Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Lệ Phi – TP Cần Thơ

Thứ Hai 09:58 01-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Theo gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin góp ý vào một số điều của dự thảo luật mà tôi quan tâm.

Vấn đề thứ nhất. Tại Điều 10 quy định về các hành vi bị cấm. Tôi đề nghị bổ sung thêm Điểm c vào Khoản 3, Điều 10 một hành vi đó là "cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn của người tiêu dùng để tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng dưới hình thức cứu trợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng" để tránh hiện tượng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức đi cứu trợ để tiêu thụ những sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng để cứu trợ cho những nơi bị thiên tai, thảm họa nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Dù đây không phải là phương thức giao dịch, kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng. Nhưng hành vi này cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cũng cần nên bị xử lý.

Vấn đề thứ hai, tôi thống nhất với đại biểu Kim Bé của đoàn Kiên Giang vừa nêu là một trong những nguyên nhân người tiêu dùng thường bị mua lầm là do tin vào việc quảng cáo quá sự thật về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức kinh doanh, cá nhân hoặc cơ quan quảng cáo sản phẩm. Tôi đề nghị nên ghi rõ cấm quảng cáo quá sự thật hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và các cơ quan quảng cáo sản phẩm khi quảng cáo sai gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Vấn đề thứ ba, tại Điều 15 về giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng có nêu. Trong trường hợp có cách hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Theo tôi, trong mọi vấn đề chúng ta phải tôn trọng sự bình đẳng, tôi đề nghị việc giải thích hợp đồng cũng phải tính đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh và phải dựa trên những tiểu chuẩn, quy chuẩn và quy định của pháp luật. Nếu như có nhiều cách hiểu khác nhau trong các điều, khoản của hợp đồng thì việc giải thích hợp đồng này cần giao cho một cơ quan trung lập đứng ra giải thích dựa trên các luận cứ về pháp lý. Và điều đó chỉ có thể thực hiện tại Tòa án, do vậy, tôi thấy không cần quy định điều này và đề nghị bỏ điều này. Vì việc giải quyết tại Tòa án có nêu tại Điều 33 trong dự thảo Luật.

Vấn đề thứ tư, tại Điều 17 hợp đồng theo mẫu, Khoản 1 có nêu khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ phải dành cho người tiêu dùng một khoảng thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng. Như vậy khoảng thời gian hợp lý là bao lâu, nếu luật không quy định rõ thì khi có tranh chấp rất khó cho người xử lý. Tôi đề nghị nên quy định rõ thời gian cụ thể về nghiên cứu hợp đồng.

Vấn đề thứ năm, tại Điều 20 trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ liên quan đến giao dịch. Đây là một nội dung quan trọng trong việc cung cấp chứng cứ để khiếu kiện hoặc khiếu nại. Nhưng trên thực tế, trên thị trường mua, bán hiện nay, một số các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua bán nhỏ lẻ ít khi cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng với nhiều lý do, trong đó có lý do trốn thuế và bản thân người tiêu dùng cũng ít khi quan tâm đến việc đòi hỏi sự cung cấp này. Chỉ khi mua những tài sản có giá trị lớn thì người tiêu dùng mới thường lấy hóa đơn.

Do vậy, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần tuyên truyền, định hướng xã hội cho người dân khi mua hàng hóa phải lấy hóa đơn, chứng từ để không bị thiệt thòi về quyền lợi.

Vấn đề thứ sáu, về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi, luật này bao hàm rất rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, nhiều Bộ. Chính Phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giao Bộ Công thương giữ vai trò chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, tôi đề nghị trong luật cũng cần quy định rõ cụ thể hơn về trách nhiệm của các Bộ trong việc phối hợp với Bộ Công thương vì phạm vi, quyền lợi người tiêu dùng rất rộng. Từ việc mua bán, giao dịch những hàng hóa thiết yếu đến các dịch vụ máy bay, ô tô, điện thoại, dịch vụ khác v.v...Để luật đi vào cuộc sống tôi cũng đề nghị Chính phủ cần quy định việc công bố giá các loại hàng hóa dịch vụ sát với tình hình diễn biến thực tế trên thị trường để người tiêu dùng mới có cơ sở so sánh khi mua hàng hóa và dịch vụ.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy luật nêu đa phần tập trung cho việc người tiêu dùng mua những hàng hóa tại các cửa hàng lớn hay siêu thị. Còn thực tế ở nước ta, người tiêu dùng mua hàng hóa nhỏ lẻ, hàng hóa bán rong, thức ăn đường phố là rất lớn. Trong dự luật lại nêu tại Điều 7 rất mờ nhạt và trong điều này lại giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhiều nhiệm vụ, tôi thấy rất khó khả thi. Đối với các cá nhân hoạt động độc lập thường xuyên mà không phải đăng ký kinh doanh như đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, số lượng của hàng hóa v.v... Tôi thấy với nguồn lực của chính quyền cấp xã hiện nay, liệu Ủy ban nhân dân xã có đảm đương được hay không khi người tiêu dùng dùng hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, hay nói cách khác là muôn màu muôn vẻ. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều luật được ban hành lại giao thêm nhiệm vụ cho chính quyền cấp xã chứ không riêng về luật này. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan