Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Tư 14:42 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi xin phát biểu về mấy vấn đề sau đây.

Thứ nhất, chúng tôi cũng tán thành với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội nên xem xét mở rộng khái niệm về quyết định hành chính. Bởi lẽ nếu chúng ta cứ mở rộng mãi về những trường hợp là anh quyết định hành chính nhưng mà lại không ra quyết định dưới hình thức quyết định hành chính như vậy vô hình chung Quốc hội chúng ta đã thừa nhận những việc làm không đúng của các cơ quan hành chính trong khi chúng ta cần lập lại trật tự, kỷ cương và phép nước. Do đó chúng ta không thể chỉ kiên quyết và chặt chẽ đối với công dân, mà lại nới lỏng sự chặt chẽ này đối với cơ quan Nhà nước, các cơ quan và công chức Nhà nước. Đó là ý thứ nhất. Chúng tôi đề nghị để bảo đảm quyền lợi của công dân thì Tòa án vẫn có thể thụ lý những trường hợp này, nhưng chúng tôi đề nghị trong các luật khác ví dụ như luật giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có một quy định về xử lý trách nhiệm đối với những cơ quan hành chính và các công chức hành chính đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc ra quyết định hành chính cũng như trong việc giải quyết khiếu nại hành chính.

Vấn đề thứ hai là xem xét lại các quyết định về giám đốc thẩm và tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tôi cho rằng đây là một vấn đề bức xúc mà trên thực tiễn đã đặt ra rất nhiều năm nay, đương nhiên trên lĩnh vực khác chưa phải là lĩnh vực các vụ án hành chính ví dụ như hình sự, kinh tế, dân sự, trên thực tế đã đặt ra tuy không phải là nhiều nhưng nó là những vấn đề hết sức bức xúc và gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt có những quyết định liên quan đến tính mạng và tài sản của công dân. Do đó chúng tôi thấy vấn đề cần phải được giải quyết trong luật này. Đương nhiên sau nhiều năm chúng ta nghiên cứu và suy nghĩ tìm ra một cơ chế, hiện nay trong dự thảo tính toán một cơ chế là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tự xem xét lại quyết định của mình trên cơ sở nghiên cứu kiến nghị của Chánh án và Viện trưởng. Cho đến nay sau nhiều năm suy nghĩ và nghiên cứu, chúng tôi thấy cơ quan tư pháp cũng như các cơ quan hữu quan của Quốc hội đã xem xét, nghiên cứu và đề ra cơ chế này. Đương nhiên chúng tôi cũng nghĩ nếu làm được như đại biểu Trần Đình Nhã, đại biểu ở Bà Rịa - Vũng Tàu nêu ra thì chúng tôi thấy về pháp luật, các mặt về nguyên tắc là rất đúng. Nhưng trong điều kiện đó đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội phải được kiện toàn và tổ chức như thế nào. Ví dụ đối với những quyết định, bản án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị khiếu nại và nơi này, nơi khác có ý kiến, kiến nghị thì một cơ quan của Quốc hội phải nghiên cứu như thế nào, bộ máy ra sao để làm được việc này, trên cơ sở đó mới có thể quyết định thành lập một Tòa án hay một Hội đồng xét xử đặc biệt để giải quyết vụ án này. Trước đây trong Hiến pháp của chúng ta cũng đã từng có cơ chế này, tức là trong tình hình đặc biệt hoặc khi cần xét xử những vụ án đặc biệt thì Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt, xét xử xong vụ án đó Tòa án đó chấm dứt nhiệm vụ. Hiện nay chúng ta đã bỏ cơ chế đó, bây giờ muốn trở lại, theo tôi hiểu đại biểu Trần Đình Nhã muốn cơ chế là gần như vậy, nhưng như vậy đòi hỏi Quốc hội của chúng ta, trước hết là các cơ quan của Quốc hội phải có bộ máy như thế nào để làm được việc này. Bởi vì hiện nay loại việc này người ta khiếu nại cũng không phải ít cho nên việc này rất nặng nề.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị trước mắt trong lúc này chúng ta chấp nhận cơ chế như hiện nay đã đặt ra trong dự thảo này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc có nên có sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hay không. Ở đây có 2 mặt của vấn đề, một mặt như trong Tờ trình nói rằng vì đây là những quyết định hành chính mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp là thay mặt cho Chính phủ có trách nhiệm đối với những quyết định của Chính phủ nhưng đồng thời anh lại là bị đơn. Như vậy khi xem xét lại bị đơn có mặt ở đó mà lại có tiếng nói rất có tác động đối với Hội đồng xét xử, trong khi đó người khởi kiện là công dân lại không có mặt, tôi cho nguyên tắc bình đẳng ở đây bị vi phạm, do đó chúng tôi cũng thấy nên cân nhắc. Tôi thiên về hướng như đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng nên chăng nếu có như vậy thì có thể có những tài liệu mà Bộ trưởng Bộ tư pháp có thể phát biểu rồi gửi ý kiến đến, chứ sự có mặt của Bộ trưởng Bộ tư pháp ở đây là chúng tôi thấy không bảo đảm tính khách quan xét xử của Hội đồng thẩm phán. Đấy là điểm chúng tôi thấy cũng hết sức lưu ý.

Vấn đề thứ ba, vấn đề yêu cầu thi hành bản án và quyết định hành chính, chúng tôi thấy đây là vấn đề rất lớn mà nhiều lần chúng tôi đã phát biểu ở trong Thường vụ Quốc hội, qui định của pháp luật hiện hành chúng ta hiện nay lúng túng về vấn đề thi hành mà Tòa án giải quyết rồi, xét xử, quyết định rồi nhưng việc thi hành quyết định đó là điều rất khó. Cho nên pháp lệnh hiện hành chưa qui định được về vấn đề này như thế nào, nhưng chúng tôi thấy nếu như trong luật này tuy rằng chúng ta không nói nó đầy đủ như là cơ quan thi hành án đối với các lĩnh vực khác cũng chỉ là đặt vấn đề tập hợp rồi thống kê, đôn đốc nhưng chúng tôi thấy cũng không phù hợp. Bởi lẽ cơ quan thi hành án dân sự là nằm trong cơ quan hành chính Nhà nước, vậy mà lại có thẩm quyền đi đôn đốc cơ quan cấp trên của mình, đó là anh chấp hành viên của tòa, của cơ quan thi hành án dân sự lại đi đôn đốc ông Chủ tịch huyện là chấp hành bản án của Tòa án huyện thì về mặt hành chính trái nguyên tắc hành chính, không thể có chuyện cấp dưới đi đôn đốc cấp trên được và không bao giờ dám làm chuyện đó trên thực tế. Chúng tôi thấy điều hết sức cân nhắc, cho nên chúng tôi cho rằng việc thi hành các bản án và quyết định về hành chính là công việc của chính các cơ quan hành chính mà không ai có thể nào cưỡng bức những cơ quan này làm việc đó được. Như vậy Quốc hội phải tìm ra một cơ chế này để mà giải quyết vấn đề này chứ không phải là giao cho một anh cấp dưới của anh đó đôn đốc anh thực hiện quyết định của Tòa hành chính, chúng tôi thấy đấy là vấn đề. Do đó chúng tôi cho rằng cần giao cho chính những cơ quan này có trách nhiệm thi hành và báo cáo kết quả việc thi hành, nhưng mà việc thống kê tập hợp thì để khả năng đánh giá của chúng tôi thấy là cần thiết. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan