nhân thân, gắn với năng lực chuyên môn, với phẩm chất đạo đức, đại biểu Trần Du Lịch đã phân tích rất đúng, như hành nghề bác sỹ, như một người làm kiến trúc sư, như một luật sư. Yếu tố vốn không đáng kể lắm, chủ yếu là chất xám, chủ yếu là kỹ năng, chủ yếu là phẩm chất đạo đức, sự trung thực của con người. Tôi cho Luật này nên xuất phát từ đó và khai thác đặc điểm này, đặc biệt sau này chúng ta sẽ hình thành tạo cơ sở pháp lý để chúng ta phát triển dịch vụ này. Không phải chỉ để cho chúng ta mà là cung cấp được dịch vụ này cho khu vực, thậm chí là ở tầm quốc tế.

Chúng tôi đề nghị không nên quan niệm kiểm toán viên là không được phép hành nghề độc lập, trong Điều 15, Khoản 5 khẳng định điều này rất rõ. Thường là nếu chúng ta căn cứ vào uy tín cá nhân thì uy tín này thậm chí còn dễ đảm bảo hơn là uy tín của một doanh nghiệp. Bởi vì họat động kiểm toán, chất lượng kiểm toán dựa vào uy tín cá nhân rất nhiều, từ đó cũng khuyến khích cho người ta để làm sao để người ta đảm bảo được uy tín cá nhân.

Chính vì vậy, tôi đề nghị thay vì khái niệm "kiểm toán viên hoạt động độc lập" thì nên xác định là "kiểm toán viên được phép hành nghề". Còn những kiểm toán viên khác giống như nhân viên giúp việc trong một công ty thì việc đó là bình thường. Nhưng làm sao để có thể chúng ta đào tạo, bồi dưỡng thi và có thể cấp được chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề. Vì vậy, đại biểu Trần Du Lịch cũng đã nói rồi, đây là loại hình doanh nghiệp đối nhân hoặc là doanh nghiệp tư nhân, hoặc là một văn phòng kiểm toán hoặc là công ty hợp danh, tức là các thành viên trong đó đều là những kiểm toán viên được phép hành nghề và chịu trách nhiệm vô hạn, chịu trách nhiệm liên đới đối với sản phẩm dịch vụ của mình làm ra.

Về vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, chúng tôi cũng đề nghị trước mắt Bộ Tài chính cấp chứng chỉ hành nghề này, nhưng trong lộ trình thì nên để hiệp hội. Bây giờ chúng ta đánh giá hiệp hội còn non trẻ nhưng đây là điểm mà chúng ta sẽ đi tới tức là hiệp hội sẽ phải lớn mạnh để làm sao thay mặt Nhà nước sẽ làm một số việc quản lý, trong đó có vấn đề bồi dưỡng, vấn đề dạy nghề này, rồi chúng ta tổ chức thi, chúng ta tổ chức kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của nghề, cũng tương tự như làm luật sư hiện nay như đại biểu Trần Du Lịch có nói.

Điểm thứ ba, khi thành lập doanh nghiệp chúng tôi đề nghị chúng ta thành lập doanh nghiệp thì trong dự thảo này hơi rắc rối và cũng có một cái gì đó không mang tinh thần của cải cách hành chính. Doanh nghiệp này cũng có thể làm những dịch vụ khác ngoài dịch vụ kiểm toán, cho nên họ phải được thành lập một cách bình thường ở tại Sở kế hoạch đầu tư bình thường. Khi đấy là một loại hình dịch vụ, loại hình hành nghề có điều kiện, cho nên khi mà doanh nghiệp thành lập, nhưng muốn được hành nghề kiểm toán thì phải có những điều kiện, đặc biệt các điều kiện đó gắn với các kiểm toán viên được hành nghề, có chứng chỉ hành nghề. Khi có những người này thì các doanh nghiệp đó chỉ cần đăng ký thôi. Việc đăng ký này theo tôi có thể đăng ký tại sở tài chính cũng được. Dành thời gian để cho Bộ Tài chính làm những việc vĩ mô hơn, bớt sa vào sự vụ.

Một ý kiến nữa về vấn đề giá trị Báo cáo kiểm toán. Chúng tôi thấy rằng: Báo cáo kiểm toán nếu chúng ta đặt vấn đề để bắt buộc doanh nghiệp kiểm toán phải chịu trách nhiệm hoàn toàn thì chắc cũng hơi oan. Phải làm sao để doanh nghiệp mà được kiểm toán hay bị kiểm toán đó cái đầu vào họ cung cấp các tài liệu như thế nào thì đầu ra là doanh nghiệp kiểm toán chịu trách nhiệm trên cơ sở đầu vào đó. Tất nhiên nếu họ thấy có gì bất hợp lý thì họ có quyền yêu cầu thông tin, họ có quyền yêu cầu giải trình, v.v. Nhưng ở đây nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của doanh nghiệp được kiểm toán. Cho nên ở Điều 6, Khoản 1, Điểm c có nói "Báo cáo kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả" thì chúng tôi nghĩ rằng chắc không phải. Họ đưa ra các con số, họ đánh giá rằng báo cáo này có trung thực hay không, nói là lãi 5%, 10% có đúng hay không, còn hiệu quả, hiệu lực, v.v. thì những người sử dụng báo cáo này sẽ là người đánh giá.

Ở Điều 62 về kiểm toán công ty có lợi ích công chúng. Ở đây chúng ta thấy có 2 mức trong dự thảo. Doanh nghiệp kiểm toán đã được hoạt động kiểm toán rồi, nhưng muốn kiểm toán công ty có lợi ích công chúng lại phải do Bộ Tài chính chấp thuận nữa thì chúng tôi thấy vấn đề này rắc rối quá và nó lại đẻ ra những thủ tục không cần thiết. Đã được phép hành nghề kiểm toán thì cũng phải được phép kiểm toán tất cả mọi loại hình công ty, không cần phải có thêm một  tầng lớp nào nữa để xin phép, để chấp thuận. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan