Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hoá

Thứ Tư 09:34 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một số ý kiến về dự án Luật khiếu nại như sau:

Trước hết tôi thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật khiếu nại trên cơ sở chúng ta tách Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành thành hai luật, Luật khiếu nại và Luật tố cáo. Vì hiện nay tình hình đơn thư khiếu nại vẫn có xu hướng gia tăng và kết quả giải quyết nhiều vụ việc của chúng ta vẫn không có hồi kết. Nguyên nhân có rất nhiều, tôi chỉ xin nhấn mạnh 4 vấn đề sau.

Một là các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại nhưng chưa thỏa đáng hoặc không giải quyết một cách kiên quyết.

Thứ hai, theo quy định hàng tháng thủ trưởng cơ quan phải bố trí một ngày tiếp công dân, nhưng trong thực tế thì thường là các thủ trưởng cơ quan không bố trí được thời gian do nhiều lý do. Đồng thời kết quả giải quyết tiếp công dân của chúng ta thì lại không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà chủ yếu là ra các thông báo để trả lời cho công dân.

Vấn đề thứ ba là cán bộ giải quyết khiếu nại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương không nắm chắc được pháp luật hoặc cùng một sự việc khiếu nại nhưng nhiều cơ quan hoặc nhiều người trả lời lại rất khác nhau.

Thứ tư là công dân gửi đơn đi quá nhiều cơ quan, nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương Đảng, Quốc hội đến Chính phủ nên không rõ cơ quan nào có chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tôi chỉ đơn cử Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từ đầu khóa Quốc hội XII đến hết quý III năm 2010 đã nhận 9.059 đơn. Ủy ban đã chuyển đơn cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 1.186 đơn, chuyển và đôn đốc giải quyết là 892 đơn, xử lý và lưu đến 6.981 đơn do đơn bị trùng, không có nội dung hoặc là đơn nặc danh.

Về kết quả đôn đốc giải quyết trong 892 thuộc thẩm quyền của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chuyển thì chỉ có 361 công văn của các cơ quan, tổ chức trả lời, trong đó có 219 công văn cơ quan chức năng trả lời là đã giao cho cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết nhưng cũng không được giải quyết, 142 công văn trả lời là giải quyết hết thẩm quyền. Từ thực trạng trên chúng tôi xin kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số nội dung dự án luật như sau:

Thứ nhất, về mặt phạm vi điều chỉnh thực tế hiện nay công dân khiếu nại trong rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội không chỉ là lĩnh vực hành chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để mở rộng phạm vi điều chỉnh luật để đảm bảo quyền lợi khiếu nại của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.

Vấn đề thứ hai, về khiếu nại đông người. Xuất phát từ khiếu nại lâu nay là đông người thì áp lực giải quyết khiếu nại sẽ có công lực tốt hơn cho nên chính vì lẽ đó tình trạng khiếu nại đông người vẫn tiếp tục tăng lên. Khiếu nại đông người lâu nay trong luật của chúng ta nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn tồn tại khách quan, vì vậy, tôi thống nhất như một số đề nghị là dự thảo luật cần có quy định về nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục giải quyết để đảm bảo quyền khiếu nại của công dân.

Vấn đề thứ ba, về trình tự thủ tục giải quyết theo quy định tại Mục 2, Mục 3 Chương III tôi thấy đây là một nội dung hết sức cơ bản của Luật khiếu nại mà lần này chúng ta thông qua. Tại sao như vậy? Vì hiện nay công dân đến khiếu nại và chúng ta không giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục cho nên vẫn chuyển đi vòng vo. Ở đây có một vấn đề tôi xin đề nghị trong khi chúng ta đang cho ý kiến luật này lần đầu cho nên Chính phủ nên có tổng kết đánh giá lại việc giải quyết Luật khiếu nại hiện hành của chúng ta hiện nay.

Thứ nhất là chúng ta đánh giá xem trong việc giải quyết khiếu nại lần đầu của cơ quan, tổ chức mà người khiếu nại đến khiếu nại xem có bao nhiêu phần trăm đơn khiếu nại được giải quyết và trả lời đúng thẩm quyền.

Thứ hai, là cơ quan cấp trên được xem xét giải quyết khiếu nại lần hai thì có bao nhiêu phần trăm được giải quyết đúng pháp luật và giải quyết đúng được yêu cầu của công dân. Chúng tôi thấy rằng trong đánh giá chung và thực tế theo dõi thì cả hai cơ quan này, cơ quan giải quyết lần đầu thì bảo lưu kết quả của mình cho rằng đã đúng, khi công dân khiếu nại được trả lời là đã được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục và quyết định đã ban hành. Cơ quan cấp trên khi giải quyết lại quyết định của cơ quan giải quyết lần đầu cũng không tiến hành đối thoại với đối tượng khiếu nại. Chính vì không đối thoại hoặc không khảo sát, không giải quyết đúng và dựa vào văn bản trả lời của cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu, lại cũng tiếp tục trả lời cho công dân là đã được xem xét giải quyết đúng thẩm quyền. Chính vì lẽ đó mà các đơn thư khiếu nại của chúng ta vòng vo, không có hồi kết.

Chúng tôi thấy một điển hình hiện nay là trường hợp của bà Dung khiếu nại về việc giải quyết đất đai ở Hà Đông đã được các cơ quan giải quyết, Thường vụ Quốc hội đã xem xét, hiện nay tất cả đại biểu Quốc hội chúng ta hằng ngày đều nhận được tin nhắn của bà này kêu cứu, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét lần này và tố cáo Ban Dân huyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trên tinh thần đó chúng tôi xin đề nghị Chính phủ nên xem xét, Ban soạn thảo đánh giá kỹ lại việc chúng ta thực hiện luật hiện hành để chúng ta xem lại. Về mặt quan điểm cá nhân tôi xin đề nghị chúng ta nên quy định ngay cho cơ quan cấp trên của người bị khiếu nại là cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu cũng là lần cuối cùng, nếu như người khiếu nại không đồng ý có quyền khởi kiện ra tòa. Chúng ta xử lý như thế này thì trách nhiêm cao hơn, nếu đi theo hai bước như quy trình hiện nay của Luật khiếu nại mà chúng ta sửa thì tôi thấy không có gì thay đổi và cũng không có gì sáng sủa hơn luật hiện hành chúng ta hiện nay.

Về vấn đề cụ thể thì tôi thấy trong Điều 7 các hành vi nghiêm cấm thì chúng ta quy định là 8 hành vi nghiêm cấm, nhưng tôi thấy hành vi mà chúng ta quy định ở Khoản 3, Khoản 4 thì không hiểu rằng tính khả thi của nó như thế nào. Ví dụ, bao che như thế nào thì chúng ta biết là bao che cho những người khiếu nại hoặc tố cáo hoặc kích động, cưỡng ép thì như thế nào. Tôi xin đề nghị là bổ sung thêm 2 hành vi bị cấm mà trong thực tế diễn ra rất phổ biến nhưng chúng ta lại không đưa vào.

Một là sử dụng các thông tin sai sự thật, tài liệu giả mạo.

Hai là khiếu nại thuê khi người khiếu nại có đủ hành vi thì tôi thấy đây là 2 điểm lâu nay tình hình khiếu nại vẫn diễn ra. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan