Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Trịnh Hải – Ninh Bình
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Về Dự thảo Luật kiểm toán độc lập tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau.
Thứ nhất, tôi cũng nhất trí với cơ quan soạn thảo và với nhiều đại biểu Quốc hội là chúng ta sớm ban hành Luật kiểm toán độc lập để trên cơ sở này chúng ta cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác, minh bạch, hiệu quả trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó chúng ta đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp cũng như của Nhà nước.
Tôi cũng nhất trí với tên gọi của chúng ta là Luật kiểm toán độc lập, bởi vì trong hệ thống các cơ quan kiểm toán của chúng ta hiện nay theo quy định của pháp luật có 3 hệ thống cơ quan: Một là kiểm toán Nhà nước. Hai là kiểm toán độc lập. Ba là kiểm toán nội bộ. Tên gọi kiểm toán độc lập vừa thể hiện được tính độc lập của kiểm toán, đồng thời phân biệt rõ ràng giữa kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán của đơn vị.
Vấn đề thứ ba, tôi nhất trí cơ bản với Điều 6 về giá trị của báo cáo quyết toán, tôi thấy quy định này tương đối rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên qua theo dõi và kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy tình trạng hiện nay các báo cáo kiểm toán của các cơ quan có nhiều báo cáo kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng, chủ yếu ta đang thực hiện các dịch vụ về kiểm toán các hoạt động theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cho nên có nhiều báo cáo kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, thậm chí có những báo cáo phản ánh chưa đúng theo quy định của pháp luật. Các thông tin của các doanh nghiệp, hôm nay có thể công bố là lãi, nhưng một vài hôm sau công bố là lỗ. Do vậy, tôi cho rằng vấn đề hết sức quan trọng là làm thế nào để kiểm toán được nâng lên sau khi luật này được ban hành. Tôi tham gia mấy ý trong vấn đề nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán:
Thứ nhất, theo quy định của chuẩn mực kiểm toán tại Điều 5 của dự thảo luật quy định 3 điều, điều này rất quan trọng đó là quy định về một số nguyên tắc, quy định trình tự trong quá trình hoạt động của kiểm toán, các tiêu chí đánh giá về hoạt động của kiểm toán viên. Tuy nhiên, trong điều này có 3 khoản, trong đó có khoản giao cho Bộ Tài chính thực hiện quy trình và ban hành nội dung của từng loại chuẩn mực kiểm toán thì tôi cho rằng sẽ có hiệu quả hơn. Điểm thứ nhất tôi đề nghị như vậy.
Thứ hai, trong báo cáo kiểm toán tôi thấy chúng ta quy định tại Điều 53, dự thảo của luật mới quy định về nội dung của báo cáo kiểm toán chỉ mang tính hình thức, ví dụ chủ thể của đơn vị được kiểm toán, đơn vị được kiểm toán thế nào v.v.... mà chưa quy định rõ về nội dung của từng loại báo cáo kiểm toán như thế nào. Do vậy sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị được kiểm toán với đơn vị kiểm toán, nếu chi phí và dịch vụ kiểm toán thấp thì rõ ràng chất lượng kiểm toán sẽ không đảm bảo. Cho nên tôi đề nghị trong 8 loại hình dịch vụ kiểm toán nên chăng chúng ta phải có một số quy định cụ thể về nội dung, hàm lượng của các báo cáo kiểm toán ở đây như thế nào. Ví dụ, trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính nên chăng chúng ta cũng phải thể hiện được một số nội dung. Ví dụ như đánh giá được tài sản cố định và đầu tư dài hạn như thế nào, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn như thế nào, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả của doanh nghiệp như thế nào, các khoản doanh thu, chi phí, thu nhập, các khoản phân chia như thế nào. Tôi cho rằng những quy định này bắt buộc các đơn vị kiểm toán phải thực hiện các nội dung kiểm toán để làm sao chúng ta đánh giá được chất lượng và hiệu quả các khoản báo cáo ở đây. Tôi đề nghị vấn đề thứ ba là như vậy.
Tôi nhất trí với dự thảo luật và cũng nhất trí như nhiều đại biểu là quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về kiểm toán độc lập thì giao cho Bộ Tài chính là hoàn toàn phù hợp. Hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán đây là hoạt động mang tính chất đặc thù, chuyên môn cao, cho nên phải có chuyên ngành sâu về lĩnh vực này để tham gia vào quản lý. Ở đây tôi nhất trí với các Điều 13, 14, 15 trong dự thảo luật là giao cho Bộ Tài chính là cơ quan ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho kiểm toán viên, đồng thời cũng thu hồi các chứng chỉ kiểm toán viên khi không đủ các điều kiện. Đồng thời cũng giao cho Bộ Tài chính cấp giấy phép hành nghề đối với hoạt động kiểm toán. Như vậy tôi cho là phù hợp.
Tôi cũng nhất trí các hoạt động của kiểm toán viên hành nghề chưa được hoạt động trong kiểm toán đối với các doanh nghiệp mà không thực hiện việc kiểm toán độc lập. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng và hiệu quả các hoạt động của kiểm toán độc lập. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.