Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lưu Thị Chi Lan – Vĩnh Phúc

Thứ Năm 14:02 28-10-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi tán thành với các quy định trong dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi). Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến đóng góp trực tiếp vào các điều, khoản của luật như sau.

Vấn đề thứ nhất, về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác ở Điều 6. Như chúng ta biết về vấn đề này theo Hiến pháp Việt Nam ở Điều 17 quy định về tài nguyên trong đó có khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu quản lý. Vì vậy, việc khai thác và sử dụng khoáng sản phải đóng góp vào phát triển chung của đất nước, đặc biệt là phải đảm bảo quyền lợi của người dân vùng khai thác khoáng sản. Hơn nữa, theo chủ trương chung khai thác tài nguyên phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tuy nhiên, các quy định của luật và văn bản dưới luật mới chỉ đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước, còn lợi ích của cộng đồng nơi có hoạt động khoáng sản chưa được tách ra mà gộp chung với lợi ích của Nhà nước.

Từ thực tế công tác thực thi Luật khoáng sản cho thấy mặc dù các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, ngành đã tháo gỡ phần nào những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tuy nhiên lại chưa được quy định cụ thể trong Luật khoáng sản, trong các nghị định hướng dẫn thi hành đó mới là giải pháp tình thế và chưa giải quyết được đồng bộ, triệt để và thống nhất về vấn đề này.

Tuy nhiên, về vấn đề này mới chỉ được quy định ở một điều duy nhất trong luật, đó là Điều 6. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, tôi đề nghị nên được tách thành một chương riêng và bổ sung các quy định cụ thể trên cơ sở nội dung của Quyết định 219 năm 1999 của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách bảo vệ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Tôi cũng đề nghị ở Khoản 2, Điều 6 về trách nhiệm tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nên gộp vào với Điều 56 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản thành Khoản 3 của điều luật cho phù hợp.

Liên quan đến vấn đề quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Có một điều là thực tế hiện nay cho thấy, khi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thu lợi nhuận cao thì cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản lại chịu nhiều thiệt thòi do không được chia sẻ công bằng và phải chịu rất nhiều những tác động bất lợi. Vì các dạng tài nguyên như đất, nước, rừng v.v... bị tổn hại, môi trường sống bị ô nhiễm và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Một khi lợi ích từ khai thác tài nguyên khoáng sản không được chia sẻ hợp lý giữa doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng thì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột xã hội.

Từ phân chia nguồn lực không công bằng và những bức xúc về môi trường, chế độ đền bù v.v... đã làm nảy sinh rất nhiều những mâu thuẫn, xung đột ở nhiều địa phương vùng khai khoáng. Bên cạnh đó, việc gia tăng khai thác khoáng sản cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô khai thác đã dẫn đến sự gia tăng về số lượng lao động đến địa phương vùng khai khoáng. Điều này sẽ tạo thêm những áp lực rất lớn cho địa phương trong công tác quản lý và làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tệ nạn xã hội trong cộng đồng khu vực khai khoáng và đặc biệt khu vực khai khoáng trái phép sẽ là một trong những nơi trọng điểm về tệ nạn xã hội.

Do vậy, tôi đề nghị bên cạnh những lợi ích kinh tế và những hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì dự án luật cũng nên quan tâm đến vấn đề này và cần có những quy định cụ thể mang tính định lượng mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn phát sinh và ngày càng sâu sắc thêm ở những khu vực mỏ khai thác khoáng sản.

Vấn đề thứ hai là vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản ở Điều 24. Hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản luôn luôn đi liền với những tác nhân gây tác hại và ô nhiễm môi trường ở những mức độ khác nhau. Những hậu quả do khai thác khoáng sản gây ra có thể phải trả giá rất đắt và rất khó khắc phục trong tương lai. Những vùng khai thác khoáng sản cho thấy cộng đồng dân cư vùng có khoáng sản đang phải chịu rất nhiều những thiệt thòi và nhiều thế hệ đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên họ chưa được hưởng những cái lợi xứng đáng từ khai thác tài nguyên, khoáng sản và cũng thấy rằng từ thực tế cho thấy có rất nhiều vùng khai thác khoáng sản thì công tác quản lý cũng như công tác giám sát, bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được thực hiện đúng theo yêu cầu. Đặc biệt là vai trò tham gia giám sát của các tổ chức, xã hội, cộng đồng địa phương còn yếu. Việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường nhiều nơi chưa được triển khai thực hiện đã gây hậu quả xấu đến môi trường nước, môi trường đất và gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong vùng.

Từ thực tế trên tôi thấy rằng việc bảo vệ môi trường là một trong những nội dung rất quan trọng và phức tạp trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên vấn đề này chỉ được quy định tại Điều 24 của dự thảo luật và so với quy định của Điều 16 Luật khoáng sản năm 1996 và Luật khoáng sản (sửa đổi) năm 2005 thì không có gì mới. Do vậy, để đảm bảo tính ổn định và bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì việc khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia nhất thiết phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của các bên liên quan và tính kế thừa cho tương lai và vì mục tiêu môi trường của xã hội. Chúng ta phải cần có sự điều chỉnh một cách cơ bản về khung pháp lý, về khoáng sản và tổ chức thực hiện làm sao theo hướng sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả và mang lại sự hài hòa về vấn đề kinh tế cũng như về vấn đề môi trường, có khả năng để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Từ những lý do trên tôi đề nghị dự thảo luật cũng nên tách thành một mục hoặc chương riêng, bổ sung các quy định cụ thể như trách nhiệm của các bên, quy định về đền bù, xử lý vi phạm khi xảy ra sự cố môi trường và quy định về môi trường, bổ sung thêm vấn đề về ký quỹ và sử dụng quỹ phục hồi môi trường v.v.... Trên cơ sở nội dung của Nghị định 63/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Quyết định 71/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khoáng sản sau khi đã sửa đổi, bổ sung dự thảo luật cho phù hợp.

Vấn đề thứ ba, về quản lý nhà nước về khoáng sản ở Chương X, hiện nay chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản được giao cho 3 đầu mối. Bộ Công thương và Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập quy hoạch, trình duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản và quản lý công nghiệp khai khoáng. Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ cấp phép hoạt động khoáng sản cho tổ chức và cá nhân theo quy định. Tuy nhiên theo tôi để tăng cường hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, dự thảo luật cần có sự điều chỉnh làm sao cho chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước được gọn nhẹ, cải cách hành chính và tập trung về một đầu mối.

Tôi xin hết ý kiến và sẽ gửi lại văn bản sau. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan