Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Tuân – Bắc Giang

Thứ Hai 09:41 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và nhiều nội dung trong dự thảo luật. Tôi xin tham gia vào 2 ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất, về những vấn đề chung. Sự cần thiết ban hành Luật đo lường, việc ban hành Luật đo lường là rất cần thiết để điều chỉnh hệ thống và toàn diện hoạt động đo lường ở nước ta hiện nay. Mặt khác cũng để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế toàn cầu hóa về đo lường đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và yêu cầu thực tế khách quan của nước ta hiện nay mà Việt Nam đang là thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Vì vậy, đòi hỏi đo lường pháp quyền, đo lường khoa học ở Việt Nam cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, tôi hoàn toàn nhất trí như trong dự thảo vì đã đảm bảo bao quát hết đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

Tiếp theo là vấn đề về kiểm tra đo lường. Theo tôi không cần thiết phải quy định mục riêng về hoạt động kiểm tra đo lường vào dự thảo luật này, mà hoạt động kiểm tra đo lường sẽ thực hiện theo các quy định của Luật thanh tra.

Ý kiến thứ hai, tôi xin đóng góp vào một số điều cụ thể như sau. Tại Điều 12 của dự thảo Luật đo lường đối với chuẩn chính, chuẩn công tác, nội dung của Điều 12 qui định việc quản lý về đo lường đối với chuẩn chính và chuẩn công tác. Nhưng tại Khoản 7 của điều này lại có qui định như sau: Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ hướng dẫn chi tiết việc phê duyệt duy trì, bảo quản sử dụng chuẩn quốc gia. Trong khi đó Điều 11 qui định việc quản lý đo lường về chuẩn quốc gia lại không có qui định này. Vì vậy tôi đề nghị chuyển qui định trên về Điều 11 của dự thảo luật.

Tại Điều 14 của dự thảo luật các phương tiện đo. Khoản 1, Điều 14 qui định phương tiện đo pháp định gồm các phương tiện đo được sử dụng vào mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo qui định của pháp luật, danh mục các phương tiện đo pháp định do cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có thẩm quyền ban hành.

Nhưng tại Khoản 2, Điều 18 của dự thảo luật lại qui định: Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ qui định chi tiết danh mục các phương tiện đo pháp định qui định tại Khoản 1, Điều 14. Tôi cho rằng qui định như vậy về mặt kỹ thuật lập pháp là không đảm bảo, do vậy tôi đề nghị chuyển Khoản 2, Điều 18 vào Khoản 1, Điều 14 và qui định lại như sau: Phương tiện đo pháp định gồm các phương tiện đo được sử dụng vào mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ mua bán, thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe, các hoạt động công vụ khác theo qui định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ qui định chi tiết danh mục các phương tiện đo pháp định.

Tại Khoản 2, Điều 14 qui định: phương tiện đo không thuộc danh mục qui định tại Khoản 1 điều này, trong khi đó Khoản 1 lại chưa có danh mục qui định.Vì vậy, tôi đề nghị sửa qui định này thành phương tiện đo khác gồm các phương tiện đo không thuộc danh mục các phương tiện đo pháp định.

Tại Điều 15 của dự thảo luật, quản lý đo lường đối với phương tiện pháp định. Khoản 1, Điều 15 quy định như sau: phương tiện đo pháp định phải được thực hiện một hoặc các biện pháp quản lý về đo lường như sau. Trong dự thảo luật kê gồm 4 biện pháp tại các điểm a. b, c và d, tôi cho rằng quy định như vậy cũng không đảm bảo về kỹ thuật lập pháp vì điều luật chưa quy định phương tiện đo pháp định nào thì phải được thực hiện, một, hai, ba hay cả bốn biện pháp quản lý về đo lường.

Trong khi đó tại Điều 18 của dự thảo luật quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức thử nghiệm, kiểm nghiệm được chỉ định tại Khoản 2 lại quy định: Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ quy định chi tiết danh mục các phương tiện đo pháp định tại Khoản 1, Điều 14, các biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo pháp định quy định tại Điều 15 và điều kiện hoạt động của tổ chức thử nghiệm, kiểm định được chỉ định quy định tại Khoản 1 điều này. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ của quy định, tôi đề nghị chuyển quy định chi tiết các biện pháp quản lý về đo lường vào Điều 15 của dự thảo luật.

Tại Điều 37 của dự thảo luật, trình tự, thủ tục kiểm tra đo lường, tại Khoản 3, Điều 37 dự thảo luật quy định: lập biên bản kiểm tra, biên bản lập xong phải có chữ ký của đại diện cơ sở được kiểm tra, đoàn kiểm tra. Tôi đề nghị bổ sung thêm từ "và" vào giữa cụm từ "cơ sở được kiểm tra, đoàn kiểm tra" để đảm bảo sự chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Tại Điều 38 của dự thảo luật, hình thức kiểm tra đo lường, Khoản 1 viết: kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo chương trình kế hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "theo kế hoạch", vì lặp lại làm cho câu không rõ nghĩa và câu này được viết lại như sau: kiểm tra được tiến hành theo chương trình kế hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Điều 39 của dự thảo luật, cơ quan kiểm tra đo lường, Khoản 1 quy định: cơ quan quản lý nhà nước về đo lường thuộc Bộ Khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra đo lường, không quy định một cơ quan kiểm tra đo lường riêng biệt cụ thể là có thủ trưởng cơ quan đo lường.

Tại Điều 41, Khoản 1 dự thảo luật quy định: Đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ quan kiểm tra đo lường quyết định thành lập trên cơ sở chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra đột xuất. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thủ trưởng cơ quan kiểm tra đo lường ở quy định này. Trong quản lý nhà nước, theo quy định của pháp luật nói chung và ngay tại quy định của dự thảo luật này không quy định có một cơ quan kiểm tra riêng biệt mà kiểm tra chỉ trong chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý.

Tại Điều 49 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Theo quy định của dự thảo luật thì Chính phủ, các cơ quan được Chính phủ phân công, phân cấp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại Khoản 3, Điều 8; Khoản 1, Điều 11; Khoản 7, Điều 12; Khoản 2, Điều 18; Điều 21; Khoản 3, Điều 24; Khoản 3, Điều 44; Khoản 3, Điều 45; Khoản 5, Điều 47 và những nội dung cần thiết khác của luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Tôi đề nghị quy định ngắn gọn lại thành Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này. Xin hết.

Các văn bản liên quan