Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội

Thứ Hai 10:02 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến về phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam như sau:

Phông lưu trữ được hiểu là tập hợp tài liệu lưu trữ hình thành trong hoạt động của một cơ quan, tổ chức, cá nhân được bảo quản tập trung tại kho lưu trữ. Vì vậy, Khoản 7, Điều 3 dự thảo luật quy định: Phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức tiền thân của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, các nhân vật lịch sử tiêu biểu của Đảng và của các tổ chức chính trị xã hội.

Khoản 8, Điều 3 dự thảo luật quy định phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang qua các thời kỳ, các nhân vật lịch sử tiêu biểu.

Nội dung của 2 quy định nói trên cho thấy:

Một, phông lưu trữ là tập hợp toàn bộ tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của cá nhân.

Hai, phông lưu trữ phải gắn liền với cơ quan, tổ chức, đơn vị hay cá nhân. Mỗi một cơ quan, tổ chức, đơn vị hay mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động của mình hình thành lên một khối tài liệu, khối tài liệu này được lưu giữ lại lập thành phông lưu trữ. Do vậy, có thể nói rằng phông lưu trữ luôn gắn với lịch sử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, hình thành phông và lịch sử phông tài liệu là quá trình sưa tầm, lưu trữ tài liệu. Không có hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thì không có phông lưu trữ.

Tuy nhiên, Khoản 6, Điều 3 dự thảo luật quy định phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam, không phân biệt thời gian, nơi bảo quản, hình thức sở hữu, chế độ xã hội.

Như vậy, giữa nội dung khái niệm phông lưu trữ Quốc gia với phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam là không thống nhất. Sự không thống nhất này thể hiện ở các điểm sau:

Một, nếu như phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam, phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam là tập hợp tài liệu gắn với hoạt động của cơ quan, tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam, của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế, lực lượng vũ trang và của các cá nhân liên quan đến hoạt động của Nhà nước, của Đảng thì phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam là tập hợp tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam nói chung mà không gắn với hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cụ thể nào.

Thứ hai, nếu như Nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức thì nước Việt Nam không phải là tổ chức. Do nước Việt Nam không phải là tổ chức nên không có hoạt động của nước Việt Nam, vì vậy không thể có tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam như cách hiểu về tài liệu lưu trữ quy định tại Khoản 3, Điều 3 của dự thảo luật này.

Mặt khác, nếu xác định quốc gia Việt Nam là đơn vị hình thành phông lưu trữ thì câu hỏi được đặt ra ở đây là lịch sử đơn vị hình thành nên phông lưu trữ được xác định như thế nào, cơ cấu tổ chức, hoạt động của nó ra sao đều không có được câu trả lời thỏa đáng trong dự thảo luật này. Thực tiễn cho thấy từ khi hình thành phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 168 ngày 26/12/1981 của Hội đồng Bộ trưởng nhằm mục đích giữ gìn, quản lý thống nhất và khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của quốc gia cho đến Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 quy định về phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam bao gồm phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Cũng như việc thành lập cơ quan lưu trữ Trung ương với mục đích hợp nhất hai hệ thống lưu trữ của Đảng và Nhà nước đã không đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân theo như đánh giá của Ban soạn thảo vì các quy định đó chưa sát với thực tiễn.

Trên thực tế, từ khi hình thành cho đến nay, hai hệ thống lưu trữ của Đảng và lưu trữ Nhà nước đã và đang tồn tại độc lập, ổn định, phát huy hiệu quả. Vì vậy, một câu hỏi đặt ra là có nên đặt vấn đề thống nhất hai hệ thống lưu trữ này thành một hay không.

Bên cạnh đó, sự ghép gộp cơ học hai phông lưu trữ thành phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam tạo ra sự không thống nhất trong các quy định của dự thảo luật về lưu trữ lịch sử. Theo quy định của Khoản 5, Điều 3 Dự thảo Luật Lưu trữ được hiểu là tên gọi chung dùng để chỉ một cơ quan Nhà nước làm nhiệm vụ thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản thống kê, tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ được tiếp nhận từ lưu trữ cơ quan và từ các nguồn khác.

Khoản 1, Khoản 2, Điều 19 dự thảo luật quy định về thẩm quyền thu thập tài liệu lưu trữ lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam, lưu trữ lịch sử của Nhà nước Việt Nam mà không thấy đề cập đến lưu trữ lịch sử của quốc gia Việt Nam. Sự ghép gộp cơ học đó còn tạo ra sự không thống nhất giữa các quy định trong chương quản lý nhà nước về lưu trữ với các điều khoản thuộc các chương khác của dự thảo luật. Mặc dù Khoản 2, Điều 36 quy định: Bộ Nội vụ có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về lưu trữ và tài liệu thuộc phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Điều 35 bao hàm 10 khoản quy định nội dung quản lý nhà nước về lưu trữ, trong đó có các hoạt động như xây dựng, ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chế độ nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và định mức kỹ thuật về lưu trữ, quản lý thống nhất tài liệu phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về lưu trữ.

Trong khi đó dự luật vẫn được xây dựng theo hướng thừa nhận sự tồn tại song song hai hệ thống cơ quan lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam, quản lý phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và lưu trữ nhà nước quản lý phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Trong đó hệ thống cơ quan lưu trữ của Đảng lại không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của hệ thống cơ quan lưu trữ của Đảng cũng không thuộc nội dung hướng dẫn của Bộ Nội vụ, điều này được thể hiện rõ trong quy định của Khoản 1, Điều 19 dự thảo luật là lưu trữ lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam thu thập tài liệu thuộc phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam theo quy định của luật này và quy định của các cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

Từ những phân tích nêu trên có thể nói rằng việc dự thảo luật sử dụng thuật ngữ phông lưu trữ quốc gia Việt Nam để ghép gộp hai phông lưu trữ là phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam là không có cơ sở về mặt lý luận và không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy tôi đề nghị:

Thứ nhất: không sử dụng thuật ngữ "phông lưu trữ quốc gia Việt Nam" trong dự thảo luật này;

Thứ hai: xem xét lại phạm vi điều chỉnh dự luật theo hướng dự luật này quy định về tổ chức, hoạt động của lưu trữ Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động lưu trữ Nhà nước và tài liệu phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Thứ ba: xử lý việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam theo một trong hai phương án sau: phương án thứ nhất: Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Chính phủ thống nhất quản lý phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam theo quy định của luật này; hoặc phương án thứ hai: luật này chỉ quy định về tổ chức, quản lý sử dụng phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, còn công tác lưu trữ của Đảng, quản lý tài liệu phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện theo quy định của Đảng và trên cơ sở áp dụng quy định của luật này.

Xin cám ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan