Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng – Tiền Giang

Thứ Hai 10:03 22-11-2010

Kính thưa Đoàn chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật Lưu trữ có kèm những tài liệu trình cùng dự án luật và Báo cáo kiểm tra của Ủy ban Pháp luật, tôi xin được tham gia ý kiến như sau.

Thứ nhất, tôi tán thành với sự cần thiết ban hành luật, với mục đích, yêu cầu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng luật. Có thể nói hàng chục năm qua công tác lưu trữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và cũng thấy rằng hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ đã được phát huy trong bối cảnh xã hội phát triển với nhiều sự kiện lịch sử và trong nhiều giai đoạn lịch sử. Nhiều tài liệu lưu trữ đã phát huy giá trị, bảo đảm cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, hoạch định chiến lược, bảo đảm chủ quyền quốc gia, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chúng tôi thấy đội ngũ cán bộ lưu trữ đã được tăng cường, được đào tạo bài bản hơn, cơ sở sở vật chất, kho tàng, thiết bị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác lưu trữ đã được tốt hơn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi thấy thực trạng của công tác lưu trữ và quản lý tài liệu lưu  trữ vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng tài liệu phân tán các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tài liệu bao gói được giao nộp cho các cơ quan lưu trữ khá phổ biến, đặc biệt ở cấp cơ sở, các tài liệu phim ảnh, ghi âm mới thu được rất ít, công tác sưu tầm bổ sung tài liệu quý hiếm rất khó, cơ sở vật chất kho tàng cơ bản vẫn còn nghèo nàn, có nhiều nguy cơ dẫn đến tài liệu bị hư hỏng, mất mát, nhất là ở những nơi thường xuyên xảy ra bão lũ v.v... không loại trừ khả năng tài liệu lưu trữ đưa ra nước ngoài. Chính vì vậy, việc ban hành Luật sẽ giải quyết được những hạn chế và bất cập của Pháp lệnh lưu trữ hiện hành, khắc phục những bất cập về mặt pháp lý và mặt thực tiễn trong hoạt động lưu trữ.

Ý kiến thứ hai, về việc quản lý tài liệu lưu trữ thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, dự thảo luật kế thừa quy định của pháp luật về phông lưu trữ quốc gia Việt Nam gồm phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Nhưng hệ thống phông lưu trữ lịch sử để quản lý tài liệu phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam được giao cho 2 cơ quan là Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục văn thư lưu trữ Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ quản lý. Tại Khoản 3, Điều 36 quy định nội dung quản lý Nhà nước về lưu trữ đã ghi: "Quản lý Nhà nước thống nhất tài liệu phông lưu trữ quốc gia Việt Nam" Tôi cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật là giữ ổn định như hiện nay về hệ thống tổ chức lưu trữ để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho hoạt động của Đảng cũng như hoạt động lưu trữ phông Nhà nước nói riêng.

Tuy nhiên, tôi thấy cần nghiên cứu để thống nhất cơ chế quản lý và thống nhất các quy định chung về tổ chức hoạt động lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ kể cả 2 hệ thống này, làm cho Luật lưu trữ của chúng ta tới đây không chỉ có áp dụng đối với lưu trữ nhà nước, mà còn áp dụng đối với lưu trữ của Đảng. Tất nhiên trừ những quy định đặc thù đối với hoạt động lưu trữ của Đảng thì các cơ quan Đảng sẽ có những quy định riêng.

Trên thực tế quy định tại Khoản 1, Điều 19 của dự án luật này khi nói về thu thập tài liệu lưu trữ cũng đã thể hiện ý mà tôi vừa phát biểu ở trên. Có làm như vậy thì mới có thể xem xét được trách nhiệm khi vi phạm pháp luật về lưu trữ, đồng thời mới có thể tạo được điều kiện thống nhất về các tiêu chí đào tạo và nguồn nhân lực cũng như bảo đảm các trang thiết bị cho hệ thống lưu trữ của chúng ta.

Thứ ba, về tổ chức lưu trữ lịch sử. Trong dự thảo luật chủ trương là tổ chức lưu trữ lịch sử tại Trung ương và cấp tỉnh, không có ý tổ chức ở cấp huyện. Về vấn đề này tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ, cần phải đánh giá đúng những ưu điểm và hạn chế trong thời gian vừa qua. Cũng cần có nghiên cứu để thống nhất để áp dụng đối với cả lưu trữ của Đảng. Hiện nay trong Báo cáo của chính phủ chúng tôi thấy có 595/676 kho lưu trữ huyện ủy, còn đối với lưu trữ nhà nước thì các huyện có lưu trữ huyện thuộc phòng nội vụ. Nếu tới đây luật tinh giản tổ chức lưu trữ của huyện, thì cần nghiên cứu có nên tinh giản tổ chức lưu trữ của huyện ủy hay không? để tập trung về lưu trữ cấp tỉnh hay không? Mặt khác, thực tiễn tài liệu lưu trữ ở cấp huyện rất phong phú và rất đa dạng. Cho nên đây là một vấn đề rất phức tạp, cần có nghiên cứu kỹ, không thể nói dễ dàng bỏ lưu trữ ở cấp huyện đi được.

Thứ tư, về quản lý tài liệu chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 12. Điều 12 dự thảo luật quy định "tài liệu lưu trữ chuyên môn nghiệp vụ của ngành công an, quốc phòng, ngoại giao và một số ngành khác được quản lý lâu dài tại ngành theo quy định của chính phủ". Tôi cơ bản tán thành với quy định này, nhưng tôi thấy ở đây nó xuất hiện một khái niệm là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ. Vậy thì tài liệu chuyên môn nghiệp vụ này nó khác với tài liệu lưu trữ ở chỗ nào. Tài liệu lưu trữ của ngành công an quốc phòng, ngoại giao cũng rất đa dạng và rất phong phú, nếu coi đó là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ thì cũng chưa hoàn toàn chính xác. Do đó, chúng tôi đề nghị thống nhất chung gọi là tài liệu lưu trữ của ngành cho thống nhất.

Thứ năm, về thời hạn được phép sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử quy định tại Điều 28. Điều này quy định "tài liệu lưu trữ thuộc danh mục bí mật Nhà nước được sử dụng rộng rãi sau thời hạn 40 năm, 60 năm quy định đối với từng loại". Tôi thấy việc quy định này là cần thiết và thống nhất với ý kiến thẩm tra là cần phải quy định chặt chẽ cơ chế và thẩm quyền bảo mật.

Thứ sáu, về Điều 16 xác định giá trị tài liệu đối chiếu với nội dung quy định với Khoản 13, Điều 13 của điều này thì điều này chủ yếu quy định về thời hạn bảo quản tài liệu. Chúng tôi thấy vấn đề xác định giá trị tài liệu với vấn đề quy định thời hạn bảo quản tài liệu nó cũng có những nội hàm khác nhau. Do đó, để cho chính xác hơn nên thống nhất xác định giá trị tài liệu. Vì tại Khoản 3, Điều 13 cũng đã định nghĩa cụm từ "xác định giá trị tài liệu" như thế nào? Mặt khác, đề nghị cần cân nhắc Khoản 2, điều này quy định người đứng đầu bộ, ngành, quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành sau khi thỏa thuận thống nhất với cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ ở Trung ương thuộc Bộ Nội vụ. Chúng tôi đề nghị cần tính toán thêm quy định này, có lẽ sẽ không cần thiết để bảo đảm hành chính hiện nay. Trên thực tế thì cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ ở Trung ương thuộc Bộ Nội vụ thì như chúng ta hiểu đây là một Cục thôi. Cho nên, vấn đề này nếu không thì phải thỏa thuận với đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ là người trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Về thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng xác định giá trị tài liệu quy định tại Khoản 4, Điều 16. Tôi nghĩ quy định đó còn đơn giản, đề nghị cần xây dựng rõ tiêu chí để xác định giá trị tài liệu. Trong này chúng ta chưa xác định rõ tiêu chí để xác định giá trị tài liệu, mà chỉ mới có quy định những động tác có liên quan thôi. Mỗi loại tài liệu lưu trữ cần tổ chức hội đồng với các thành phần khác nhau mới bảo đảm được tính chính xác. Ở đây đề nghị bổ sung vào thành phần Hội đồng xác định giá trị tài liệu đại diện cơ quan chuyên môn quản lý ngành và đại diện cơ quan quản lý bảo vệ bí mật Nhà nước. Bởi vì cơ quan quản lý ngành có trách nhiệm xác định giá trị tài liệu đối với quản lý ngành, không phải chỉ là thủ trưởng cơ quan có tài liệu đây được tham gia mà phải là cơ quan quản lý ngành, đồng thời có đại diện của cơ quan quản lý bảo vệ bí mật Nhà nước để xác định giá trị của tài liệu này. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan