Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Quý – Tuyên Quang

Thứ Hai 09:51 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với nhiều nội dung các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tôi mong muốn Ban soạn thảo sau buổi thảo luận này thể hiện lại dự án luật này theo hướng cụ thể hơn, vì đây là luật chuyên ngành sâu, khi thực hiện thì bất kỳ người dân nào cũng có thể đọc hiểu và sử dụng được luật này.

Tôi xin phép được tham gia vào một số nội dung, những nội dung này chúng tôi đã phát biểu tại thảo luận tổ nhưng chưa được tổng hợp trong kết quả tổng hợp ý kiến tại tổ. Tôi xin phát biểu thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, phải quy định ngay trong luật đơn vị đo lường, đơn vị đo dẫn suất, bội và ước thập phân của đơn vị đo. Quy định như vậy để chúng ta thống nhất áp dụng.

Thứ hai, một nội dung rất quan trọng mà từ đầu giờ chiều tới giờ chưa có đại biểu nào phát biểu. Ở đây phải quy định sai số cho phép đo, nếu không có quy định này thì khó xử lý. Ví dụ một người ra chợ mua 1 kg thịt, nhưng thực tế về cân chỉ được 0,8kg, bây giờ quay lại kiện ông bán thịt thì ông bảo không, sai số của tôi được phép 20%, thế thì có kiện được không? vấn đề này tôi đề nghị phải qui định cụ thể, chứ  nếu không là không có cơ sở pháp lý để xử phạt.

Thứ hai, tôi đề nghị phải qui định danh mục phương tiện đo phải kiểm định và kiểm định định kỳ cũng phải được qui định cụ thể trong luật làm cơ sở để chúng ta thực hiện. Hai nữa là về nguyên tắc hoạt động đo lường tôi đồng tình với nguyên tắc nêu ra tại Điều 4, đó là phải đảm bảo tính thống nhất, chính xác, rồi đảm bảo công bằng giữa các bên liên quan trong quá trình mua, bán, thanh toán hàng hóa dịch vụ và liên quan đến điều này tôi đề nghị trong luật phải qui định rõ: đề nghị bên bán hàng không được phép kiểm định và kiểm định lại thiết bị đo để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Vấn đề này tôi đề nghị qui định ngay cụ thể trong luật và qui định như vậy, tôi đọc báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về đo lường của Ban soạn thảo có gửi kèm theo đây, tôi thấy như thế này, trong này có nêu theo thống kê của Tổng cục đo lường chất lượng năm 2006 thì hệ thống này chỉ kiểm định được khoảng 6% số phương tiện cần đo kiểm định so với số phương tiện cần kiểm định là 28 triệu. Như vậy Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương không phát huy được hiệu quả đầu tư chỉ sử dụng được một phần nhỏ công suất thiết bị. Chính vì chúng ta sơ hở chỗ là gì? chúng ta cho phép bên bán được phép tự kiểm định, như vậy họ không dại gì họ mang phương tiện đo của người ta đi đến chỗ Chi cục kiểm định. Như vậy rõ ràng chúng ta đầu tư rất lớn vào hệ thống, vào các Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng cuối cùng không có việc để làm.

Ở đây trong báo cáo tổng kết này cũng nói đối với doanh nghiệp phải quản lý và sử dụng phương tiện đo điển hình là các điện lực tỉnh, thành phố đã tự kiểm định, định kỳ phần lớn các phương tiện đo do mình quản lý. Năm 2008 các tổ chức này đã kiểm định và kiểm định được 5,6 triệu phương tiện đo trong sử dụng, chiếm gần 30% số phương tiện đo đang sử dụng phải được kiểm định. Như vậy, tôi thấy thông tin này rất quan trọng để chúng ta cần nghiên cứu để điều chỉnh trong dự án luật này là dứt khoát đơn vị bán không được kiểm định và kiểm định lại các thiết bị đo.

Nội dung thứ ba, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng ở Điều 29 trong dự thảo luật. Tôi rất đồng tình và tôi đề nghị cần phải có quy định bắt buộc, tức là người tiêu dùng có quyền như yêu cầu người bán, ở đây có nhiều đại biểu ghi là nó phải mang tính bắt buộc hơn, tức là người bán phải tạo điều kiện thuận lợi để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo lượng hàng hóa đã mua. Thực tế đã xảy ra, ví dụ như đo xăng dầu. Trước đây chúng ta chưa quy định rõ cho nên người bán xăng cứ bán cho người này, nhưng không đưa đồng hồ về số 0, người ta lại tiếp tục đong cho người khác, liên tục như thế cho nên người mua cuối không biết của mình xuất phát từ số bao nhiêu. Sau này, rất hoan nghênh ngành xăng dầu có quy định rất cụ thể về việc này. Nhưng hiện nay có một vấn đề trong ngành điện. Như chúng ta đều biết là Luật điện lực do Quốc hội thông qua. Trong Luật điện lực ghi rất rõ là vị trí đặt đồng hồ đo là do hai bên thỏa thuận, nhưng thực tế điều này như các đại biểu đã biết là không thực hiện được và cuối cùng là người tiêu dùng bị ngành điện áp đặt nơi đặt đồng hồ đo. Vì người dân không thể tự kiểm tra được phương tiện đo nên đã dẫn tới bên bán hàng đã lợi dụng để vi phạm quyền lợi của khách hàng, nhưng khi phát hiện thì không thể xử lý được. Tuy nhiên, việc này không phải mang tính chất là nhiều, nhưng tôi đã chứng kiến một vài trường hợp xảy ra, vì người sử dụng điện không biết được chỉ số đồng hồ của mình hàng tháng là bao nhiêu mà ngành điện có giá bán điện theo bậc thang,  bán điện theo giờ cao điểm, thấp điểm. Tôi ví dụ chúng ta quy định 50 số đầu tiên là giá thấp, từ số 51 đến số 100 giá cao lên rất nhiều, từ trên 100 đến 150 cao hơn nữa, tháng này chúng ta dùng hết 100 số, người ta chỉ tính có 50, tháng sau lại dùng 100 số họ cũng chỉ tính 50 thôi đến tháng thứ ba đùng một cái lên 200 số. Người dân đi kiện không kiện được bởi vì tổng cộng điện năng dùng với chỉ số đồng hồ đo hiện tại là đúng, bây giờ mất chứng cứ không kiện được.

Một vấn đề nữa, hiện nay ngành điện và một số ngành người ta dùng các thiết bị đo điện tử mà những người chuyên ngành cũng chịu không đọc được. Tôi nói ví dụ công tơ điện tử đặt ở đó nhưng mà ngó vào không xem được, phải có các thiết bị phần mềm mang đến điều khiển mới xem được, thậm chí ngành điện người ta cũng không phải leo lên cột, người ta ngồi ở nhà người ta dùng máy tính người ta đọc được rồi, như vậy thì đúng là người tiêu dùng không thể nào mà kiểm tra được mình dùng như thế nào. Tôi cho rằng luật lần này phải có quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tôi xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan