Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Hai 09:42 22-11-2010

 

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhận thức đo lường là một lĩnh vực khoa học về thước đo và việc ứng dụng chúng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm công bằng thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Có thể nói hoạt động đo lường có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống từ sản xuất đến mua bán, nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì ngành đo lường Việt Nam đã nỗ lực đưa các hoạt động đo lường đi vào thực chất, đảm bảo hiệu quả hoạt động đo lường trong thực tế và gia tăng hiệu quả quản lý của nhà nước. Mặc dù đến nay Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật có chứa quy định liên quan đến hoạt động đo lường, nhưng phần lớn những văn bản này là văn bản dưới luật, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính không đủ sức răn đe, lại nằm rải rác trong nhiều nghị định do Chính phủ ban hành. Nhiều quy định chưa bao quát toàn bộ hoạt động đo lường, các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường cũng chưa được cụ thể nên rất khó khăn cho các tổ chức, cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ. Nên luật đo lường được ban hành trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà kinh tế tri thức, khoa học, công nghệ, thương mại điện tử v.v...phát triển ngày càng mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt trong cuộc sống của con người, lại vừa phù hợp với sự phát triển của xã hội, vừa đáp ứng nguyện vọng và đòi hỏi của đông đảo nhân dân. Nghiên cứu các điều khoản trong dự án Luật đo lường và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, tôi xin tham gia 2 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, dự thảo Luật đo lường có những điều, khoản quy định tương đối cụ thể. Những quy định trong luật sẽ góp phần đảm bảo sự công bằng thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong mua bán, thanh toán hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế.

Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, tuy có ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa thể hiện rõ nội dung đo lường khoa học và đo lường công nghiệp nhưng theo tôi nghĩ dự thảo Luật đo lường đã điều chỉnh tất cả các hoạt động đo lường, ví dụ như họat động đo lường trong đời sống, trong sản xuất và trong khoa học. Theo tôi hiểu thì đo lường pháp định là các quy định bắt buộc áp dụng xuyên suốt toàn bộ các hoạt động đo lường trong đời sống khoa học vào sản xuất. Do đó, tôi thống nhất nội dung thể hiện ở Điều 1 và Điều 2 của dự thảo luật.

Do đo lường là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật mang tính chuyên ngành nên có những từ ngữ nếu không được tiếp cận thường xuyên thì không thể hiểu được. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các thuật ngữ quy định trong luật để giải thích rõ hơn, dễ hiểu và tất nhiên khi áp dụng sẽ thuận lợi hơn.

Thứ hai, một số vấn đề cụ thể ở một số chương, điều tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung như ở Chương quy định chung tại Điều 5, quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo lường. Theo tôi nên quy định thêm chính sách xã hội hóa hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định phương tiện đo, bởi vì theo Tờ trình của Chính Phủ thì hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng 60 đến 70% nhu cầu kiểm định, đồng nghĩa với việc còn 30 đến 40% số phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định nhưng chưa được kiểm định nhưng tôi nghĩ con số thực tiễn còn lớn hơn nhiều. Từ thực tế đó, Nhà nước nên có chính sách xã hội hóa để hoạt động phương tiện đo phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn, Nhà nước chỉ nên tập trung xây dựng các phòng thử nghiệm kiểm định hiệu chuẩn đối với các chuẩn đo lường và phương tiện đo mà tổ chức, cá nhân không đủ năng lực đầu tư hoặc đầu tư không có hiệu quả.

Chương III dự thảo luật cũng đã thể hiện đầy đủ các yêu cầu về chuẩn đo lường, phương tiện đo nhưng để dễ hiểu nên quy định cụ thể hơn như cuối Khoản 1, Điều 14 có quy định: "Danh mục các phương tiện đo pháp định do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thẩm quyền ban hành" Tôi đề nghị quy định rõ trong luật là cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường là cơ quan nào? Tại Khoản 2 điều này đề nghị làm rõ phương tiện đo khác là phương tiện gì và được sử dụng vào mục đích gì? Vì ở Khoản 1 có nói phương tiện đo pháp định được sử dụng vào mục đích định lượng hàng hóa dịch vụ trong mua bán, thanh toán v.v... Vì vậy, Khoản 2 điều này cũng phải nói rõ để dễ hiểu.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, do đó để giảm thiểu tình trạng này tôi đề nghị hoạt động đo lường, nhất là đo lường pháp định cần quan tâm tập trung hơn nữa về vấn đề kiểm định hiệu chuẩn các phương tiện đo, đảm bảo các phương tiện đo hoạt động đúng. Qua đó việc cân, đong, đo, đếm trong bán lẻ cũng như các hoạt động về quản lý và điều khiển công nghệ cũng được điều chỉnh cho chính xác hơn. Đồng thời các hoạt động thanh tra, kiểm tra các loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như xăng dầu và nhiều hoạt động bán lẻ khác cũng cần được quan tâm và thể hiện đầy đủ trong dự án luật. Thực tế đa số người tiêu dùng sử dụng hàng hóa không đúng định lượng đã được công bố, chẳng hạn như vật liệu xây dựng, xăng dầu đong thiếu là phổ biến, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được, xử phạt quá nhẹ, chỉ từ vài chục, vài trăm triệu đồng quá nhỏ so với số tiền các doanh nghiệp xăng dầu có được từ việc móc túi của người tiêu dùng.

Do đó, Dự thảo luật nên quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn áp dụng pháp luật về đo lường đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đo lường. Trong dự thảo luật tại Điều 34 chỉ quy định trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo tôi quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ.

Về xử lý vi phạm pháp luật về đo lường được thể hiện ở Điều 47 trong đó có quy định cho Chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xử phạt đối với trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Theo tôi quy định như vậy là phù hợp, có như thế mới giải quyết được sự bức xúc của xã hội đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, trong khi các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn và cũng không đủ sức răn đe. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan