Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung – Điện Biên
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa đại biểu Quốc hội, tôi rất nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật lưu trữ sau 9 năm thực hiện Pháp lệnh lưu trữ. Tham gia thảo luận dự án luật này, tôi xin đi sâu vào vấn đề giải thích từ ngữ và tiếp thu ý kiến giải thích từ ngữ của các đại biểu Quốc hội.
Tôi đọc rất kỹ báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này. Tôi cho rằng báo cáo tổng hợp với 28 nội dung đã phản ánh một cách khá đầy đủ, toàn diện ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia. Riêng về giải thích từ ngữ tại Điều 3 đã tổng hợp được 8 nhóm ý kiến, trong đó rất nhiều cụm từ cần phải được nghiên cứu và giải thích làm sao cho rõ nghĩa, dễ hiểu như lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử hoặc có những thuật ngữ không cần giải thích trong luật như hồ sơ, lập hồ sơ hoặc giải thích từ ngữ lại không đúng bản chất của thuật ngữ đó. Ví dụ như "chỉnh lý tài liệu" thì lại cho rằng chỉnh lý tài liệu là tổ chức phân loại, xác định giá trị, sắp xếp, thống kê, lập công cụ tra cứu tài liệu hình thành trong hoạt động của một cơ quan, một tổ chức hoặc một cá nhân, giải thích như vậy có đúng với thuật ngữ "chỉnh lý tài liệu" hay không. Đặc biệt làm sao phải chuyển sang tiếng Việt thuật ngữ "phông".
Kính thưa Quốc hội, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến luật đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm thực hiện trên thực tế và chậm rất lâu đó là phải chờ văn bản dưới luật và cũng bởi vì trong luật còn quá nhiều điều giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành. Vẫn biết Quốc hội không làm văn tập thể nhưng qua ba lần thảo luận tổ, hội trường tại kỳ họp trước và thảo luận hội trường tại kỳ họp tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu, Quốc hội thông qua nhưng thực tế vẫn còn nhiều luật có những thuật ngữ đã được các vị đại biểu Quốc hội phát biểu đầy trách nhiệm phân tích ở nhiều góc độ, khía cạnh nhưng do chưa được tiếp thu đầy đủ nên bấm nút thông qua rồi vẫn còn băn khoăn, áy náy. Thuật ngữ "thức ăn đường phố" trong Luật An toàn thực phẩm hoặc 2 luật vừa bấm nút thông qua trong kỳ họp này đó là "hàng hóa có khuyết tật" trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thuật ngữ về nước khoáng, nước nóng thiên nhiên cũng được giải thích là nước thiên nhiên, trong Dự thảo Luật Khoáng sản cũng được giải thích là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất. Tại sao không bỏ từ "Có nơi lộ trên mặt đất" như ý kiến đại biểu đề nghị để thuật ngữ được giải thích một cách dễ hiểu nước khoáng là nước thiên nhiên dưới đất, trên mặt đất hoặc nước nóng là nước thiên nhiên dưới đất, trên mặt đất hoặc thuật ngữ "khai đào" trong giải thích từ ngữ "khai thác khoáng sản" vẫn không được chỉnh sửa.
Hiện nay tình trạng sử dụng thuật ngữ thiếu chính xác trong các báo cáo của các cơ quan Nhà nước hay tại các chương trình của các cơ quan ngôn luận cũng cần phải quan tâm. Rất nhiều báo cáo dùng thuật ngữ "cho vay sinh viên" tại sao lại là "cho vay sinh viên" mà không phải là "cho sinh viên vay" hoặc từ "vi phạm lâm luật" được sử dụng khá nhiều trên đài truyền hình phát thanh. Ngay lúc tối qua vào lúc 8h30p trên sóng phát thanh tiếng nói Việt Nam chương trình về Công an nhân dân có đề cập đến tin, tin này nói trong chương trình là "trẻ hóa tử tù" tôi cùng 2 đại biểu trên xe không hiểu nội dung của vấn đề này đề cập là cái gì. Cuối cùng, chúng tôi theo dõi và mới hiểu ra một điều đó là tại một tỉnh biên giới tội phạm về ma túy đã chuyển hướng sang chủ thể phạm tội còn rất trẻ, buôn bán với số lượng lớn và họ là những người bị phạt với mức án cao nhất là tử hình.