Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 15:10 28-03-2011

Tôi xin được phép phát biểu về 2 nội dung theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp.

Nội dung thứ nhất là việc Bộ tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và Sở kế hoạch và đầu tư cấp giấy đăng ký kinh doanh được quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 11 của dự luật. Ở đây theo tôi cần phân biệt 3 loại giấy để xác định cơ quan nào cấp các giấy này là phù hợp.

Loại giấy thứ nhất là chứng chỉ kiểm toán viên. Loại giấy này ở các nước như Anh, Úc, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia thì do tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán cấp. Nhưng theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trước mắt Bộ tài chính sẽ cấp giấy chứng chỉ kiểm toán viên với mấy lý do sau.

Lý do thứ nhất là tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán ở nước ta chưa mạnh.

Thứ hai, điều kiện như cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy còn hạn chế, chưa hoàn chỉnh. Nên chưa giao ngay việc cấp giấy chứng chỉ kiểm toán viên cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên.

Tôi cho rằng lập luận trên đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng sau này một khi tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán có đủ nguồn lực và điều kiện cần thiết thì theo tôi phải bàn giao ngay nhiệm vụ này cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Loại giấy thứ hai là giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Đây là loại giấy tờ dành riêng cho loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện như các cơ sở chữa bệnh, văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng v.v... Nên theo tôi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán giao cho Bộ tài chính cấp là phù hợp.

Loại giấy thứ ba là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong thực tế hiện nay hầu hết các doanh nghiệp khi bắt đầu hoạt động đều phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán cũng là một loại hình doanh nghiệp nên phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư như các loại hình kinh doanh khác. Tóm lại, tôi đồng tình với quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 11 của dự thảo luật.

Nội dung thứ hai, điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên Điều 15. Tôi ủng hộ phương án 1, không bắt buộc kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Nhưng tôi đề nghị chỉnh sửa Khoản 2, Điều 12 của dự luật như sau: Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên kiểm toán hành nghề và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Bởi vì theo tôi kiểm toán viên phải trung thực và khách quan. Nên giao cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán kiểm tra, giám sát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên là rất cần thiết. Nhưng theo tôi giao cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập là không phù hợp. Bởi vì chỉ có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề mới có chức năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập. Còn tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán thì không có chức năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán. Xin cảm ơn Đoàn Chủ tịch và các vị đại biểu Quốc hội.

Các văn bản liên quan