Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Dũng – Tiền Giang

Thứ Tư 09:33 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật khiếu nại, tôi xin góp mấy ý kiến như sau:

Một, tình trạng khiếu nại đông người đã diễn ra ở nhiều nơi là một thực tế đáng quan tâm, đã có nhiều vụ những người dân khiếu nại từ các địa phương khác nhau, nội dung khiếu nại khác nhau đã tìm cách tổ chức cùng nhau tập hợp đông người, gây mất trật tự tại những nơi công cộng, cả trước Đại sứ quán nước ngoài. Vậy đây có thuần túy là những khiếu nại của công dân cho quyền lợi của mình hay là bị lợi dụng, kích động bởi âm mưu tập hợp để tập dượt nhằm ý đồ đen tối nào đó? Theo tôi, rõ ràng là các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng tình trạng này để kích động gây rối, sự kích động để lợi dụng đó sắp tới có thể tinh vi hơn, vừa trắng trợn hơn.

Do vậy, nếu Luật không quy định để điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng khiếu nại đông người thì các cấp, các ngành sẽ tiếp tục lúng túng trong xử lý. Tình trạng này để kéo dài hiện tượng khiếu nại đông người có thể sẽ phát triển và tích tụ những tiềm ẩn, nếu trong một thời điểm nhạy cảm nào đó bùng phát sẽ gây ra những phức tạp vô cùng. Tôi đề nghị Luật khiếu nại cần có những quy định về khiếu nại đông người, thế nào là khiếu nại đông người, trình tự thủ tục của việc khiếu nại đông người, trình tự thủ tục để giải quyết khiếu nại đông người, những việc được làm, những hành vi nghiêm cấm trong khiếu nại đông người, những quy định đó cần rõ ràng, cụ thể nhằm giải quyết kịp thời có hiệu quả quyền lợi, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của công dân, đồng thời ngăn ngừa và có cơ chế xử lý nghiêm khắc đối với kẻ xấu.

Hai, tôi hoan nghênh đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích từ ngữ một khoản nội dung giải thích về quyết định khiếu nại như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật. Được như vậy mới đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người khiếu nại, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Ba, về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Thực tế có nhiều trường hợp khiếu nại chính đáng của người dân đã được cấp có trách nhiệm giải quyết và ra quyết định đúng pháp luật nhưng không được cơ quan hành chính Nhà nước thi hành hoặc đùn đẩy, kéo dài. Từ đó phát sinh phức tạp khác, do vậy người dân buộc phải khiếu nại gay gắt để gây áp lực hoặc chờ không được phải chạy. Để đề cao trách nhiệm của cán bộ cơ quan hành chính Nhà nước, đáp ứng quyền lợi hợp pháp của công dân và thiết lập kỷ cương trong giải quyết khiếu nại tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 16 Dự thảo một tiết quy định về nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại như sau: "đôn đốc, kiểm tra việc quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật được thi hành".

Bốn, về quy định tiếp công dân của thủ trường cơ quan Nhà nước. Tôi tán thành và hoan nghênh Dự thảo luật có quy định chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan khác của Nhà nước tiếp công dân. Việc tiếp công dân này tuy có thể chưa giải quyết được khiếu nại nhưng sẽ giúp cho các vị lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp nắm được tình hình khiếu nại, hiểu rõ hơn những vấn đề bức xúc của dân để chỉ đạo giải quyết có hiệu quả và đáp ứng sự mong mỏi của dân. Với người dân có bức xúc phải đi khiếu nại luôn có mong muốn được gặp trực tiếp để trình bày những thắc mắc khiếu nại với người đứng đầu của cơ quan Nhà nước, đó là niềm tin của người dân đối với các vị đó. Nhưng người đứng đầu thường bận nhiều việc, nếu luật không quy định rõ hơn thì người đứng đầu có thể ủy nhiệm cho cấp phó hoặc cán bộ khác tiếp công dân thì hiệu quả sẽ không cao.

Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thể hiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân tôi đề nghị luật quy định rõ chủ tịch Ủy ban nhân dân, thủ trưởng cơ quan phải tự mình trực tiếp tiếp công dân, không được ủy quyền cho người khác, trừ những trường hợp bất khả kháng, với những quy định cụ thể. Luật cũng cần quy định về việc định ngày tiếp công dân của các cấp cơ quan Nhà nước, ngày tiếp công dân có thể do từng nơi quy định nhưng phải là ngày cố định trong tháng, trong tuần và phải được thông báo công khai, rộng rãi.

Năm, thực tế thời gian qua có người, có khi nhiều người có những vụ khiếu nại những người khiếu nại không đến nơi tiếp công dân, nơi giải quyết khiếu nại, họ tụ tập ở những nơi công cộng, đến nhà riêng đón đường, đón xe lãnh đạo, cán bộ. Tôi nghĩ đây không phải là hành vi thể hiện dân chủ mà biểu hiện thiếu kỷ cương, những hình ảnh không đẹp và làm cho trật tự xã hội thêm phức tạp. Tôi đề nghị luật cùng với việc tạo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền khiếu nại. Cần qui định rõ người khiếu nại phải đến khiếu nại ở những nơi tiếp công dân của Ủy ban nhân dân, của cơ quan Nhà nước các cấp. Đồng thời có điều khoản nghiêm cấm đến khiếu nại ở những nơi như đã nêu trên.

Sáu, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số nội dung cụ thể như Điều 7, Khoản 6, qui định nghiêm cấm hành vi đe dọa xúc phạm người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Tôi đề nghị cần qui định không chỉ không được đe dọa xúc phạm người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, mà cũng không được đe đọa xúc phạm những người có liên quan giải quyết khiếu nại. Đề nghị bổ sung nghiêm cấm triệt để hành vi huy động tiền, vật chất trái pháp luật để đi khiếu nại và qui định rõ biện pháp xử lý đối với những người này.

Ở Điều 14 dự thảo luật qui định người khiếu nại được ủy quyền cho người khác để khiếu nại. Nhưng tại Mục 2 chưa có qui định quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền, đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung này. Mặt khác đề nghị bổ sung qui định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị xã hội trong trợ giúp pháp lý, trong bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của hội viên thuộc tổ chức ấy trong khiếu nại.

Ở Điều 63 cần qui định rõ hơn thế nào là thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân để luật rõ ràng và dễ thực hiện. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan