Góp ý của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hoài Thu – Đồng Tháp

Thứ Hai 10:03 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội, tôi xin tham gia một số ý kiến.

Trước hết, tôi thống nhất với sự cần thiết phải ban hành luật này, bởi vì sau thời gian 9 năm thực hiện thì Pháp lệnh lưu trữ quốc gia cũng còn tồn tại nhiều vướng mắc và bất cập.Việc ban hành luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ, bởi vì chúng ta xác định và khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia nên phải được quản lý thống nhất để khai thác sử dụng lâu dài và phát huy giá trị. Theo tôi nghĩ không phải bảo quản, cất giữ, lưu trữ một cách cẩn thận không để thất thoát thì mới là hiệu quả mà chúng ta lưu trữ được khai thác sử dụng một cách hiệu quả thì mới là hiệu quả đích thực.

Về bố cục của dự thảo luật, tôi thấy dự thảo luật rõ ràng và hợp lý, trong đó cũng đã chú trọng ở 3 chương đối với 3 lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản của lưu trữ, đó là thu thập, bảo quản, thống kê và sử dụng tài liệu lưu trữ. Tôi xin góp ý một số vấn đề cụ thể sau:

Một, về việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Tôi đề nghị nên có quản lý thống nhất ở cấp quốc gia, có một phông chung đó là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, trong đó chúng ta có thể tách ra hai bộ phận như pháp lệnh hiện hành và tôi đề nghị về bộ máy chúng ta cũng tập trung quản lý thống nhất và tinh gọn. Tôi có đề xuất tăng cường các biện pháp lưu trữ bằng phương tiện hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế dần lưu trữ bằng chất liệu giấy và nhằm giảm bớt sức chứa cho các kho và đỡ tốn thời gian tra cứu cho nhân dân.

Về việc bổ sung các phương thức quản lý tài liệu lưu trữ điện tử nó phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, nhưng đặc thù của loại lưu trữ này thì tôi đề nghị cần qui định cụ thể về chế độ thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng để đảm bảo quyền khai thác tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời quản lý tốt nguồn tài liệu này.

Thứ hai, tôi thống nhất việc tổ chức lưu trữ tại Trung ương và cấp tỉnh vì nó phù hợp với tình hình thực tế tiết kiệm và tập trung nguồn lực cho việc hiện đại hóa phát triển lưu trữ lịch sử. Trong thực tế cũng tinh gọn hơn nữa bộ máy, giảm trung gian và thực hiện cải cách hành chính. Hiện nay tài liệu lưu trữ lịch sử còn phân tán rất nhiều nơi chúng ta cần có giải pháp tập trung để quản lý phù hợp. Trong điều kiện thực tế không phải là huyện nào cũng có điều kiện để đảm bảo lưu trữ lịch sử và để đầu tư cho hệ thống này thì không phải là ít.

Đối với Điều 14, riêng về quản lý tài liệu lưu trữ ở cấp xã, tôi nhận thấy rằng trong đây có ghi một câu: "Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tài liệu trong hoạt động của các cơ quan tổ chức cấp xã". Như vậy ở cấp quốc gia, ở cấp tỉnh chúng ta có hệ thống, có bộ máy, riêng cấp xã là nơi lưu trữ cũng rất là nhiều tài liệu quan trọng liên quan  trực tiếp đến người dân. Tôi đề nghị trong luật này quy định cụ thể về quản lý lưu trữ ở cấp xã, trong đó có liên quan đến những chế độ, chính sách dành cho cán bộ cấp cơ sở nói chung, trong đó có người làm công tác lưu trữ ở cấp xã, vì tất cả các luật liên quan từ trước tới giờ chúng ta bàn thảo thì hầu như luật nào cũng đề cập đến người làm công tác ở cấp cơ sở, nhưng chế độ dành cho cấp cơ sở nói chung còn hạn chế.

Về xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ, tôi thống nhất vấn đề này nhằm chăm lo, giữ gìn, bảo vệ an toàn và sử dụng hiệu quả tài liệu lưu trữ, nhưng phải quy định thật chặt chẽ và phù hợp để đảm bảo nhằm bảo vệ an toàn và tránh thất thoát tài liệu. Chúng ta cũng phân biệt rõ những tài liệu nào được xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ, những tài liệu nào không được xã hội hóa, bởi vì trong thực tế không phải tài liệu nào chúng ta cũng đưa vào xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ được.

Thứ tư, người làm công tác lưu trữ trong dự thảo luật chúng ta quy định rất chung chung về tiêu chuẩn, nghiệp vụ và việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, trong đó lưu trữ được tiến hành ở tất cả các cơ quan khác, kể cả ngoài Nhà nước. Chúng ta nên có quy định cụ thể rõ thêm về vấn đề này ở trong luật.

Trong dự thảo, tại Điều 43 hiệu lực thi hành chúng ta có ghi: Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001 hết hiệu lực thi hành. Khi luật này có hiệu lực tôi đề nghị sửa lại cho gọn là: Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày... tháng... năm... thay thế cho Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001. Xin hết.

Các văn bản liên quan