Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hà Công Long – Gia Lai

Thứ Tư 09:32 17-11-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin tham gia ý kiến về quy định tiếp công dân và khiếu nại đông người trong dự án Luật khiếu nại như sau:

Trước hết, tôi nhận thấy trong khi chưa ban hành được Luật về tiếp công dân, để có quy định pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Hiến pháp thì việc quy định về tổ chức tiếp công dân trong Luật khiếu nại với phạm vi áp dụng cho cả tiếp công dân khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính, tư pháp, cũng như tiếp công dân kiến nghị, phản ánh là cần thiết.

Về quy định tổ chức tiếp công dân, qua nghiên cứu so sánh với Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành, tôi thấy quy định trong dự thảo luật này không có gì mới, ngoại trừ thể chế hóa vào luật về trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã được quy định tại Thông báo của Ban bí thư Trung ương Đảng số 164 ngày 23/10/1989 như sau: lập trụ sở tiếp dân chung của Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và và Hội đồng Bộ trưởng để tiếp cán bộ, Đảng viên, nhân dân lên Trung ương khiếu, tố, các kiến nghị và phản ánh tình hình, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng cử cán bộ có đủ năng lực, thẩm quyền đến trụ sở chung nói trên để tiếp, xử lý phần việc thuộc cơ quan mình.

Vấn đề cần lưu ý là tuy trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã được lập và hoạt động, nhưng khi ban hành Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 không quy định vào luật. Nay quy định vào luật tôi đề nghị không thể quan niệm trụ sở chỉ là nơi tiếp công dân, điều quan trọng là cần nghiên cứu tìm giải pháp để khắc phục những bất cập về việc tổ chức tiếp công dân mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập trong nhiều báo cáo cụ thể là: Luật khiếu nại, tố cáo quy định Thanh tra Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, nhưng lại chỉ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với thanh tra Chính phủ. Văn phòng Chính phủ tuy không được quy định trong luật, nhưng lại là cơ quan tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với Chính phủ, đồng thời thực hiện trách nhiệm tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Ban Dân nguyện là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, nhưng lại chưa được luật giao thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là cơ quan được luật quy định trách nhiệm tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì không tổ chức tiếp công dân. Chính vì vậy các cơ quan huyện đang tham gia tiếp công dân tại trụ sở gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tiếp, giải quyết, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại bức xúc dai dẳng kéo dài như các đại biểu đã biết. Để khắc phục vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI, Khóa XII đều đã yêu cầu Chính phủ tổng kết xây dựng Đề án đổi mới phương pháp tiếp công dân, hiện Đề án đã được xây dựng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cho ý kiến tại Thông báo số 307, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 858 ngày 14 tháng 6 năm 2010, trong đó quy định tổ chức tiếp công dân theo mô hình tập trung ở Trung ương và cấp tỉnh.

Quán triệt nội dung Kết luận của Bộ Chính trị về việc cấp công dân tại Thông báo số 130 ngày 10 tháng giêng năm 2008, khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tiếp công dân, gắn tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát việc tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đó tập trung vào việc giám sát trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài. Tôi đề nghị quy định vào Luật khiếu nại về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc tiếp công dân gắn với kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các vụ việc công dân đến trụ sở khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc thẩm quyền. Về khiếu nại đông người, Chính phủ đề nghị không quy định vào luật, nhưng theo tôi đây là vấn đề rất cần được quy định trong luật vì việc tiếp và xử lý đông người trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng do chưa có quy định của pháp luật. Ví dụ như việc khiếu nại của công dân 3 xã thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên về việc không nhất trí với quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi gần 500 ha đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị sinh thái ECOPAC dai dẳng kéo dài từ năm 2005 đến nay, từ đầu kỳ họp Quốc hội đến nay đã 8 lần đến khiếu nại, 3 lần gần đây mỗi lần khoảng 500 người. Phát biểu tại phiên họp thảo luận tại hội trường, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng vụ việc này Thủ trướng Chính phủ đã giải quyết kết luận, Quốc hội đã giám sát kết luận trả lời, nhưng công dân vẫn không chấp nhận, tiếp tục khiếu nại ngày càng gay gắt.

Kính thưa Quốc hội,

Đúng là Ban Dân nguyện đã nhiều lần tiếp công dân báo cáo với Quốc hội nhưng vì Ban Dân nguyện không được giao thẩm quyền giám sát, cơ quan của Quốc hội có thẩm quyền giám sát thì lại chưa giám sát, vì vậy chưa thể kết luận việc giải quyết vụ việc nêu trên là đúng hay sai. Nếu như có tiến hành giám sát thì cũng khó có thể yêu cầu công dân chấm dứt khiếu nại vì chưa có quy định của pháp luật làm căn cứ giám sát. Thực tế cũng cho thấy đã có rất nhiều địa phương chấp nhận và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với nhiều người.

Ví dụ ngay trước ngày thảo luận tổ về luật này, khoảng 100 công dân đến cổng Quốc hội khiếu nại, Ban Dân nguyện tiếp thì thấy đây là một vụ việc khiếu nại về thu hồi đất đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giải quyết bằng quyết định giải quyết khiếu nại đối với công dân các phường Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát nhưng công dân không đồng ý. Đáng lưu ý là người đại diện cho 92 hộ dân làm đơn khởi kiện vụ việc này ra tòa, tòa án đã chấp nhận ra thông báo trả lại đơn đối với người đại diện. Khi người đại diện khiếu nại, Chánh án đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, như vậy cả cơ quan hành chính và tư pháp thủ đô đều đã thụ lý giải quyết đơn đối với người đại diện trong vụ việc khiếu nại đông người. Mặt khác, ngay trong dự thảo luật này, cũng đã quy định người khiếu nại có thể ủy quyền cho luật sư khiếu nại. Khi có nhiều người khiếu nại về cùng nội dung, người tiếp công dân yêu cầu công dân cử đại diện để trình bày nhưng lại không quy định trình tự, thủ tục giải quyết đối với người đại diện là không nhất quán. Trên đây là một số ý kiến tôi tham gia vào dự án luật. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan