Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Hai 09:50 22-11-2010

Kính thưa quý vị Chủ tọa,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Nếu cho phép nói một cách khái quát thì tôi thấy là dự thảo luật này đã được chuẩn bị rất công phu với một trình độ chuyên môn cao, nhưng rất khó đọc. Trong khi đó luật này là luật rất quan trọng, thiết thân đối với mỗi một người dân, tôi cũng xin đề nghị như đại biểu Đặng Như Lợi là làm sao viết luật giản dị hơn và nó gần gũi với cuộc sống hơn hay nói một cách có hình ảnh là làm sao thổi được hơi thở của cuộc sống thường nhật vào luật để người dân dễ đọc hơn. Bây giờ tôi xin có ý kiến vào 4 vấn đề cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất là về khái niệm thì có thể nói các khái niệm giải thích ở Điều 3 chúng tôi thấy rất xúc tích và chuẩn xác. Nhưng khi triển khai các nội dung khác của luật thì bỗng dưng nó phát sinh một số vấn đề về các mối quan hệ liên quan đến các khái niệm đã giải thích ở Điều 3. Ví dụ, đọc Khoản 2, Điều 9 thì chúng tôi thấy đặt ra vấn đề quan hệ giữa chuẩn đo lường với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì chúng tôi đề nghị giải thích làm sao cho nó rõ hơn vấn đề này. Hay đọc Điều 11 thì chúng tôi thấy chuẩn nếu theo Khoản 2 thì nó là phương tiện kỹ thuật đo cụ thể, nhưng nếu theo Khoản 1 thì nó lại là những quy định như quy chuẩn. Chúng tôi đề nghị giải thích những điều này làm sao để cho nó hoàn toàn thống nhất các khái niệm với nhau.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi xin trình bày là về đơn vị đo. Tại Khoản 1, Điều 7 quy định chúng ta thấy đơn vị đo chủ yếu ở nước ta là đơn vị đo thuộc hệ đo quốc tế SI. Nhưng Khoản 2 thì có bổ sung các đơn vị đo khác theo quy định, chúng tôi đề nghị là cũng phải nói rõ những đơn vị đo khác là những đơn vị đo nào? Tôi hiểu đây là những đơn vị đo của hệ Anh như bằng dặm, bằng poun v.v... những đơn vị đo truyền thống như đồng cân, lạng, mẫu, sào v.v... mình có mở rộng đến đấu, đến thưng không, theo tôi luật cũng phải quy định rõ. Ở đây có nói các đơn vị khác theo quy định thì phải giao nhiệm vụ cho ai quy định, chắc chắn là phải giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và công nghệ quy định.

Vấn đề thứ ba, về tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đo lường, chúng tôi xin đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập và điều kiện hoạt động của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để một mặt chúng ta đẩy mạnh xã hội hóa, mặt thứ hai là bảo vệ quyền lợi của người dân, của các doanh nghiệp.

Nội dung thứ hai của vấn đề thứ ba, theo tôi cần xác định rõ hơn quan hệ giữa 2 yêu cầu bảo mật và báo cáo công khai, các tổ chức hiệu chuẩn, kiểm định, thử nghiệm này phải có trách nhiệm bảo mật những thông tin kiểm định được, đồng thời khi phát hiện ra các phương tiện đo có sai sót, không chuẩn xác thì phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý Nhà nước. Bây giờ mình phải quy định trong trường hợp nào mình công khai, trong trường hợp nào mình bảo mật, khi các cơ quan quản lý Nhà nước nhận báo cáo này thì xử lý như thế nào, theo tôi nên quy định ngay.

Nội dung thứ ba của vấn đề thứ ba, chuyện trả tiền ở Điều 41, theo tôi nên quy định trường hợp tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh sử dụng phương tiện đo lường đặt hàng cho các tổ chức hiệu chuẩn, kiểm định, thử nghiệm thì họ phải trả tiền. Trường hợp cơ quan Nhà nước kiểm tra, nếu là kiểm tra thông thường thì Nhà nước phải chi tiền, kể cả phát hiện ra sai sót của đơn vị sử dụng phương tiện đo, Nhà nước vẫn chi tiền nhưng kiểm tra đột xuất do có nghi ngờ hay do có báo cáo là phương tiện này sai một cách nghiêm trọng thì lúc ấy người làm sai thì sẽ phải trả tiền.

Thứ ba là trường hợp người tiêu dùng và người sử dụng do nghi vấn mà yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước giao cho các tổ chức kiểm định này người ta thử nghiệm thì trong trường hợp ấy nếu như người làm sai là tổ chức cá nhân sản xuất hay sử dụng các phương tiện đo lường ấy thì người làm sai ấy phải trả tiền. Còn trong trường hợp người ta đúng thì người đặt hàng ấy phải trả tiền, mình nên quy định rõ như thế thì tốt hơn.

Thứ tư, về kiểm tra, xử lý ở đây tôi tán thành với dự thảo luật viết rất kỹ phần kiểm tra, vấn đề này ý kiến của tôi hơi khác với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, tôi cho đây là một hoạt động vô cùng quan trọng, nhân dân cũng trông đợi vào hoạt động này cho nên viết kỹ như thế này là đúng. Nhưng thú thật tôi cũng chưa phân biệt được ở trong luật này giữa kiểm tra và thanh tra khác nhau như thế nào. Thanh tra thì có Luật thanh tra rồi, cho nên mình viết rất gọn nhưng tôi cảm thấy giữa hai nội dung này, không phải chỉ ở luật này đâu mà nhiều luật khác chúng ta cũng chưa phân biệt thật rõ.

Về thành phần đoàn kiểm tra ở Khoản 2, Điều 41 quy định trong đoàn ít nhất phải có một người có chứng chỉ đã được đào tạo tập huấn về đo lường, tôi cho 1 người thì ít quá và cũng dễ chủ quan, một mình ông này mà có chứng chỉ thì ông dễ áp đặt kết luận của ông lên đoàn kiểm tra. Tôi cho là nên có 3 người thì tốt hơn, ít nhất phải có 3 người.

Về xử lý sai phạm quy định ở Điều 47 thì có 2 vấn đề đặt ra.

Vấn đề thứ nhất là căn cứ tính số lượng sản phẩm hàng hóa bị cân, đo sai là gì, không phải mình cứ phát hiện ra trường hợp nào cân, đo sai là mình xử lý, phạt trường hợp ấy gấp 5 lần thì cũng không ăn thua gì mà phải xem số hàng hóa ấy bán ở trong ngày là bao nhiêu thì mình nhân với giá trị của nó lúc đó mình phạt thì mới có giá trị và mới có tác dụng răn đe.

Thứ hai, cũng phải đặt vấn đề có biện pháp như thế nào để xử lý các phương tiện đo, hàng hóa bao gói sẵn bị cân đo sai. Theo tôi trong trường hợp này tối thiểu phải buộc khắc phục lỗi và phải có quy định thu hồi hay tịch thu hàng hóa bao gói sẵn hoặc những phương tiện cân đo sai. Đó là một số điểm chúng tôi xin góp ý, ngoài ra còn một vài chi tiết kỹ thuật chúng tôi xin phát biểu sau. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan