Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – Đắc Lắk

Thứ Tư 14:41 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật tố tụng hành chính như sau:

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ theo quy định Điều 3, tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Hiền và đại biểu Thường. Khi chúng ta giải thích quyết định hành chính là gì thì chúng ta phải giải thích theo một cái chính thống. Còn đoạn 2 Điều 3 tôi đề nghị Ban soạn thảo có thể nghiên cứu xem xét để chuyển vào Khoản 1, Điều 104, tức là điều kiện khởi kiện, tôi thấy rằng sẽ dễ cho việc triển khai thực hiện sau này hơn.

Thứ hai, tôi xin có ý kiến về Khoản 4, Điều 15 của Dự thảo luật tức là người tiến hành tố tụng hành chính có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì Tòa án phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên tại Khoản 2, Điều 35 quy định những người tiến hành tố tụng hành chính gồm Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án,Viện trưởng kiểm sát, Kiểm sát viên. Như vậy theo Khoản 4 có nghĩa là Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên. Như vậy theo Khoản 4 có nghĩa là Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, thì Tòa án cũng phải bồi thường và điều này nó trái với nguyên tắc pháp luật hoặc không phù hợp với pháp luật thực định của Bộ luật dân sự và của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Vì vậy đề nghị sửa lại theo hướng người tiến hành tố tụng của cơ quan nào làm sai, gây thiệt  hại thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường.

Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ Điều 32 của dự thảo luật qui định về trường hợp xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện thì trường hợp này tôi nghĩ rằng nó đã bị Điều 106, tại Điểm g, Khoản 1, nó đã triệt tiêu và loại bỏ. Vì vậy chúng ta có thể nghiên cứu xem xét để có thể bỏ Điều 32 vì không cần thiết.

Vấn đề thứ tư, tôi xin có ý kiến tại Khoản 4, Điều 51, qui định về người khởi kiện có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án và theo lý luận tôi thấy qui định này đã qui định một bên có quyền thì bên kia phải có nghĩa vụ đáp ứng. Như vậy nếu hiểu như trên thì Khoản 4, Điều 51 qui định: cho người khởi kiện có quyền đề nghị tạm đình chỉ thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ. Hiểu theo quan điểm này sẽ dẫn đến việc lạm dụng quyền đề nghị tạm đình chỉ để giải quyết vụ án của người khởi kiện và sẽ gây khó khăn, thiệt hại cho quyền lợi của các bên xử khác. Còn nếu hiểu theo hướng chỉ người khởi kiện có quyền đề nghị, còn chấp nhận hay không thì do Tòa án xem xét trên cơ sở căn cứ theo qui định tại Điều 119. Nếu hiểu như vậy thì không những người khởi kiện có quyền đề nghị mà bất kỳ đương sự nào cũng có quyền đề nghị khi thấy có căn cứ theo Điều 119. Thậm chí nếu không có đương sự nào đề nghị mà Tòa án thấy có căn cứ đình chỉ theo Điều 119 thì Tòa án vẫn chủ động ra quyết định tạm đình chỉ để giải quyết vụ án. Vì vậy tôi nghĩ có thể xem xét hoặc có thể bỏ Khoản 4, Điều 51 trong dự thảo để cho nó phù hợp.

Vấn đề tiếp theo, Điều 52, quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện. Trong đó có đề nghị chúng ta xem xét, có sửa đổi, bổ sung thêm, hủy bỏ các quyết định hành chính. Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi hành chính có được đặt ra để giải quyết trong trường hợp này hay không?.

Vấn đề tiếp theo, tôi đề nghị tại Điều 105 nên nghiên cứu xem xét bổ sung quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc tranh chấp vào Điểm a, Khoản 2, Điều 15 cho đầy đủ bởi vì điểm này chỉ quy định quyết định hành chính và hành vi hành chính thôi, còn chưa nói đến quyết định giải quyết việc tranh chấp, khiếu kiện tranh chấp.

Điều 118, về thời hạn chuẩn bị xét xử. Điều luật này chỉ quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản 2, Điều 105 mà không quy định đối với trường hợp theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 105 là thiếu xót. Tôi đề nghị cần nghiên cứu xem xét để bổ sung thêm.

Về vấn đề định giá tài sản Điều 86. Theo tinh thần nội dung của Điều 86 việc định giá tài sản, định giá đối với tài sản tranh chấp khi có yêu cầu của một hoặc các bên đương sự hoặc khi các bên thỏa thuận giá thấp nhằm mục đích trốn thuế. Tôi nghĩ rằng đây là nội dung chỉ phù hợp với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình. Đối với vụ án hành chính có đặc trưng riêng biệt, đó là đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Bên bị kiện bao giờ cũng là cơ quan Nhà nước. Các đối tượng là các quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định giải quyết khiếu nại về cạnh tranh. Vì vậy, Tòa án chỉ phán quyết tính hợp pháp quyết định hành chính, hành vi hành chính, người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Như vậy, tài sản không phải là đối tượng tranh chấp giữa các bên và không bao giờ xảy ra tranh chấp về tài sản. Giữa các bên không thể có thỏa thuận giá thấp và trốn thuế hoặc là giảm án phí. Giá tài sản trong tố tụng hành chính chỉ có thể xảy ra khi cần định giá thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra, để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cùng với việc người khởi kiện khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Tuy nhiên, việc định giá, Tòa án sẽ áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết vì đã được quy định tại Điều 6 của dự thảo luật tố tụng hành chính vì vậy tôi đề nghị cần nghiên cứu, xem xét lại vấn đề này cho phù hợp với Luật tố tụng hành chính.

Trên đây là ý kiến của tôi. Xin hết. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan