Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Tư 14:41 27-10-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa Quốc hội!

Tôi cơ bản nhất trí với hầu hết các nội dung đã được trình bày trong Báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã trình bày với Quốc hội, nhưng còn nội dung của Điểm 6 trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tôi vấn muốn trình bày lại suy nghĩ của mình và mong muốn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu thêm, đó là nên hay không nên giao cho Tòa án quân sự thẩm quyền xét xử vụ án hành chính trong quân đội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tinh thần nghị quyết của Đảng trong Nghị quyết 49 Bộ Chính trị có nêu nghiên cứu và xác định hợp lý phạm vị thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử vụ án tội phạm mà các tội xâm phạm đến nhiệm vụ, trách nhiệm quân nhân và các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước về quân sự. Tôi hiểu nếu như trong tình hình hiện nay đang quá tải đối với Tòa án nhân dân về các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế v.v... bây giờ tiếp tục mở rộng ra người dân khi có khiếu kiện hành chính hoàn toàn có quyền lựa chọn một là giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện thẳng ra Tòa án hành chính, như vậy càng quá tải hơn. Trong tình hình đó tại sao chúng ta lại không giao cho Tòa án quân sự  giải quyết vụ án hành chính trong quân đội để giảm tải cho Tòa án nhân dân các cấp bởi lẽ xét nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng, tôi thấy không có gì vi phạm.

Trong Nghị quyết 49 nói rằng "chủ yếu" không có nghĩa Đảng bó Quốc hội lại là chỉ có xét xử cái này mà không cái kia, chủ yếu là có thứ yếu. Tôi nghĩ ngoài thẩm quyền hiện nay đang giao cho Tòa án quân sự giải quyết đó là chủ yếu thì sẽ có thứ yếu, ở đây định hướng của Đảng không bó chúng ta. Về nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước có vi phạm không? Tôi nghĩ là không vi phạm vì Tòa án quân sự thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, Hiến pháp ghi rồi, thứ hai Chánh án Tòa án quân sự đồng thời được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn đường lối xét xử không có gì cách bức cả, hoàn toàn liên thông. Nếu giao cho Tòa án quân sự xét xử tôi nghĩ là giải pháp Quốc hội giao cho các thẩm phán trong quân đội là cơ hội tiếp cận với chuyên môn này, tạo cơ hội cho họ trong trường hợp như khi bàn về Luật sĩ quan, anh em không có điều kiện tiếp tục ở quân đội nữa, việc tiếp cận các lĩnh vực bên ngoài để lo công việc cho mình khi tuổi đời rất trẻ, rất khó khăn, vậy tại sao không trao cho họ cơ hội để họ tiếp cận. Trong trường hợp không có điều kiện tiếp tục phục vụ quân đội nữa, họ có thể dễ dàng kiếm được việc ở các cơ quan xét xử bên ngoài. Tôi tha thiết đề nghị nghiên cứu vấn đề này với 2 lý do như trên.

Đi vào nội dung cụ thể, tôi thấy Điều 36 của luật trong Chương III quy định về cơ quan và người tiến hành tố tụng thì tôi thấy cần phải được nghiên cứu, bổ sung vì nó có liên quan đến Điều 130. Báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội là Điều 130 của dự án Luật thì có đề cập đến chức danh đó là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân dự khuyết thì trong khi ở Chương III thì chúng ta không quy định chức danh này. Tòa thẩm phán dự khuyết  và Hội thẩm nhân dân dự khuyết ở đây họ là ai và vì sao họ lại có mặt ở Điều 130. Tôi nghĩ dứt khoát là về bảo đảm sự chặt chẽ của pháp luật và sự logic của nó thì khi chúng ta quy định về cơ quan và người tiến hành tố tụng thì phải có họ ở đó có nghĩa là ở Điều 36, chúng tôi đề nghị phải bổ sung nội dung này vào là Thẩm phán dự khuyết và Hội thẩm nhân dân dự khuyết, họ là ai thì tôi đề nghị quy định ở đấy là khi Chánh án phân công thẩm phán để chủ trì một vụ án nào đó thì đồng thời Chánh án cũng quy định luôn là Thẩm phán dự khuyết cho ông Chánh án đó và phân công hội thẩm để tham gia thì cũng đồng thời phân công rõ luôn là người Hội thẩm dự khuyết, làm như thế nó có lợi là người tham gia tố tụng đặc biệt là nguyên đơn và những người có quyền được tham gia tố tụng người ta hoàn toàn được biết trước là nếu như ông thẩm phán đấy vắng thì ông thẩm phán dự khuyết thay là ai, liệu có thuộc loại mà mình phải yêu cầu thay đổi không, chứ nếu không thì sau đùng đùng đến phiên tòa thì nguyên đơn mới nhìn thấy một ông thẩm phán lại có liên quan đến ông Chủ tịch xã mà mình đang kiện là người họ hàng thân thích chẳng hạn, bấy giờ mới phát sinh ra lại bắt đầu yêu cầu phải thay đổi thì phức tạp ra thì chúng ta nên được biết trước, tức là cho đương sự người ta được biết trước trong quyết định của Chánh án là khi phân công thẩm phán. Tôi đề nghị như vậy và cũng để tránh chuyện chúng ta sau này vận dụng thực hiện là lách luật, cho đến giờ phút cuối cùng thì cũng có thể thay đổi người nọ, người kia hoặc không quy định chặt chẽ dự khuyết, cho nên không biết trường hợp nào có dự khuyết, trường hợp nào không có dự khuyết. Tôi đề nghị như vậy.

Một điểm nữa, chúng tôi đề nghị có liên quan đến sửa Điều 36 thì phải nói để bảo đảm, để thực hiện được Khoản 3, Điều 130. Chúng ta quy định ở đây là khi xét xử theo quy định tại Khoản 2 thì có thể phải hoãn phiên tòa. Ta quy định chung chung như thế thì không rõ ai có quyền hoãn phiên tòa ở Điều 130. Ở các điều tiếp sau khi vắng người làm chứng, vắng Kiểm sát viên chúng ta quy định là Hội đồng xét xử có thẩm quyền đó thì rõ rồi, nhưng riêng trong trường hợp này thì ai là người có quyết định hoãn phiên tòa? Tôi thấy phải sửa Điều 36 là phải là Chánh án, người đã phân công thẩm phán và Hội thẩm thì là người sẽ có thẩm quyền quyết định hoãn phiên tòa. Bởi vì lúc đó Hội đồng xét xử chưa có giá trị pháp lý, vì khi thiếu một trong những thành phần đó thì không đúng với quy định tại Khoản 1, Điều 130 đó là phiên tòa được tiến hành khi có đủ thành viên của Hội đồng. Cho nên Hội đồng đó thiếu 1 thẩm phán hay thiếu Hội thẩm nhân dân thì không có giá trị pháp lý, cho nên họ không có quyền quyết định. Cho nên tôi đề nghị ở Điều 36 là Chánh án phải có thẩm quyền đó, bổ sung vào điều đó. Xin hết.

Các văn bản liên quan