Góp ý của Đại biểu Quốc hội Rcom Sa Duyên – Gia Lai

Thứ Hai 09:43 22-11-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi đánh giá cao sự tích cực chuẩn bị của Ban soạn thảo về dự án Luật đo lường. Tôi xin tham gia một số ý như sau:

Một, trong dự thảo không đề cập phép đo lường hoạt động thương mại bán lẻ, đặc biệt đối với những phương tiện đo truyền thống, mà chỉ có phép đo pháp định đối với các phương tiện đo thuộc hệ chuẩn quốc tế SI. Phép đo thương mại bán lẻ khác với phép đo pháp định nằm trong danh mục bắt buộc quy định, việc xử phạt 2 loại trên cũng khác nhau theo Điều 7 và Điều 8 của Nghị định 54. Do đó đề nghị các điều khoản quy định sai số về phép đo trong thương mại bán lẻ để làm cơ sở cho xử lý thống nhất, tránh sự tùy tiện.

Hai, tại Khoản 2, Điều 12 về sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác cần bổ sung quy định cụ thể trong những trường hợp nào thì thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp nào quyết định việc sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác nhằm đảm bảo sự thống nhất việc sử dụng các loại chuẩn này tại các địa phương, tổ chức, tránh lạm dụng các chuẩn không đúng quy định.

Ngoài ra trong quản lý cần bổ sung quy định quản lý các phương tiện đo lường dùng làm chuẩn, chuẩn chính, chuẩn công tác, kể cả dùng trong lĩnh vực đo lường pháp định cũng như dùng trong lĩnh vực đo lường công nghiệp thông qua hoạt động chuẩn đo lường, những nội dung này chưa thấy đề cập trong dự thảo. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét và bổ sung vào dự án luật.

Thứ ba, tại Điều 14, các loại phương tiện đo. Dự thảo nêu danh mục các phương tiện đo xác định do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thẩm quyền ban hành. Đề nghị cần cụ thể là cơ quan nào, Bộ Khoa học và công nghệ hay Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật về thực hiện phép đo lường để có được kết quả đo thống nhất và chính xác, phương tiện đo đóng vai trò quan trọng vì vậy việc quản lý phương tiện đo là yêu cầu không thể thiếu. Cùng với những nguyên nhân khác, phương tiện đo và nguồn gốc của nó ảnh hưởng đến sự chính xác và khả năng lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi gian lận trong đo lường. Trong thực tế sự gian lận qua phương tiện đo dân dụng và trong thương mại bán lẻ như điện, nước, cân thông dụng và đo cột đo nhiên liệu khá thường xuyên do đó trong quản lý cần có những biện pháp đủ mạnh và kịp thời để chấn chỉnh.

Thứ tư, tại Chương VI, quản lý Nhà nước về đo lường. Trong thực tế hiện còn nhiều đơn vị tổ chức vừa có chức năng kiểm định phương tiện đo vừa làm nhiệm vụ sự nghiệp và cả kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực xăng dầu, điện, nước không đảm bảo sự khách quan, do đó cần có khoản mục quy định các biện pháp nhằm loại bỏ những tồn tại tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước và các hoạt động sự nghiệp kinh doanh cũng là nhằm thực hiện cải cách thể chế của chương trình cải cách tổng thể hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Thứ năm, tại Điều 43, về xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra đo lường. Để kịp thời xử lý gian lận trong đo lường, cơ quan quản lý đo lường chất lượng địa phương có đề nghị Ban soạn thảo xem xét về chức danh kiểm soát viên đo lường kiểm soát chất lượng giống như kiểm soát, quản lý thị trường trong ngành Công thương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý của đoàn kiểm tra.

Cuối cùng liên quan đến Khoản 7 tại Điều 3 về giải thích từ ngừ. Kiểm định là hoạt động đánh giá và xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu của kỹ thuật đo lường thì theo tôi đề nghị sửa lại cho đầy đủ và tránh nhầm lẫn như sau: "Kiểm định đo lường là hoạt động đánh giá và xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo quy chuẩn kỹ thuật đo lường". Bởi vì ngoài kiểm định đo lường còn có kiểm định chất lượng và các văn bản đo lường Việt Nam thực chất là các quy chuẩn kỹ thuật về đo lường theo luật đã ban hành năm 2006. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan